Roman Abramovich là một trong những vị chủ tịch yêu bóng đá nhất trên thế giới nhưng ông sở hữu một thói quen "lạ". Đó là sẵn sàng sa thải HLV đội bóng bất kỳ lúc nào và điều đó tạo nên nhiều dư vị.
Sáng ngày thứ Hai (25/1, theo giờ địa phương), Frank Lampard nhận được cú điện thoại từ CLB chủ quản Chelsea yêu cầu ông tới họp tại sân Stamford Bridge. Ngay lập tức, giới truyền thông loan tin ông thầy 42 tuổi đã bị “The Blues” sa thải sau hàng loạt kết quả đáng thất vọng và chỉ vài giờ sau, đội chủ sân Stamford Bridge xác nhận điều này.
Đúng như tờ Goal từng nói “Lampard không có “kim bài miễn tử” giống như Jurgen Klopp”. Việc ông thầy người Anh bị sa thải được giới chuyên môn dự đoán từ lâu bởi thành tích yếu kém của Chelsea thời gian qua. Họ là đội chi nhiều nhất trên thị trường chuyển nhượng trong mùa hè vừa qua với 225 triệu bảng cùng với đó là 7 tân binh.
Chelsea đã từng có lúc thi đấu cực hay và đua tranh tốp đầu nhưng dần dà những kết quả không tốt khiến thầy trò Lampard tụt xuống vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng sau vòng 19. Đây rõ ràng là điều chủ tịch Abramovich không muốn thấy sau khi bỏ ra một đống tiền.
Một vài nguồn tin tiết lộ Lampard vốn mâu thuẫn với giới thượng tầng CLB từ lâu trong công tác huấn luyện cũng như chuyển nhượng. Ngay từ khi mới tới, ông thầy người Anh yêu cầu đội bóng thêm Shay Given vào danh sách ban huấn luyện nhưng không được như ý. Lampard cũng yêu cầu có được chữ ký của Declan Rice nhưng tiếp tục bị gạt bỏ do West Ham hét giá quá cao (80 triệu bảng).
Lampard là một người chính kiến nên kiên quyết giữ quan điểm của mình và khi hội đồng quản trị đội bóng họp bàn về tương lai của ông thầy người Anh, chỉ có chủ tịch Abramovich là người không muốn danh thủ người Anh có thêm thời gian.
Trên thực tế, phản ứng của giới mộ điệu cũng tương tự. Ai cũng tiếc cho Lampard vì ông không có cơ hội được sửa sai như Mikel Arteta của Arsenal hay Ole Gunnar Solskjaer của MU. Tiêu biểu nhất là lời phát biểu của Steven Gerrard, người từng có nhiều năm tranh đấu với Lampard trên sân cỏ.
“Chelsea nên đứng về phía Lampard và ủng hộ anh ấy nhiều hơn là những điều họ đã làm trong thời gian đội bóng gặp khó khăn. Tuy nhiên, tôi không ngạc nhiên về quyết định của họ bởi Chelsea cũng từng làm điều tương tự trong quá khứ”.
Frank Lampard chính là vị HLV thứ 10 bị Chelsea sa thải chỉ trong 18 năm qua kể từ chủ tịch Roman Abramovich mua CLB này vào năm 2003. Ông thầy người Anh ra đi với thành tích kiếm điểm/trận Ngoại hạng Anh kém nhất trong lịch sử. Lampard không có thời gian để sửa sai giống như những người tiền nhiệm của mình.
Roman Abramovich nổi tiếng là nhà tài phiệt “cuồng” bóng đá. Ông sẵn sàng bỏ tiền ra mua một CLB hạng trung tại Ngoại hạng Anh vào năm 2003 có tên Chelsea và đổ thêm vào đó không biết bao nhiêu tiền của để biến đội bóng này nhanh chóng trở thành một ông lớn không chỉ của bóng đá Anh mà còn của cả châu Âu.
Dưới thời Abramovich, Chelsea có lần đầu vô địch hạng đấu cao nhất của nước Anh sau 50 năm chờ đợi (1955-2005). Sau đó, đội bóng của vị tài phiệt người Nga còn đứng trên đỉnh Ngoại hạng Anh thêm 3 lần nữa. Chelsea cũng có lần đầu tiên vô địch Champions League vào năm 2012.
Tóm lại, nhà tài phiệt người Nga sẽ là hình mẫu của “vị chủ tịch đội bóng đáng mến” nếu như không có một thói quen xấu. Đó là sẵn sàng thẳng tay sa thải HLV nếu như thành tích của CLB không được như ý chỉ trong một thời gian ngắn hoặc chỉ đơn giản là ông muốn đội bóng chơi theo cách mới.
Người đầu tiên hứng chịu “cơn giận dữ” của Abramovich là “Gã thợ hàn” Claudio Ranieri. Ông thầy người Ý phải ra đi để dọn đường cho Jose Mourinho – người vừa vô địch Cúp C1 cùng Porto nên thành tích 107 trận thắng trên tổng số 199 trận của Ranieri chẳng có nghĩa lý gì với nhà tài phiệt người Nga.
Người thứ hai là Jose Mourinho với biệt danh “Người đặc biệt”. Ông thầy người Bồ Đào Nha cũng là trường hợp đặc biệt nhất trong số những HLV từng dẫn dắt Chelsea dưới thời Abramovich khi “vinh dự” được ông chủ người Nga đuổi việc tới hai lần.
