Từ vụ khủng bố Paris: Thể thao chung tay vì hòa bình
Trước khi bom đạn hay súng ống được sử dụng, tinh thần thể thao là thứ vũ khí mà người dân trên khắp thế giới đang dùng để chống lại IS.
Cuộc sống vấn tiếp diễn và chúng ta không thể và không được phép trốn tránh. Những hành động khủng bố của IS đều chung một mục đích là gieo rắc sự kinh hoàng. Nhưng một buổi tối đẫm máu như thế ở Paris không có nghĩa là chúng đã giành chiến thắng.
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao khi quả bom đầu tiên phát nổ trong hiệp 1, chỉ sau chưa đầy 20 phút bóng lăn, nhưng các cầu thủ Đức và Pháp vẫn tiếp tục thi đấu? Giroud rồi Gignac vẫn ăn mừng như thể chẳng có gì xảy ra.
Buổi lễ tưởng niệm bên ngoài nhà hát Bataclan - một trong 6 mục tiêu của bọn khủng bố
Trên khán đài, chỉ có tổng thống Francois Hollande là phải bỏ đi để giải quyết vấn đề quốc gia trong khi hàng vạn khán giả vẫn tiếp tục ở lại Stade de France. Có thể họ đều không biết những gì xảy ra bên ngoài sân, hoặc có thể tình yêu với bóng đá giúp họ vượt qua nỗi sợ với của bản thân.
IS rất biết cách để gây hoang mang. Chúng tấn công bảo tàng, nhà hát, quán bar, trung tâm mua sắm và sân vận động. Tất cả là để cắt đứt sợi dây nghệ thuật với những con người lãng mạng của Paris. Thông điệp là bữa tiệc đã kết thúc. Đừng có ca hát, mua sắm, giải trí hay đá bóng gì nữa.
Nhà hát Sydney của Úc...
và sân Wembley của Anh thể hiện sự ủng hộ với Pháp
Chúng muốn Pháp sẽ thay đổi như cách Mỹ thay đổi sau vụ 11/9. Đất nước trì trệ và tang thương khiến người dân mụ mị. Giám sát nhà nước được tăng cường đến mức thô bạo, tỷ lệ thuận với sự hoang tưởng.
Nhưng Pháp không phản ứng theo cách như vậy. Những ngày qua, người dân xứ lục lăng nói nhiều về hy vọng, về tinh thần tương ái, về sự hàn gắn hơn là việc sử dụng bạo lực, việc phải đáp trả như thế nào cho xứng đáng, dù điều ấy chắc chắn sẽ xảy ra.
Thể thao sẽ được tiếp tục bởi nó là nguồn cảm hứng mang con người tới gần nhau hơn, để cùng sẻ chia những nỗi buồn, những mất mát. Trước mắt trận giao hữu giữa Anh và Pháp vẫn sẽ được tiến hành vào thứ Ba tới tại London, chứ không bị hủy bỏ như tin đồn.
Mọi trận đấu đều dành ra 1 phút để tưởng niệm các nạn nhân tại Paris
Tối ngày mai, 80 nghìn CĐV sẽ sát cánh tại Wembley và gửi thông điệp tới những kẻ sát nhân của Paris: Bữa tiệc sẽ lại bắt đầu và nó không bao giờ kết thúc.
Vào lúc này, bóng đá là thứ vũ khí hoàn hảo nhất để xua tan sự u ám, để tưởng nhớ tới những người đã khuất. Một lần nữa môn thể thao Vua vượt qua được giới hạn của một sự kiện thể thao. Tại đây, kết quả, bàn thắng hay những ngôi sao… không còn quan trọng nữa.
Không chỉ tại Anh, mà trên toàn châu Âu hay thế giới, các sự kiện đều dành ít nhiều thời gian để ủng hộ nước Pháp. Những hoạt động này không chỉ là sự cảm thông với người bị nạn, mà còn là cầu nối của những tâm hồn khát khao mơ ước hòa bình trên toàn thế giới.
Pháp chắc chắn vẫn là chủ nhà vòng chung kết Euro Không chỉ vậy, các nhà chức trách còn nhanh chóng nối lại những sự kiện thể thao bị trì hoãn trên toàn nước Pháp kể từ sau vụ tấn công khủng bố hôm thứ Sáu tuần trước. Bất chấp những lo ngại từ UEFA, chủ tịch Jacques Lambert nhấn mạnh đây là bài học để họ siết chặt an toàn hơn cho giải đấu lớn nhất châu Âu diễn ra vào mùa hè năm sau. Ông nói thêm bọn IS có thể khủng bố ở bất cứ đâu trên đường phố và chẳng nơi nào là an toàn tuyệt đối ở châu Âu. |