Tuyển thủ nữ & chuyện đời thường chưa kể (Bài 2)
Là cô gái luôn phấn đấu không ngừng, Nguyễn Thị Hòa vừa đá bóng vừa học văn hóa. Ước mơ của cô là tiếp tục học đại học TDTT để sau này nghỉ đấu vẫn có thể gắn bó với trái bóng tròn.
Các cô gái đá bóng của đội tuyển nữ Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tham dự World Cup 2015. Họ nung nấu quyết tâm, muốn cháy hết mình để làm nên điều kỳ diệu cho màu cờ sắc áo của Tổ quốc với cơ hội lịch sử tại VCK bóng đá nữ châu Á tháng 5 tới tại TP HCM. Nhưng ít ai biết đằng sau những đôi chân đá bóng ấy là những câu chuyện đầy cảm động về cảnh đời của những cô gái đã phải hy sinh rất nhiều để theo đuổi đam mê của mình. Mời các bạn theo dõi loạt bài Tuyển thủ nữ & chuyện đời thường chưa kể để hiểu thêm về cuộc sống của cầu thủ nữ, những tâm sự, chia sẻ trong việc vượt lên định kiến, khó khăn để trở thành tuyển thủ quốc gia. |
Xem video cuộc sống đời thường của Nguyễn Thị Hòa:
Bài 2 - Tiền đạo Nguyễn Thị Hòa: "Mẹ luôn là động lực tinh thần"
Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1990) không còn xa lạ với làng bóng đá Việt Nam, bởi cô đã có tên trong đội hình ĐTQG nữ được 5 năm.
Tại giải bóng đá VĐQG nữ - Thái Sơn Bắc 2012, Nguyễn Thị Hòa cho thấy sự trưởng thành ấn tượng khi giành danh hiệu “Nữ hoàng phá lưới” với 8 lần chọc thủng lưới đối phương. Cô có chiều cao khá nổi bật so với đồng đội (cao 1m65), khả năng dứt điểm được đánh giá khá tốt. Ở nhiều mùa giải VĐQG của bóng đá nữ vừa qua, Nguyễn Thị Hòa là tiền đạo đáng ngại với nhiều hàng thủ. Tuy nhiên, đằng sau thành công của chân sút này, ít ai biết được hoàn cảnh khó khăn của Hòa.
Mỗi dịp rảnh rỗi, Hòa tranh thủ thời gian về quê phụ giúp bố và anh trai chăm sóc mẹ.
Chúng tôi đã có dịp tới thăm nhà Nguyễn Thị Hòa tại thôn Đìa, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội khi cô gái này đang tất bật ghi vé xe cho khách. Gia cảnh Hòa khó khăn chồng chất khi mẹ cô bị tai nạn và phải cắt bỏ hai chân. Bố Hòa, ông Nguyễn Tiến Phượng là thương binh 4/4, bị mất sức lao động, giờ đây ông vẫn đang chiến đấu với chứng bệnh teo cơ chân, đau đầu kinh niên do di chứng của chiến tranh. Anh trai Hòa mở tiệm sửa chữa điện tử tại nhà để thuận tiện cho việc chăm sóc mẹ.
Hòa cho biết, nhà ở gần chợ nên gia đình cô mở quán nước, trông xe và bán than kiếm thêm thu nhập. “Tranh thủ mấy ngày nghỉ tết, em ở nhà phụ giúp bố mẹ. Là con gái duy nhất trong nhà, cả năm đi thi đấu, toàn bộ việc chăm sóc mẹ đều do bố em và anh trai đảm nhận nên nhiều lúc em áy náy lắm. Nên giờ về tranh thủ đỡ đần được việc gì cho gia đình, em đều không ngại”, Hòa kể chuyện.
Tâm sự về những chuyện buồn đã qua, Hòa chia sẻ: “Ban đầu nghe tin mẹ bị tai nạn, em buồn lắm. Đặc biệt là khi nghe bác sĩ bảo mẹ em phải cắt bỏ hai chân. Lúc đó, em suy sụp hoàn toàn và chẳng muốn làm gì cả. Nhưng được mẹ động viên, em đã nghĩ tích cực hơn. Bố mẹ khuyên em hãy lên đường, thi đấu thật tốt và tiếp tục con đường em đã chọn. Đó sẽ là cách tốt nhất để mẹ em vui. Mỗi lần ra sân thi đấu, em đều nổ lực hết minh vì biết rằng bố mẹ luôn mua báo vào ngày hôm sau để biết em và đội thi đấu như thế nào. Mỗi khi ra sân thi đấu, em luôn tự nhủ vì mẹ, minh không thể gục ngã".
Hòa thành thạo công việc bếp núc và nấu ăn rất ngon.
Trong căn nhà đơn sơ, bà Nguyễn Thị Táo (mẹ của Hòa) rưng rưng chia sẻ: “Khi tôi còn cả 2 chân, kinh tế gia đình còn khó khăn, giờ lại phải vay mượn để chạy chữa bệnh tật nữa. Tôi mong có được đôi chân để chạy đi chạy lại cho các con còn nương tựa. Giờ đây tất cả hoạt động, từ ăn uống đến đi vệ sinh của tôi đều do chồng và con. Ước gì tai ương này không đổ xuống gia đình tôi”.
Là con gái, thi đấu xa nhà, Hòa rất thương mẹ. Cô tự nhủ sẽ phải cố gắng thi đấu tốt, học Đại học TDTT để sau này có nghề nghiệp ổn định đỡ đần cho gia đình. Nói về chuyện tình cảm riêng, Hòa cho biết hiện tại cô vẫn chưa có người yêu. "Hy vọng sau này, người yêu em sẽ thông cảm cho hoàn cảnh gia đình và hiểu được những khó khăn trong công việc của em. Chỉ cần sau này em gặp một người đàn ông yêu em như bố yêu mẹ là đủ", Hòa tâm sự.
Gia đình Hòa vừa đón thêm thành viên mới. Cô hy vọng cháu trai sẽ mang lại sự ấm áp và may mắn cho gia đình.
Năm mới Giáp Ngọ, mơ ước của Nguyễn Thị Hòa thật giản dị. Cô gái nhỏ nhắn này luôn hy vọng rằng: “Giá như có đôi chân giúp mẹ đi lại để tinh thần mẹ được thoải mái hơn, để mẹ trở thành trụ cột tinh thần của gia đình thì tốt biết mấy".
Hiện tại, Nguyễn Thị Hòa đang học thêm để sau nay trở thành huấn luyện viên, tiếp tục đi làm để có thu nhập trang trải cuộc sống và vẫn theo đuổi được niềm đam mê bóng đá của mình.
Xuất thân từ con nhà nông, Nguyễn Thị Muôn làm việc đồng áng thành thạo. Mê những trận bóng đá ở sân làng, cô đã phấn đấu trở thành một trong những trụ cột của đội tuyển nữ quốc gia. Mời các bạn đón đọc: "Cầu thủ nữ VN & chuyện đời thường chưa kể (Bài 3)" vào 13h30 ngày thứ Ba 11/2.