Tuổi thọ của VPF
Gần tròn 2 năm tuổi và chuẩn bị Đại hội cổ đông, VPF đã làm được những gì và đã rút ra những kinh nghiệm gì?
Để trả lời vấn đề trên, chúng ta nên bắt đầu từ nguyên nhân và mục đích ra đời của Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam VPF vào năm 2011. Thời điểm đấy BTC giải V-League do VFF điều hành vướng vào hàng loạt những bê bối, trì trệ làm ảnh hưởng đến chất lượng của bóng đá Việt Nam.
Từ cuộc “nổi loạn” tất yếu
Giọt nước tràn ly khiến các ông bầu bức xúc và giận dữ dây chuyền là sự kiện CLB Hòa Phát Hà Nội bị trọng tài “đè ngửa” trên sân Lạch Tray với chủ trương tiếp tay cứu đội chủ nhà thực hiện chiến dịch trụ hạng bằng mọi giá. Sau trận đấu đấy các ông bầu của CLB Hòa Phát Hà Nội xác định sẽ bỏ bóng đá vì không thể chấp nhận sự tùy tiện cùng những tác động ngoài chuyên môn trong đó đa phần là công tác quản lý điều hành của BTC giải cũng là một bộ phận của VFF. Dù xác định bỏ nhưng các ông bầu của Hòa Phát Hà Nội vẫn hợp tác với giải bằng việc thúc quân đá trung thực, đá hết mình cho đến kết thúc giải, rồi mới tuyên bố nghỉ chơi bóng đá với lời hẹn khi nào những nhà làm bóng đá điều hành tử tế thì họ sẽ quay lại.
Hội thảo các doanh nghiệp làm bóng đá do một tờ báo tổ chức ngay sau kết thúc giải 2011 đã thu hút rất đông giới truyền thông và tạo ra được một tín hiệu mới từ các ông bầu làm bóng đá. Tại cuộc tọa đàm này, nhiều ông bầu đòi rút lui không chơi bóng đá nữa nếu công tác tổ chức vẫn tiếp tục thiếu minh bạch và làm lợi cho một nhóm người. Điều này quá bất hợp lý so với hàng năm các ông bầu bỏ rất nhiều tiền ra cho đội bóng của mình nhưng đáp lại là sự đối xử không công bằng, làm nản lòng những người đổ tiền cho bóng đá.
VPF ra đời xuất phát từ ý tưởng của bầu Kiên tập hợp được nhiều ông bầu tâm huyết
VPF ra đời từ đó. Nó xuất phát từ ý tưởng của bầu Kiên tập hợp được nhiều ông bầu tâm huyết cùng một đề án lập công ty cổ phần tổ chức bóng đá do chính các ông bầu và VFF cùng góp vốn vào và cùng điều hành. Đề án này do bầu Kiên chắp bút và nhanh chóng được thông qua, để rồi sau đó công ty được thành lập và điều hành giải đấu với tốc độ chóng mặt qua lực đẩy của các doanh nghiệp làm bóng đá. Nó mới với ta và rất cũ so với các quốc gia. Và điều đáng chú ý là các ông bầu đã phá vỡ quy luật tồn tại rất lâu từ thời bao cấp đến giờ là những nhà tổ chức chính là những người của tổ chức trong LĐBĐ cùng cách làm cũ kỳ thời bao cấp.
Và việc tách giải đấu chuyên nghiệp ra trao cho VPF tổ chức (cùng Cúp Quốc Gia và giải Hạng nhất) bản chất của nó là sự nhượng bộ của VFF trong thế thua các ông bầu có những lúc hình thành tư tưởng “nổi loạn” như tạo ra sân chơi riêng và tự tổ chức giống Indonesia đã làm. Ngoài ra còn có một yếu tố tế nhị đó là sự quan hệ rất rộng và rất cao của các ông bầu khiến những thành viên của VFF không dám khăng khăng “giữ của” giữ giải đấu của mình.
