Tương lai U19 Việt Nam: Trường học và trường đời
Bảy năm được đào tạo bài bản trong Học viện HAGL – Arsenal JMG, trong đó có một năm bước ra những sân chơi cùng trang lứa, các cầu thủ U19 Việt Nam đã thu hoạch được gì trước khi ra trường đời?
Họ, các cầu thủ U19 cho thấy đây là lứa cầu thủ được đào tạo với một nền tảng rất tốt từ tư duy chơi bóng đến kỹ thuật, lẫn sự tự tin khi cầm và xử lý bóng.
Các cầu thủ U19 đã có thời gian dài chơi với nhau nên rất hiểu nhau, đặc biệt là có thể thực hiện những miếng đánh theo dạng thuộc lòng và hiểu nhau hiểu từ cách di chuyển đến sở trường của nhau. Điều này đã tạo được sức hút rất lớn từ người hâm mộ và giới chuyên môn khi lứa cầu thủ này được “thử lửa”, bắt đầu từ giải vô địch U19 Đông Nam Á năm 2013. Một giải đấu mà các em về nhì, nhưng trong suy nghĩ của nhiều người thì các em đã là nhà vô địch.
Tiếp theo là nhiều giải đấu nữa, như vòng loại U19 châu Á với ba trận toàn thắng trong đó có trận “hạ nhục” các cầu thủ U19 Úc. Rồi hai cái cúp giao hữu NutiFood với những đối tượng rất mạnh giúp các em vỡ ra nhiều thứ.
U19 VN hòa tiếc nuối trước U19 TQ
Gần nhất là vòng chung kết U19 châu Á trong đó có trận thua đậm đến 6 bàn trước U19 Hàn Quốc. Để rồi tiếp theo là kinh nghiệm được rút ra từ chính các cầu thủ và từ ban huấn luyện trong trận thua đau trước U19 Nhật Bản vì hai bàn ở những phút bù giờ. Hay nhất ở giải đấu này chính là trận hòa tiếc nuối trước U19 Trung Quốc với thế trận hoàn toàn thuộc về ta. Trận đấu khiến cho U19 Trung Quốc rượt đuổi trong sợ hãi và cuối cùng phải thừa nhận là chúng ta chơi tốt hơn, hay hơn họ trong suốt trận.
Những bài học kinh nghiệm cứ được tích lũy để những cầu thủ trẻ này dày dạn hơn, nhưng đã đến lúc họ phải “ra đời”, hay nói đúng hơn là phải bước ra ngoài để phát triển, thay vì cứ được gìn giữ trong học viện với đủ thứ vỏ bọc cùng những lớp “anti-virus” phủ quanh mình.
Cá nhân tôi cho rằng các cầu thủ khi đã bước sang tuổi 19, tức đã là những thanh niên trưởng thành và họ cần được ứng xử như những thanh niên trưởng thành, thay cho việc cứ được “ôm ấp” mãi trong môi trường “vô trùng”.
Họ cần được bước ra đời ra những sân chơi lớn, thậm chí là cần được tự lập, được quyết định lẫn chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Thậm chí là ngay cả việc đồng tiền họ được thưởng lẫn đồng tiền xứng đáng được hưởng từ công sức của mình thì họ cũng cần được đón nhận đầy đủ, thay cho việc vì sợ hư nên không cho cầm tiền.
Một cầu thủ cũng giống một thanh niên trưởng thành, không thể cứ “nhốt” mãi trong gia đình với sự bao bọc của cha mẹ mà cần phải được đưa ra đời và cần có những va đập để phát triển một cách tự nhiên.
Vẫn biết rằng việc bầu Đức không muốn bán cầu thủ hay không muốn tách những cầu thủ này ra mà cứ muốn duy trì mãi để phát triển một cách đồng hành như 7 năm qua đã cùng ăn, cùng học và cùng đá bóng ở học viện. Thậm chí bầu Đức cũng không muốn tách các em ra để đá cho những đội khác.
Quan điểm tôi thì ngược lại, đó là những cầu thủ có năng lực và có khả năng phát huy ở môi trường mới như tăng cường đá ở V-League, hay đủ khả năng lên tham gia đội Olympic hoặc đội tuyển thì cứ để các em phát triển một cách tự nhiên, thay cho việc phải đi đông về đủ để “cùng hội cùng thuyền”.
U19 cần nhiều thử thách khắc nghiệt hơn để trưởng thành
Đừng sợ các em hư vì những môi trường nhiều va đập mới chính là thuốc thử tốt nếu các em thực sự đã được tạo một nền tảng tốt. Đừng ngại các em tiếp xúc với những hư hỏng ở V-League, hay những cám dỗ ở đội tuyển vì có như thế các em mới mạnh mẽ và đó mới chính là lớp “anti-virus” hữu hiệu.
Giữa việc để U19 giữ nguyên thành phần thay đội U23 đá SEA Games, hoặc thay đội tuyển dự vòng loại World Cup, như cách nghĩ của lãnh đạo VFF và việc để các cầu thủ này bổ sung cho những đội trên để học hỏi kinh nghiệm và để lớn dần, theo tôi vế thứ hai vẫn hợp lý hơn.
Hy vọng những người lớn và những người có trách nhiệm với lứa cầu thủ U19 hiện nay sẽ có những quyết định sáng suốt nhất để giúp các em ra đời một cách tốt nhất, thay vì tạo những vách ngăn để các em phát triển trong môi trường được xem là “vô trùng”.