Từ U19 đến U23 Việt Nam
Với những gì đọng lại từ bức tranh xám xịt của mùa bóng 2013, người hâm mộ tuần qua chộn rộn và háo hức hẳn lên qua những tin vui dồn dập đổ về từ Indonesia. Đấu trường U19 Đông Nam Á không lớn nhưng ở đấy lại thắp lên biết bao hy vọng cho người hâm mộ…
Song song với chuyến thi đấu của U19 Việt Nam là chuyến tập huấn của U23 Việt Nam, thế nhưng sự chờ đợi và kỳ vọng lại rất khác nhau. Không phải là hiện tượng “con yêu, con ghét” nhưng với người hâm mộ rất công tâm thì ở U19 Việt Nam đang hội tụ tất cả những nét ngây ngô của một lứa cầu thủ còn tinh khôi với 6 năm ở môi trường “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”. Nó hoàn toàn khác hẳn với lứa U23 mà HLV Hoàng Văn Phúc đang dẫn dắt đi tập huấn ở trời Âu được góp nhặt từ cái nền V-League xuống cấp và giải hạng nhất kết thúc sớm vì ít đội tham dự.
Nhìn lại quá trình của lứa “gà chọi” của bầu Đức
Đội tuyển U19 Việt Nam dự giải Đông Nam Á lần này có đến 12/20 cầu thủ của “lò” HA Gia Lai - Arsenal JMG do chính ông thầy người Pháp Guillaume theo xuyên suốt từ 2007 đến nay. Tại giải U19 Đông Nam Á đang thi đấu tại Indonesia, mỗi trận đấu, Guillaume thường đưa ra sân 8-9/11 học trò ruột của mình làm nền cho lối chơi của U19 Việt Nam.
Một ngày hè năm 2007, nhiều người đến trung tâm Hàm Rồng (Gia Lai) nơi tập trung của lứa cầu thủ đầu tiên học viện HA Gia Lai – Arsenal JMG còn bán tín bán nghi khi nhìn các cầu thủ nhí đen nhẻm chân tay loằng khoằng trong đó có nhiều em đến từ vùng sâu, vùng xa, có em là người dân tộc.
Ngay cả ông Nguyễn Văn Vinh lúc đấy cũng tham gia trong thành phần tuyển chọn cũng rất ngạc nhiên về cách chọn người của những thành viên đến từ Arsenal. Tôi còn nhớ lời tâm sự của ông Vinh khi đấy: “Tôi làm công tác huấn luyện đã lâu, được đi học nhiều và ứng dụng nhiều nhưng đến giờ lúc ngồi với các chuyên gia Arsenal xem họ tuyển cầu thủ nhí lại thấy rất ngạc nhiên về cách nhìn nhận, chọn tài năng theo công nghệ Arsenal của họ. Có những em tôi thấy năng khiếu rất tốt thì họ lại lắc đầu, còn có những bé mình thấy mảnh khảnh như suy dinh dưỡng thì lại được nhận…”. Sau này thì chính ông Vinh đã rút ra được tiêu chuẩn chọn người theo cái gọi là công nghệ của Arsenal đó là quy trình từ cao đến thấp mà các chuyên gia người Pháp chọn lần lượt là: sự thông minh, lanh lẹ trong tầm nhìn lẫn xử lý; yếu tố di truyền; năng khiếu; hình thể.
Bây giờ thì chắc chắn ông Vinh không còn ngạc nhiên về cách tuyển chọn nữa rồi bởi chính ông cũng là người thường xuyên theo dõi và có lúc cùng ăn, cùng ngủ với các em bé của Học viên HA Gia Lai – Arsenal JMG mà đa phần lứa U19 Việt Nam đang gây tiếng vang mạnh mẽ chính là lứa đầu của học viện.
Cũng cần biết là lứa cầu thủ này mới chính thức được làm quen với giày móng (giày đá bóng chuyên dùng) có 18 tháng. Trước đó, trong các buổi tập, các em chỉ đi chân trần và làm quen với quả bóng theo hình thức như chơi đùa với bóng nhiều hơn là tư duy chiến thuật.
