Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 8)
Dành nhiều “giấy mực” cho câu chuyện về David Beckham, Sir Alex đã có nhiều tâm tư về những câu chuyện xoay quanh tiền vệ điển trai này.
Ngày 24/10/2013, tự truyện của Sir Alex Ferguson đã được chính thức phát hành, tạo nên “con sốt” với các CĐV của “Quỷ đỏ”. Trong cuốn sách mới này, cựu thuyền trưởng của MU đã tiết lộ những “thâm cung bí sử” liên quan tới rất nhiều ngôi sao hàng đầu của Quỷ đỏ từ quá khứ đến hiện tại. Trước sự chờ đợi của các CĐV MU, chúng tôi sẽ giới thiệu lược trích 1 số nội dung của tự truyện của Sir Alex Ferguson, được đăng vào các sáng thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần. |
Kỳ 8: Lựa chọn của Becks
David có đủ mọi điều kiện để trở thành một cầu thủ xuất chúng trong thế hệ của mình. Cậu ấy có xuất phát điểm tốt, có tố chất đặc biệt, lại đang tập luyện và thi đấu ở một CLB hàng đầu. David luôn đảm bảo cho tôi từ 12-15 bàn/mùa. Nhưng tất cả những thứ ấy dần trở nên ít ý nghĩa với cậu ấy và thế là David đánh mất cơ hội để trở thành một cầu thủ huyền thoại. Tôi có thể đặt cược với bất kỳ ai là sau cuộc thay đổi ấy, David không bao giờ là chính mình nữa.
Quá trình thay đổi ấy diễn ra khi David 22 hay 23 tuổi gì đấy. Cậu ấy bắt đầu ra những quyết định làm ảnh hưởng đến sự nghiệp cầu thủ của mình. Xin làm rõ một lần nữa nhé, giữa tôi và David không có hận thù, hằn học, chỉ là sự thất vọng mà thôi. Vâng, thất vọng. Tôi đã phải nhìn cậu ấy mà thở dài: "Hãy nhìn xem cậu đang làm gì với sự nghiệp của mình kìa, con trai?".
Khi David gia nhập đội trẻ của United, cậu ấy hãy còn gầy gò, nhỏ bé, nhưng ánh mắt thì sáng như sao và mê bóng đá như điên. Khi lên 16 tuổi, David nhất quyết không chịu rời phòng tập thể lực, cậu ta cần cù đến mức không thể tin được. Ngày ấy David yêu bóng đá vô cùng bởi cậu ấy đang sống trong giấc mơ của thời thơ ấu, được thi đấu trước sự chứng kiến của hàng vạn khán giả, được điều khiển quả bóng theo ý muốn của mình. Rồi đùng một cái David thay đổi để theo đuổi một sự nghiệp khác, một phong cách sống khác, một cương vị khác.
Nếu tôi gọi sự thay đổi ấy là sai lầm thì rõ ràng không phải. David đã kiếm được nhiều tiền và trở thành một biểu tượng. Người ta chạy theo sự thay đổi phong cách của cậu ấy. David tạo cảm hứng. Nhưng tôi là một người đàn ông của bóng đá và tôi không nghĩ bạn có thể từ bỏ bóng đá, dù là cho bất kỳ thứ gì trên đời. Bạn có thể nuôi dưỡng sở thích của mình. Tôi nuôi mấy con ngựa, Michael Owen cũng có, Scholes cũng vậy. Một hay 2 cầu thủ khác trong đội thì mê vẽ. Tôi có một bức tranh rất dễ thương trong văn phòng do Kieran Richardson sáng tác. Nhưng bạn đâu thể vì những thú vui ấy mà bỏ niềm đam mê của đời mình.
Sir Alex tiếc nuối với Beckham
Một năm trước khi rời khỏi chúng tôi, David cùng tuyển Anh dự World Cup 2002 tại Nhật Bản và Hàn Quốc, chỉ vài tuần sau khi bình phục chấn thương xương bàn chân trong một trận Champions League hồi đầu năm. Đấy quả là một bi kịch.
Vết chấn thương mà tôi đang nói đến cũng chính là chấn thương mà Wayne Rooney gặp phải sau đó 4 năm. Nhưng có một sự khác biệt lớn trong tiến trình hồi phục. David là người có nền tảng thể lực tốt trong khi Wayne mới là người cần phải tập luyện nhiều theo giáo án để lấy lại phong độ. Vì thế tôi mới đoán chắc là David sẽ kịp bình phục và sẵn sàng cho World Cup 2002. Không những tin như thế, tôi còn tuyên bố trên báo chí.
Khi Anh đến với giải đấu ấy, David không ổn, không ổn chút nào. Tình huống tiêu biểu nhất cho sự bất ổn này là khi David chủ động né một tình huống xoạc bóng dẫn đến pha gỡ hòa của đội tuyển Brazil trận tứ kết ở Shizuoka (Nhật Bản). Tôi thật sự ngạc nhiên về việc David đã bình phục chậm đến như vậy. Cũng vết chấn thương như nhau, David mà tôi vẫn biết luôn cần ít thời gian để trở lại hơn người khác. Vậy mà lần này cậu ta lại như thế. Mọi người quay ra chỉ trích tôi, cáo buộc tôi phá đội tuyển Anh vì tôi là người Scotland. Vớ vẩn thật. Nếu Scotland đá với Anh ngay lúc này, tôi vẫn mong Anh đá hay như thường. Tôi có biết bao nhiêu tuyển thủ trong đội hình, mỗi lần tạm biệt họ về với đội tuyển quốc gia, tôi đều mong tất cả tỏa sáng.
Khi bạn có một cầu thủ với tầm vóc như Beckham trong đội hình (sau đó là Rooney), lực lượng y tế của đội tuyển lúc nào cũng muốn nhảy vào can thiệp. Các bác sĩ của tuyển Anh cứ muốn đến sân tập của chúng tôi, đôi khiến khiến tôi phát cáu vì tôi xem đấy như là một sự sỉ nhục. Gì chứ? Chỉ vì gốc gác Scotland mà tôi không đáng tin ư? Nhưng trở lại với World Cup 2002, khi David đến tập trung cùng đội tuyển Anh thì ai cũng nghĩ là cậu ấy sẽ ổn. Chạy bấm giờ, kiểm tra thể lực, bao giờ David cũng bỏ xa các đồng đội một đoạn. Làm gì có chuyện một vết chấn thương cỏn con như vậy có thể gây khó khăn cho cậu ấy cơ chứ. Nhưng thời điểm ấy David thật sự đã thay đổi. Việc hồi phục diễn ra không đúng như dự kiến vì cậu ấy không còn coi bóng đá là số 1 nữa.
Thật quá đáng tiếc. Lẽ ra Beckham vẫn đang chơi bóng tại United khi tôi đã nghỉ hưu kìa, lẽ cậu ấy phải là một huyền thoại bất tử của Old Trafford kìa. Thứ duy nhất khiến Beckham trở thành huyền thoại tại L.A Galaxy là giá trị biểu tượng, chứ không phải là lý do bóng đá. Tôi cứ tự hỏi: liệu có giây phút nào trong đời mình, David buộc phải thừa nhận là mình đã phạm sai lầm hay không?!.
* Sir Alex đã mắc những sai lầm nào trong chuyển nhượng?. Mời các bạn đón đọc Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 9) vào 7h sáng thứ Năm 14/11.