Tuyển thủ bóng đá nữ hoãn đêm tân hôn vì bận thi đấu
Hoãn đêm tân hôn vì bận thi đấu hay những day dứt khi không được ở gần người thân lâm trọng bệnh, chỉ là một vài ví dụ về những thiệt thòi, sự hy sinh lặng thầm của đời nữ cầu thủ.
Đằng sau ánh sáng lấp lánh của tấm huy chương "vàng mười" SEA Games 29 mà các nữ tuyển thủ bóng đá mang về cho người hâm mộ, có những thiệt thòi, hy sinh, cống hiến thầm lặng của những cô gái theo đuổi nghiệp "quần đùi áo số".
Nữ tuyển thủ Vũ Thị Nhung trong buổi giao lưu trực tuyến với báo Tiền phong sáng 31/8.
Hôm rồi trong buổi giao lưu với các thành viên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức, người viết lặng người khi nghe tuyển thủ Vũ Thị Nhung trải lòng về hôn lễ "2 không" của cô cách đây hơn 2 năm: Không đêm tân hôn và không tuần trăng mật!
“Tôi và bạn trai lên kế hoạch đám cưới nhưng bất ngờ phải thay đổi vì một số chuyện riêng trong gia đình. Ngày cưới không đúng theo dự tính nên cận kề ngày tôi phải tham gia lượt đi của giải Vô địch Quốc gia năm 2015.
Do vậy, đám cưới của tôi diễn ra "thần tốc". Đúng ngày cưới, 4h sáng tôi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để về nhà kịp đám hỏi lúc 8h. Sau đó nhà trai rước dâu ngay trong buổi trưa. 17h cùng ngày, tôi tiếp tục ra sân bay vào lại Sài Gòn để kịp trận vào hôm sau.
Một hôn lễ không có đêm tân hôn và cũng chưa kịp hưởng tuần trăng mật. Chồng tôi đùa rằng khi nào giải nghệ sẽ bù. Người con gái một lần xinh đẹp nhất, rạng rỡ nhất, hạnh phúc nhất là ngày cưới nhưng tôi chưa kịp cảm nhận hết những cảm xúc ấy. Vì vướng vào mùa giải nên bạn bè thân trong đội cũng không ai có mặt tham dự đám cưới. Tôi cảm thấy một chút hụt hẫng. Biết làm sao được? Đã chọn theo đam mê với trái bóng thì phải chấp nhận. Ngay cả trong ngày cưới của mình”- Nhung nghẹn ngào kể lại.
Tuy nhiên, hôn lễ "2 không" đó không phải là điều khiến Nhung day dứt nhất khi nhìn lại con đường theo nghiệp bóng đá của mình. Cho tới tận giờ, nữ tuyển thủ này vẫn còn ân hận vì bận thi đấu không thể chăm sóc bố khi ông lâm trọng bệnh.
“Khi biết bố bệnh nặng, tôi muốn về nhà luôn. Trận hôm ấy, tôi ra sân nhưng tâm trí lại hướng về nhà. Tôi về nhà được mấy tiếng thì bố tôi mất. Cho đến giờ tôi vẫn ân hận vì thời gian bố bị bệnh không thể chăm sóc”- Nhung tâm sự.
Nói về người mẹ đã mất của mình, tiền vệ Nguyễn Thị Liễu (SN 1992, quê Lý Nhân, Hà Nam) cũng không khỏi nghẹn ngào. Thời điểm Liễu được triệu tập vào đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chuẩn bị vòng loại Asian Cup 2015 là lúc mẹ Liễu qua đời vì bệnh ung thư. Liễu chia sẻ: “Tôi biết tin mẹ mắc bệnh ung thư, không thể cứu chữa từ trước đó cả năm. Đau đớn và chán nản lắm nhưng rồi hai chị em động viên nhau phải cố gắng đứng lên để làm chỗ dựa cho mẹ. Mẹ mất, tôi cũng muốn ở nhà thật lâu để được thắp hương, lo bữa cơm cúng hằng ngày. Nhưng nhớ lời mẹ dặn phải cứng rắn sống, cố gắng tập luyện và thi đấu tốt, tôi chỉ xin ở nhà 3 ngày rồi lại lên đường”.
Sau hai năm cưới, giờ đây vợ chồng Nhung vẫn kế hoạch chưa sinh em bé dù ông bà nội ngoại đều thúc giục. “Vợ chồng tính ít nhất phải hết năm sau khi tôi hoàn thành 4 năm học và tham gia đại hội thể thao của quốc gia 4 năm diễn ra một lần để cống hiến cho câu lạc bộ, cũng như ghi dấu mốc kết thúc sự nghiệp thi sân cỏ, việc học”, Nhung nói.
Theo Nhung, mỗi cô gái trong đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có một hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ như hoàn cảnh của nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Muôn cũng rất éo le. Muôn hiện là người lo kinh tế chính trong gia đình. Em gái Muôn mắc bệnh hiểm nghèo ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
Thế nhưng họ luôn động viên nhau cố gắng. “Chỉ có những chiến thắng, tấm huy chương mới là bằng chứng để người thân tin tưởng và ủng hộ chúng tôi đi trên con đường này lâu hơn nữa”- Vũ Thị Nhung nói.
Trả lời báo chí mới đây, HLV Mai Đức Chung từng kể về những thiệt thòi, hy sinh, cống hiến thầm lặng của các nữ tuyển thủ: "Phải nói rằng người phụ nữ Việt Nam kiên nhẫn và dũng cảm lắm. Họ chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi nhưng luôn biết cách tự vươn lên. Có những gia đình cầu thủ hoàn cảnh khó khăn khiến tôi phải phát khóc khi gặp gỡ, chứng kiến.
Và nó khiến tôi tự bỏ tiền túi để hỗ trợ phần nào cho các cháu. Trong đội nữ, có những VĐV đã có chồng biết nhịn lại chưa đẻ để tập trung thi đấu. Có những cầu thủ đã chia tay, hy sinh hạnh phúc gia đình vì bóng đá".
Các cô gái vàng của đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 29 đã về nước.