Tuyển nữ Việt Nam: Học đội Thái cách đứng dậy
Giấc mơ World Cup không thành, HLV Trần Vân Phát sẽ ra đi. Giờ là thời điểm để VFF đưa ra chiến lược vực dậy đội tuyển nữ Việt Nam nếu không muốn tiếp tục trượt dài phía sau bóng đá Thái.
Năm 2009, ngay sau thất bại trước tuyển nữ Việt Nam ở chung kết SEA Games 25, Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT) Worawi Makudi đã triệu tập một cuộc họp khẩn, đưa ra chiến lược phải tái thiết mạnh mẽ bóng đá nữ. Kết quả là một lứa cầu thủ U19 nữ Thái Lan sau khi được tuyển chọn, sàng lọc gắt gao đã lên đường sang Nhật và châu Âu tập huấn dài hạn. Năm năm sau, chính lứa cầu thủ đó đã đánh bại tuyển nữ Việt Nam để trở thành đội bóng đầu tiên của Đông Nam Á giành vé dự VCK World Cup nữ 2015 tại Canada.
Với lứa cầu thủ tuổi đời đã cao như Kiều Trinh, Kim Hồng hay Lê Thị Thương, ngày giã từ sự nghiệp không còn xa nên thất bại trước Thái Lan là một cột mốc buồn mà họ sẽ nhớ mãi. Theo HLV Mai Đức Chung, người từng nắm thế hệ vàng của bóng đá nữ Việt Nam, đã đến lúc phải xem lại công tác đào tạo trẻ của bóng đá nữ. “Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia, cả 2 lượt đi và về, chỉ diễn ra gói gọn trong chưa đầy 1 tháng. Còn việc tập trung đội tuyển cũng chỉ diễn ra 2-3 tháng trước giải nên các em khó mà tìm được sự gắn kết. Nhìn các tuyển thủ Thái Lan trẻ trung, sung mãn và thi đấu ăn ý hơn hẳn, chúng ta cũng đủ hiểu họ đã chuẩn bị cho chiến dịch giành vé dự VCK World Cup dài hơi và kỹ lưỡng đến mức nào. Thái Lan chỉ giành vé dự World Cup nhờ CHDCND Triều Tiên bị FIFA kỷ luật nhưng họ cũng đã có đến 5 năm xây dựng, chuẩn bị” - ông Chung nhận xét.
Dù được nghỉ ngơi nhiều hơn 1 ngày nhưng Nguyễn Thị Liễu (trái) và nhiều cầu thủ Việt Nam vẫn tỏ ra đuối sức so với đội Thái Lan Ảnh: QUANG LIÊM
Theo lý giải của cựu HLV trưởng tuyển nữ này, ngoài công tác đào tạo trẻ chưa tốt còn có một thực trạng mà ngay cả VFF dù biết cũng tỏ ra bất lực trong việc can thiệp: Chuyện “ăn uống kiêng khem” quá mức của các nữ tuyển thủ. Đa phần cầu thủ nữ Việt Nam xuất thân từ gia đình nghèo, từ nhỏ đã ăn uống kham khổ nên khi nhận được chế độ đãi ngộ, họ vẫn chi tiêu tiết kiệm, đặc biệt là chuyện ăn uống.
“Đây là một thói quen khó bỏ, điều đó về lâu dài tác động không tốt đến thể lực của các nữ cầu thủ trước các giải đấu lớn. Trái lại, những cầu thủ của Thái Lan được chăm sóc kỹ lưỡng về dinh dưỡng nên khi chơi bóng tốc độ cao, họ không bị ảnh hưởng nhiều. Cả 2 đội bóng có cùng tương quan lực lượng, chiến thuật thì yếu tố thể lực sẽ quyết định thành bại. Trận đấu vừa rồi đã chứng minh điều đó dù chúng ta được lợi về ngày nghỉ và nhiều trụ cột được dưỡng sức” - ông Chung giải thích.
Không bỏ rơi tuyển nữ Thái Lan đã mời cả chuyên gia Nhật Bản, HLV thể lực của Đức để theo sát đội bóng - những yếu tố góp phần mang lại chiếc vé dự VCK World Cup. Đây là điều mà bóng đá Việt Nam cần học hỏi. Hôm nay, 23-5, VFF sẽ tổ chức hội thảo phát triển thể thao tại TP HCM. Trong đó, việc nâng cao chế độ dinh dưỡng cho các cầu thủ trẻ, đặc biệt là các nữ cầu thủ, sẽ được nghiên cứu kỹ để xây dựng một thế hệ cầu thủ có tố chất, thể hình thật tốt. |
Trẻ hóa để không tụt hậu Mục tiêu lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong năm nay - suất dự VCK World Cup nữ - chưa thực hiện được nhưng VFF không coi đây là thất bại. Ông Phan Anh Tú, Trưởng Ban Bóng đá nữ VFF, nhìn nhận: “Không thể đánh giá thành bại qua một trận đấu. Đúng là tuyển nữ Việt Nam thua Thái Lan trong cả 2 lần đối đầu gần đây nhưng nếu nhìn lại cả hành trình thì bóng đá nữ Việt Nam đã đi được một chặng đường rất dài”. Theo ông Tú, thất bại trước nữ Thái Lan là cơ hội để nhìn lại, xây dựng đội tuyển nữ chuyên nghiệp hơn. “Trẻ hóa là mục tiêu quan trọng bây giờ. Chúng tôi đã chuẩn bị lứa cầu thủ U19-U20 để phục vụ rất nhiều mục tiêu. Thái Lan đã làm việc này trước nên họ thành công trước. Chúng ta cần sớm làm ngay vì nếu càng làm chậm thì càng tụt hậu so với đối thủ” - ông Tú cho biết. VFF đang cùng với Tổng cục TDTT phát triển một chương trình đầu tư trọng điểm cho bóng đá nữ. “Tôi nghĩ chương trình này về kinh phí và mức độ quan tâm sẽ không bị ảnh hưởng dù tuyển nữ vuột tấm vé dự World Cup” - Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói. Theo ông, thất bại của tuyển nữ trước Thái Lan là nỗi buồn, nỗi đau bởi VFF và hàng triệu người hâm mộ rất kỳ vọng. “Tuy nhiên, trải nghiệm hành trình đến World Cup cũng là cơ hội quý giá để bóng đá nữ Việt Nam nói riêng và bóng đá nước nhà nói chung nhìn thấy khát vọng, tiềm năng của chúng ta. Vì thế, dù tuyển nữ thất bại nhưng VFF vẫn thưởng khích lệ các cầu thủ” - ông Dũng cho biết. Hiện nay, vấn đề lớn đặt ra với bóng đá nữ nước nhà là chỉ khi lên tuyển, các cầu thủ mới được đầu tư. Trong khi đó, đời sống của các nữ tuyển thủ ở CLB vẫn rất khó khăn. Nhiều người cho rằng VFF đặt mục tiêu “xây nhà từ móng” nhưng chỉ có bóng đá nam được hưởng lợi còn bóng đá nữ vẫn nằm ngoài sự quan tâm. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định: “Sắp tới, VFF sẽ phối hợp với các CLB để tháo gỡ khó khăn cho các đội bóng nữ”. P.Ngọc |