Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 9)
Làn gió đổi thay đang thổi qua Old Trafford. Từ mùa hè 2003 đến tháng 5/2006 là khoảng thời gian khan danh hiệu nhất của tôi tại M.U. Chúng tôi giành Cúp FA năm 2004 và Cúp Liên đoàn 2 năm sau đó, nhưng Chelsea và Arsenal mới là những đội thống trị Premier League.
Ngày 24/10/2013, tự truyện của Sir Alex Ferguson đã được chính thức phát hành, tạo nên “con sốt” với các CĐV của “Quỷ đỏ”. Trong cuốn sách mới này, cựu thuyền trưởng của MU đã tiết lộ những “thâm cung bí sử” liên quan tới rất nhiều ngôi sao hàng đầu của Quỷ đỏ từ quá khứ đến hiện tại. Trước sự chờ đợi của các CĐV MU, chúng tôi sẽ giới thiệu lược trích 1 số nội dung của tự truyện của Sir Alex Ferguson, được đăng vào các sáng thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần. |
Kỳ 9: Những niềm hối tiếc
Trước khi Cristiano Ronaldo và Wayne Rooney sát cánh với nhau trong đội hình vô địch Champions League 2008, M.U quả đã trải qua khoảng thời gian thật sự gian nan. Tôi gặp khó khăn trong bài toán nhân sự khi phải tìm sự thay thế xứng đáng cho những cầu thủ kinh nghiệm đã rời đội. Đa số những cầu thủ mà tôi mua về trong thời gian ấy đều không đáp ứng được sự mong đợi.
David Beckham đã sang Real Madrid, còn Juan Veron thì gia nhập Chelsea. Trong khung gỗ, Barthez đã được thay thế bởi Tim Howard. Kleberson, Eric Djemba-Djemba và David Bellion là 3 trong số những gương mặt mới. Lẽ ra còn phải có thêm Ronaldinho, nhưng rốt cục cậu ta lại đổi ý và không gia nhập M.U như đã hứa.
Không cách nào lẩn tránh được những thất bại của những năm tháng ấy. Chúng tôi đã phạm những sai lầm dù đã chọn một con đường dễ dàng: mua những cầu thủ mà tên tuổi đã được kiểm chứng.
Kleberson chẳng hạn. Anh ấy vô địch World Cup cùng đội tuyển Brazil và chỉ mới có 24 tuổi. Veron là một ngôi sao nổi tiếng toàn cầu. Djemba-Djemba thì luôn chơi ở trình độ cao nhất khi còn ở Pháp. Họ là những bản hợp đồng quá an toàn trên lý thuyết. Đấy là điều khiến tôi cảm thấy âu lo.
Tôi ghét những hợp đồng an toàn, những chữ ký dễ dàng. Phải chiến đấu, giành giật một ai đó thật ác liệt, tôi mới có niềm tin về giá trị của cầu thủ ấy. Tôi thích thấy CLB chủ quản cố nài nỉ anh ta ở lại. Nhưng những cái tên mà tôi nêu ở trên đều đến Old Trafford một cách quá dễ dàng.
Vị trí khiến tôi đau đầu nhất chính là thủ môn. Có cảm giác là khi ấy M.U đang ký với mọi thủ môn trên toàn nước Anh vậy. Mark Bosnich là một ví dụ tiêu biểu nhất. Khi Peter Schmeichel tuyên bố rời đội, chúng tôi vội vàng lên ngay danh sách những người có thể thay thế.
Chúng tôi gặp Bosnich vào tháng Giêng dù đã được nghe một số tin đồn không tốt về lối sinh hoạt của thủ môn này. Tôi cử người đến xem cậu ấy tập luyện. Phản hồi không tốt mấy, thế là tôi quyết định chuyển hướng sang chiêu mộ Edwin van der Sar.
Sir Alex nhớ lại giai đoạn Chelsea và Arsenal thống trị NHA
Tôi nói chuyện với người đại diện của Edwin rồi sau đó trình bày với Chủ tịch Martin Edwards. Nhưng tôi đã bị dội một gáo nước lạnh: "Không được, Alex. Tôi xin lỗi. Tôi lỡ bắt tay với Bosnich mất rồi".