Cái kiểu luyện “gà nòi” đấy rõ ràng rất lạ so với công thức huấn luyện năng khiếu trên sách vở mà bóng đá Việt Nam vẫn áp dụng. Tuy nhiên phải thừa nhận là dù “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” nhưng các cầu thủ nhí đấy đã không hề bị lấy đi những trang bị cơ bản trong cuộc sống đó là học văn hóa. Họ vẫn được đến trường và đều là học sinh giỏi lại còn được trau dồi đặc biệt thêm về tiếng Anh – điều rất cần thiết để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Bây giờ thì lứa cầu thủ đấy chưa tốt nghiệp ở học viện nhưng đã là những trụ cột của đội U19 Việt Nam và trở nên tâm điểm của báo chí khu vực bởi cái tên Arsenal gắn vào cùng công nghệ đào tạo của Arsenal và lối chơi cũng rất Arsenal định hình trong thành phần U19 Việt Nam. Và điều quan trọng hơn là nhìn vào đấy, ai cũng thấy được chất chuyên nghiệp trong từng cầu thủ được nuôi dưỡng và lớn dần trong một môi trường riêng của một học viện.
U19 Việt Nam đang tạo tiếng vang rõ ràng không phải là một thành phần được tập hợp như các đội tuyển mà là một "team group", một gia đình bóng đá.
Được đầu tư bài bản, U19 Việt Nam đang thi đấu rất tốt tại giải U19 Đông Nam Á
Nghĩ về một đề xuất lạ: Đưa U19 Việt Nam đi dự SEA Games
Sau thành công vang dội của lứa U19 Việt Nam, nhiều người đã đưa ra một đề xuất rất “quái” đó là nên đưa U19 Việt Nam đi SEA Games thay cho đội U23 hiện nay đang tập huấn ở Hungary.
Đấy là một đề xuất phi thực tế nhưng rất đáng để suy nghĩ về cách hình thành và thể hiện của một ê-kíp. Ở đây ai cũng thấy lứa U23 Việt Nam đang có những trở ngại lớn đó là mặt bằng và nền tảng của một đội tuyển trong lứa tuổi U23. Đơn thuần chỉ là việc góp nhặt cầu thủ từ nhiều đội qua cái nền V-League và hạng Nhất vốn không mạnh và không chất lượng. Bây giờ từ thành phần đấy, ông Hoàng Văn Phúc phải nhào nặn nên một đội tuyển đủ mạnh để đi đến chỉ tiêu vào vòng chung kết ở SEA Games.
Nỗi khổ của ông Hoàng Văn Phúc là giống như một đầu bếp “có gì xào nấy” và nó hoàn toàn khác với thầy trò HLV người Pháp Guillaume đang trình diễn trên sản phẩm của chính mình mà thầy trò ông đã gắn bó với nhau suốt thời gian dài ở Hàm Rồng trong một môi trường bóng đá lành mạnh.
Xem lứa U19 đá dù chỉ là những clip thu gọn các trận đấu nhưng ai cũng thích thú bởi thấy chất lửa và sự ngây ngô cháy hết mình trên sân bóng của các em. Nó khác hẳn với sự nghi kỵ mà nhiều người cứ thấy lứa U23 hay đội tuyển đá thiếu nhiệt là lại đặt dấu hỏi “Có gì không?”.
Niềm tin gắn vào từng thế hệ đội tuyển luôn có những tác động rất quan trọng mà cách làm của U19 hiện nay và U23 bây giờ cho thấy hai thái cực được hình thành từ hai tư tưởng làm bóng đá giữa một bên là riêng mà chung (lứa cầu thủ riêng của bầu Đức nhưng hưởng chung đang là bóng đá Việt Nam) và một bên là chung mà riêng của VFF.
Niềm tin ngay cả đối với các cầu thủ bị loại Một lần vô tình trong chuyến công tác với ông Nguyễn Văn Vinh và gặp được lãnh đạo các địa phương có cầu thủ từng tham gia học viện và bị loại vì không đáp ứng được yêu cầu trong những lần đào thải bỗng nghe lời cảm tạ thật xúc động. Vị lãnh đạo địa phương đấy đi cùng phụ huynh của một học viên đã bị loại và nói rất chân thành: “Tôi đã nghe các phụ huynh hạnh phúc và rơi nước mắt khi kể về cái tình và sự chăm lo cho cả các em không có khả năng thành cầu thủ chuyên nghiệp. Họ nói học viện đã lo cho các em đấy suốt hai năm từ khi rời học viện trở về với đời sống bình thường và gia đình cũng được đền bù những khoản tương xứng khiến họ rất cảm động và biết ơn…”. |