Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 5)
Tháng 9-2002, những mũi dao bắt đầu chĩa vào tôi. Khi mọi việc không như ý, những lời công kích xuất hiện là một việc rất tự nhiên. Hơn nữa, mối quan hệ giữa tôi và báo giới chưa bao giờ tốt, tôi không thể chờ đợi sự bảo vệ của họ vào những thời điểm như thế.
Ngày 24/10/2013, tự truyện của Sir Alex Ferguson đã được chính thức phát hành, tạo nên “con sốt” với các CĐV của “Quỷ đỏ”. Trong cuốn sách mới này, cựu thuyền trưởng của MU đã tiết lộ những “thâm cung bí sử” liên quan tới rất nhiều ngôi sao hàng đầu của Quỷ đỏ từ quá khứ đến hiện tại. Trước sự chờ đợi của các CĐV MU, chúng tôi sẽ giới thiệu lược trích 1 số nội dung của tự truyện của Sir Alex Ferguson, được đăng vào các sáng thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần. |
Kỳ 5: Trước những mũi dao
Tôi luôn giữ khoảng cách nhất định với các nhà báo, không giao thiệp xã hội, không kể chuyện đời tư, duy nhất một ngoại lệ: Bob Cass của tờ Mail on Sunday. Vì thế báo giới không thấy lý do gì để yêu mến hay ủng hộ tôi vào những thời điểm khó khăn. Một số HLV khác rất giỏi trong việc kết thân với nhà báo. Điều này có thể giúp họ kéo dài thêm thời gian tại vị, nhưng không thể mãi mãi. Kết quả vẫn là yếu tố quyết định tuổi thọ của một nhà cầm quân.
Áp lực truyền thông luôn có xu hướng lặp lại. Cứ mỗi lần đội bóng sa sút là tôi đều thấy hàng tít: "Ông hết thời rồi, Fergie. Nghỉ hưu đi thôi". Bạn có thể cười vào những luận điểm như vậy, chứ dứt khoát đừng bị ảnh hưởng, đừng hoảng loạn. Sự kích động có thể trở thành một con quái vật. Tôi cũng đâu có thiếu những bài viết tán dương, ca ngợi. Họ phải khen chứ bởi United đã đạt được biết bao thành tựu đáng ghi nhận. Nhưng nếu người ta từng gọi bạn là thiên tài thì bạn cũng phải chấp nhận vào một ngày nào đó, cũng những người ấy gọi bạn là gã ngốc.
Matt Busby vẫn hay bảo: "Lúc thua trận thì đọc báo làm gì? Tôi chả bao giờ đọc". Thời kỳ của Busby thì báo chí chưa tràn lan như bây giờ, nhưng ông vẫn luôn cưỡi trên những ngọn sóng của những lời khen lẫn những lời buộc tội.
Chúng tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch, cho dù đang thành công hay khủng hoảng: tập luyện phải nghiêm túc, dứt khoát không được phép chểnh mảng hay lơ là. Đấy là cách duy nhất để giữ lại những chuẩn mực của đội bóng. Một cầu thủ dù tài năng đến mấy cũng sẽ có những ngày thi đấu tồi tệ. Eric Cantona đẳng cấp dường ấy thỉnh thoảng vẩn có những lúc hoài nghi chính mình. Lúc ấy, chính văn hóa tích cực trên sân tập sẽ buộc chặt cầu thủ với đội bóng, từng bước đưa anh ta trở lại trạng thái thăng bằng.
Đương đầu với thử thách
Trong suốt sự nghiệp cầm quân của tôi, có duy nhất một cầu thủ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những sai lầm của chính mình: David Beckham. Anh ta vừa chơi trận tệ hại nhất trong đời đấy, nhưng đố ai làm cho anh ta thừa nhận là mình đá dở. David sẽ phản đối, sẽ bảo là bạn nhận định sai rồi. Anh ta có khả năng tự bảo vệ thật phi thường. Liệu điều này có phải từ những người xung quanh David mà ra hay không, tôi không biết. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy anh ta thừa nhận mình vừa chơi một trận đấu tồi, chưa bao giờ David thừa nhận sai lầm của mình.
Bạn buộc phải ngưỡng mộ điều ấy. Trong một chừng mực, đấy thật sự là một ưu điểm. Bất chấp những sai lầm (trong mắt tôi, chứ không phải trong mắt anh ấy), David vẫn muốn nhận bóng với sự tự tin không bao giờ thay đổi.
Chúng tôi chạm đáy vào tháng 11 với trận derby cuối cùng trên sân Maine Road: City thắng 3-1, nơi Gary Neville phạm một sai lầm tệ hại, để cho Shaun Goater cướp bóng và ghi bàn thứ 2. Sau trận đấu ấy chính tôi cũng phải hoài nghi thái độ và tinh thần của các cầu thủ. Phòng thay đồ luôn là một nơi tồi tệ sau mỗi trận derby thất bại.
Trước trận đấu, ông bạn cũ Keith Pinner, một fan cứng của City, đã gọi cho tôi:
"Này ông bạn già, trận chót tại Maine Road rồi, hết trận làm vài ly nhỉ".
"Ừ, cũng được, nếu bọn tôi thắng", tôi đáp đùa.
Nhưng rồi chúng tôi thua. Khi tôi bước lên xe bus thì chuông điện thoại reo. Pinner ở đầu dây bên kia:
"Ờ kìa, đâu rồi bạn già. Không đến à?"
"Biến. Đừng để tôi nhìn mặt ông nữa"
"Chà, cay cú à?" Pinner cười nhạo.
Kết thúc mùa bóng ấy, Gary Neville đã đúc kết: "Đấy quả là một bước ngoặt của cả mùa bóng. Sau trận derby ấy các CĐV hoàn toàn có thể quay lưng lại với chúng ta".
Dưới những áp lực ngày càng tăng, tôi quyết định thay đổi lối chơi của đội bóng. Chúng tôi chuyền bóng lên trên nhiều hơn, nhanh hơn thay vì cứ cố giữ bóng trong chân. Với Roy Keane, việc giữ bóng chưa bao giờ là một vấn đề. Ngay từ khi Roy vừa đến đội, tôi đã quảng cáo với mọi người: "Gã này không bao giờ làm mất bóng".
Cầm bóng là một tôn giáo ở United, nhưng giữ bóng mà không thể xuyên thủng hàng thủ đối phương thì có khác gì câu giờ. Chúng tôi đang gặp vấn đề ở tính đột biến, ở khả năng tạo ra cơ hội.
Với một tiền đạo như Ruud van Nistelrooy ở tuyến đầu, chúng tôi cần phải nhanh chóng cung cấp cho anh ta những cơ hội. Những đường chuyền sớm, từ 2 cánh hoặc chuyền vào khe giữa những hậu vệ. Đấy là thời khắc của những đổi thay.
* "Vụ án chiếc giày bay" đã trở nên quá nổi tiếng với HLV Alex Feguson. Mời các bạn đón đọc Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 6) vào 7h sáng thứ Năm 7/11.