Đấy là một cú sốc. Chủ tịch đã hứa ký với Mark và tôi buộc phải tôn trọng quyết định ấy. Nhưng rõ ràng đấy là một vụ làm ăn tồi bởi Bosnich thật sự là một vấn đề. Cả thể lực lẫn thái độ tập luyện của cậu ấy đều ở dưới mức chúng tôi trông đợi.
Tôi cố kích thích Mark cố gắng để nâng mình lên bằng mọi cách. Ban đầu cũng có chút tác dụng. Cậu ấy đã chơi thật hay trong trận thắng Palmeiras tại Cúp Liên lục địa và lẽ ra phải được chọn là cầu thủ hay nhất trận, thay vì Ryan Giggs.
Không lâu sau đó chúng tôi chơi trên sân Wimbledon vào tháng Hai, và Bosnich tống mọi thứ có thể vào mồm cậu ấy: sandwich, súp, sườn nướng. Cậu ấy nhìn vào thực đơn như muốn ăn lấy nó luôn vậy.
Tôi nói với Bosnich: "Vì Chúa, Mark. Hãy giảm cân đi, tại sao cậu cứ vùi đầu vào thức ăn vậy".
"Vì em đói quá, sếp ạ".
Đói, lúc nào cũng đói. Khi chúng tôi trên đường trở lại Manchester thì Mark đã kịp móc điện thoại đặt suất ăn mang đi tại một nhà hàng Trung Hoa. "Này, cậu không có điểm dừng à?", tôi hỏi. "Hãy nghĩ lại xem cậu đang làm gì với cân nặng và sự nghiệp của mình kia".
Nhưng không ăn thua.
Lấp đầy khoảng trống mà Peter Schmeichel để lại là một chuyện không đơn giản chút nào. Chúng tôi đã tạm biệt thủ môn hay nhất thế giới vào lúc ấy.
Lẽ ra M.U phải thay Schmeichel bởi Van der Sar ngay. Người đại diện của cậu ấy đã cảnh báo tôi phải thương lượng thật nhanh vì lúc ấy Juventus cũng đang rất muốn có Van der Sar. Nhưng tôi đã lỡ chuyến tàu ấy. Tôi buộc phải gọi lại cho người đại diện ấy để xin lỗi vì đội nhà đã mua một người khác.
Lẽ ra lúc ấy tôi phải nài nỉ Martin Edwards mua luôn Van der Sar, dư ra một thủ môn cũng được. Lẽ ra tôi cũng phải lường trước được những vấn đề có thể phát sinh với Bosnich. Nếu thế thì CLB đâu có phải mua thêm Massimo Taibi hay Fabien Barthez, một thủ môn giỏi nhưng lại có những vấn đề cá nhân tại Pháp.
Sau này tôi càng tiếc hơn khi phát hiện ra Van der Sar giỏi thật, giỏi hơn mức mà tôi tưởng tượng. Gần như không có độ chênh về trình độ giữa Van der Sar và Schmeichel.
Schmeichel luôn có những pha cứu thua thần kỳ khiến bạn phải bật khỏi chỗ ngồi và tự hỏi: "Lạy Chúa, sao anh ta có thể làm vậy?". Trong khi đó Van der Sar lại mang đến sự yên tâm nhờ vào sự điềm tĩnh. Ngoài ra anh ta còn xử lý bóng tốt và có khả năng tổ chức hàng thủ. Van der Sar là một kiểu khác so với Schmeichel, nhưng vẫn là một thủ môn vô giá.
Không thể bỏ qua Peter Shilton và Gianluigi Buffon, nhưng với tôi, Schmeichel và Van der Sar là 2 thủ môn hay nhất thế giới trong 2 thập niên 1990 và 2000.
* Sir Alex tiếp tục phân tích về những sai lầm chuyển nhượng của MU. Mời các bạn đón đọc Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 10) vào 10h sáng thứ Bảy 16/11.