Con tàu chệch hướng kéo giảm tuổi thọ
VPF được thành lập với tiêu chí rất sáng đó là làm mới và làm chủ sân chơi mà yếu tố minh bạch được chú trọng (theo tiêu chí ban đầu). Ngoài ra còn một mục đích mà VPF muốn thực hiện là làm ra tiền từ giải đấu này qua việc bán được những sản phẩm từ V-League, từ các CLB để lấy tiền tái đầu tư cho các đội bóng.
Nhưng hai năm qua, từ khi thành lập VPF đã hoạt động như thế nào?
2012 được xem là một mùa giải có nhiều tiến bộ đặc biệt về công tác tổ chức. Từ việc chấn chỉnh các trọng tài và cách điều hành trọng tài đến sự thu hút của một giải đấu được nâng cấp lên. Các ông bầu cũng có trách nhiệm hơn với sân chơi mà mình quản lý, cho dù không tránh những va đập về quyền lợi.
Mùa giải đầu tiên VPF quản lý, thành công nhất phải kể đến chính là những “vòng ngoài” của bầu Kiên tạo được nhằm dằn mặt những ông bầu còn quen với kiểu “vừa đá, vừa cho tiền trọng tài” và bắt tận tay những trọng tài còn “làm tiền” đội bóng. Tất nhiên cái kiểu “dằn mặt” của bầu Kiên có những lúc đi quá chức năng của ông, nhưng trong tình hình bóng đá Việt Nam còn nặng chuyện tiêu cực và nhũng nhiễu thì đấy lại là cách hạn chế hiệu quả nhất khi biết mượn tay cơ quan chức năng để kiếm bằng chứng cụ thể.
Điều đấy VFF khi quản lý giải không làm được. Đó là lý do vì sao khi bầu Kiên chỉ mặt từng ông bầu nói rằng “Tôi biết anh hay cho tiền trọng tài nên cảnh cáo. Từ nay trở đi thôi trò đấy đi vì là phạm luật và có thể bị bắt đấy!” thì ông chủ tịch VFF “xanh mặt” bởi đời ông điều hành bóng đá chưa bao giờ ông dám chỉ mặt khẳng định tội của từng người như thế.
Với các trọng tài cũng vậy, không dưới 10 trọng tài khi được gọi lên và cảnh cáo về việc nhận tiền của đội bóng thì ai cũng hốt hoảng. Lập tức đội ngũ trọng tài trật tự ngay.
Liệu VPF sẽ tồn tại được bao lâu?
Tuy nhiên sau đó khi bầu Kiên vào vòng lao lý thì VPF đánh mất bản sắc và mất luôn cả tiêu chí của mình. Bầu Thắng nhận lời “giúp” bầu Kiên chịu làm Tổng Giám đốc nhưng đến khi phải tự bơi thì lộ rõ ra ông thiếu nhiều thứ để điều hành con tàu VPF đi đúng hướng; bầu Đức sẵn sàng làm phó vì cái chung của nền bóng đá nhưng, không có bầu Kiên thì “võ” của ông Đức ở VPF cũng yếu; ông Lê Hùng Dũng là người của VFF cử tham gia VPF sau những va đập với các ông bầu gần như buông xuôi để VPF tự trôi. Thậm chí là VPF có những thời điểm và những lúc xử lý còn kém hơn cả thời VFF điều hành giải mà tệ nhất là mùa 2013.
Đến bây giờ thì ai cũng thấy VPF tồn tại lại là một gánh nặng bởi phần nền tảng bầu Kiên định ra giờ đã sai đường và chệch hướng rất nhiều. Nhiều người làm cho hết giờ, hoặc cho hết lương chứ không có chính kiến. Thậm chí là ông Chủ tịch VPF là người có quyền cao nhất lại dính vào hai đội bóng nên rất khó để ăn nói và để điều hành.
VPF chuẩn bị Đại hội Cổ đông trong năm nay nhưng chắc chắn là phần lãi cũng là vấn đề lớn và phần lớn hơn là mục đích và phương hướng hoạt động thì đang mất dần phương hướng và bản sắc.
Lại phải tính đến tuổi thọ của một công ty ra đời với mục đích tốt nhưng khó có thể chạy đường dài khi mất một thủ lĩnh và mất dần chính kiến của những người thực sự vì bóng đá Việt Nam và quyết liệt để đổi mới bóng đá Việt Nam.