Những mâu thuẫn không thể hàn gắn vào năm 2007 giữa hai người khiến Mourinho bị đuổi ngay giữa mùa giải mặc cho phí bồi thường phá vỡ hợp đồng lên tới 23,1 triệu bảng – con số cực lớn vào thời điểm ấy. Tuy nhiên, Abramovich không quan tâm với tiềm lực tài chính của mình.
Lần thứ hai Mourinho bị Chelsea sa thải có phần giống với cậu học trò Lampard. Đó là khi đội bóng có kết quả không tốt trong một khoảng thời gian và Abramovich quyết định “thay đổi HLV là điều cần thiết” dù “rất tiếc khi phải chia tay với HLV dù đó là một kết quả khó khăn”.
Cay đắng nhất trong danh sách này có lẽ Antonio Conte. Ông thầy người Ý dẫn dắt Chelsea hai mùa giải và mỗi mùa đều có một chiếc cúp. Mùa đầu là Ngoại hạng Anh, mùa sau là FA Cup nhưng vẫn bị sa thải vì “không thể giúp đội bóng lọt vào Top 4” ở mùa 2017/18.
Tuy nhiên, giới mộ điệu loan tin Conte bị “trảm” đơn giản vì Abramovich muốn đội bóng theo đuổi thứ “bóng đá quyến rũ” thay vì những bài tấn công thực dụng nhưng nhàm chán. Đó là lý “Pep đệ nhị” Maurizio Sarri được bổ nhiệm thay thế bất chấp việc Chelsea phải bồi thường 26,6 triệu bảng (bao gồm cả tiền phí kiện) đối với Antonio Conte.
Còn lại những cái tên như Avram Grant, Felipe Scolari, Carlo Ancelotti, Andre Villas-Boas hay Roberto Di Mateo đều mất việc sau một quãng thời gian Chelsea có thành tích kém. Tổng cộng, Abramovich đã bỏ ra khoảng 100 triệu bảng – tương đương khoảng gần 3.200 tỷ đồng trong 18 năm qua chỉ để bồi thường cho HLV bị Chelsea sa thải.
Đó quả thật là thú chơi xa xỉ mà chỉ những tỷ phú mới dám làm. Abramovich giống như vua (hay ở Nga gọi là Sa hoàng) của Chelsea và khi ông muốn “trảm”, chẳng vị tướng nào có thể “toàn mạng”. Đúng là “chơi với vua như chơi với hổ”.
Trong lá thư gửi Abramovich vào năm 2011, một CĐV Việt Nam đã dành rất nhiều tâm huyết để bày tỏ sự biết ơn đối với chủ tịch người Nga khi “hô biến” Chelsea chỉ trong một thời gian ngắn. Quả thật, số CĐV của Chelsea ngoài biên giới nước Anh cực kỳ ít cho tới trước năm 2003 và hiện tại, họ luôn nằm trong nhóm những đội bóng có nhiều CĐV nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, nửa sau của bức thư lại là một cảm xúc khác, đó là nỗi lo sợ cho số phận của Ancelotti - HLV của Chelsea thời điểm ấy. Lời thỉnh cầu ấy đương nhiên là vô tác dụng và HLV kỳ cựu người Italia vẫn phải khăn gói rời Stamford Bridge. Mười năm sau, những cảm xúc trong bức thứ ấy có lẽ vẫn vẹn nguyên đối CĐV Chelsea.
Họ biết rõ ai là người đứng sau tạo nên thành công và danh tiếng của CLB như ngày hôm nay nhưng họ lại luôn đứng trước nỗi lo mất đi vị HLV tâm huyết với đội bóng chỉ sau một vài trận thua. Có người cực đoan sẽ gọi đó “sự độc tài” nhưng Abramovich chưa bao giờ để tâm.
Điều duy nhất ông chủ người Nga muốn ở các HLV dẫn dắt Chelsea đó là những trận thắng, những chiếc cúp. Abramovich không ngại bỏ ra tiền bạc để chiều lòng những vị tướng của mình nhưng ngược lại, ông muốn có kết quả ngay lập tức. Không có chỗ cho sai lầm ở Chelsea, đó là một cuộc chơi khắc nghiệt và ai tham gia cũng phải chịu quy tắc của trò chơi.
Hiện tại, Thomas Tuchel đã tiếp quản chiếc ghế của Frank Lampard và có trận ra mắt không đến nỗi tệ khi Chelsea hòa Wolves trong một trận cầu không bàn thắng. Ông thầy người Đức nổi tiếng là một người giỏi chuyên môn nhưng không giỏi chuyện ngoài lề sân cỏ.
Có lẽ, điều đó lại hợp với tính cách của vị chủ tịch người Nga nhưng Tuchel có thể tại vị ở Chelsea bao lâu? Đó vẫn là một câu hỏi khó trả lời bởi tất cả đều phải nhìn sắc mặt của chủ tịch Roman Abramovich.
Một vài nét về chủ tịch CLB Chelsea, Roman Abramovich
Tên đầy đủ: Roman Arkadyevich Abramovich
Ngày sinh: 24/10/1966
Quốc tịch: Nga và Isarel
Trị giá tổng tài sản: 12 tỷ USD (tính tới tháng 5/2020)
Ngày tiếp quản Chelsea: Tháng 6/2003
Số danh hiệu có được cùng Chelsea trong 18 năm qua
5 Premier League
5 FA Cup
3 League Cup
2 FA Community Shield
1 UEFA Champions League
2 UEFA Europa League