Từ vụ Ronaldo: Blatter – “ngài thảm họa”
Chủ tịch Fifa đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì có những lời lẽ và hành động chế nhạo Ronaldo. Tuy nhiên đó không phải lần đầu tiên ông gây bão.
"Nô lệ" Ronaldo
Năm 2008 khi thế giới đang sôi sục với vụ chuyển nhượng của Ronaldo sang Real (nhưng bất thành), Blatter đã khiến tất cả phải bất ngờ khi tuyên bố: “Các cầu thủ bị đối xử như những nô lệ, bóng đá hiện đại đang có quá nhiều điều tương tự như vậy. Nếu một cầu thủ muốn ra đi hãy để anh ta đi. Cho dù có ở lại thì cũng hết sức miễn cưỡng và chẳng có lợi cho cả anh ta lẫn CLB. Đang tồn tại chế độ chiếm hữu trên thị trường chuyển nhượng. Để chống lại luật Bosman các CLB tìm mọi cách kéo dài hợp đồng với cầu thủ nhằm giữ chân họ. Nếu cầu thủ muốn ra đi thì chỉ còn cách là tự mua lại hợp đồng của chính mình. Đây là điều bất cập trên thị trường chuyển nhượng. Các CLB và cầu thủ cần tìm ra một tiếng nói chung để hai bên cùng có lợi.” Sau đó Blatter giải thích rằng ông không hề có ý nói “Ronaldo là nô lệ của MU”.
Phụ nữ
“Hãy để các cầu thủ nữ thi đấu với những bộ trang phục sexy hơn, giống như trong bóng chuyền vậy. Ví dụ như họ có thể mặc quần ngắn hơn”, một trong những “sáng kiến” của Blatter để thu hút sự quan tâm cho bóng đá nữ. Chủ tịch Fifa cho rằng nếu các cầu thủ nữ mặc đồ hấp dẫn hơn họ có thể kéo nhiều hơn các khán giả, đặc biệt là cánh mày râu tới sân để cổ vũ. Blatter đồng thời cũng cho rằng rất nhiều cầu thủ nữ sở hữu những đường cong đáng nể và tại sao không tận dụng “lợi thế” này.
"Các chị em nên "sexy" để kéo khán giả tới sân"
Vụ vụng trộm của Terry
Trong thời điểm nước Anh đang tranh cãi với vụ Terry “vụng trộm” Vanessa Perroncel, vợ cũ của người đồng đội Wayne Bridge và sau này trở thành một trong những vụ tai tiếng nhất trong làng túc cầu (Terry lúc đó còn bị LĐBĐ Anh FA tước băng đội trưởng), Blatter lại có một phát biểu hết sức vô duyên. Theo người đứng đầu Fifa, scandal này ở nhiều quốc gia khác (Latin) lại là chuyện… bình thường: “Vụ việc của John Terry bị coi là sự kiện đặc biệt ở các quốc gia Anglo-Saxon. Nhưng nếu ở các quốc gia Latin, mọi thứ hoàn toàn khác. Cậu ta thậm chí còn có thể được ngợi khen”.
Phân biệt chủng tộc
Trong sự nghiệp quản lý bóng đá của mình, Blatter đã có không biết bao lần vạ miệng, một trong những vụ tai tiếng nhất là khi trả lời phỏng vấn CNN ông khẳng định không hề có nạn phân biệt chủng tộc trên sân cỏ: "Hoàn toàn không có nạn phân biệt chủng tộc trên sân bóng, chỉ có cầu thủ và cầu thủ với nhau. Trên sân họ có những lời lẽ hay hành động nào đó không đúng mực với người kia nhưng mọi chuyện có thể giải quyết bằng cái bắt tay sau khi hết trận.” Vấn đề là trước và sau phát biểu này, Sepp Blatter luôn là một trong những người đi đầu trong việc phản đối nạn phân biệt chủng tộc trên sân cỏ.
Blatter nổi tiếng với nhiều "sáng kiến"
Đề xuất cải tiến luật
Chủ tịch của Fifa kể từ ngày ngồi vào chiếc ghế quyền lực đã đưa ra háng tá, có lẽ phải tới hàng trăm ý tưởng khác nhau. Tuy nhiên rất nhiều trong số này đã bị dư luận “ném đá” dữ dội vì tính khả thi, ví dụ như “phát kiến” chia trận đấu theo kiểu bóng rổ: “Tại sao chỉ có 2 hiệp trong khi có thể tách thành 4 hiệp như bóng rổ nhỉ?” Rất nhanh chóng ý kiến này bị đưa vào tủ kính. Chưa dừng lại ở đó, để khiến các trận đấu trở nên cởi mở và hấp dẫn hơn Blatter cho rằng nên nới rộng khung thành ra (cao thêm 25cm và rộng thêm 50cm), rốt cuộc chẳng ai hưởng ứng. Hay như ý tưởng sử dụng 2 trọng tài chính trong 1 trận đấu, quá rắc rối.
Áp dụng công nghệ
Hình ảnh “trước sau bất nhất” của chủ tịch Fifa thể hiện qua những tuyên bố của ông liên quan đến chuyện áp dụng công nghệ hiện đại vào trong thi đấu. Hồi tháng 12 năm 2009, ông bảo: “Xin đừng lúc nào cũng dựa vào công nghệ.” Đến tháng 7 năm 2012, ông lại nói: “Tôi rất vui vì chúng ta có thể phát triển cùng các kỹ thuật hiện đại trong bóng đá. Sắp tới đây Fifa sẽ tiến hành áp dụng công nghệ Goal-line để tránh các “bàn thắng ma”.