Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 24)
Trước hết, bạn phải nói cho cầu thủ nghe sự thật. Đừng lảng tránh dù cho việc nói ra có khó khăn đến đâu. "Xin lỗi cậu, nhưng Man United không thể chấp nhận để tụt hậu so với những đối thủ khác. Cậu rớt phong độ và cậu buộc phải ngoài ngoài thôi".
Ngày 24/10/2013, tự truyện của Sir Alex Ferguson đã được chính thức phát hành, tạo nên “con sốt” với các CĐV của “Quỷ đỏ”. Trong cuốn sách mới này, cựu thuyền trưởng của MU đã tiết lộ những “thâm cung bí sử” liên quan tới rất nhiều ngôi sao hàng đầu của Quỷ đỏ từ quá khứ đến hiện tại. Trước sự chờ đợi của các CĐV MU, chúng tôi sẽ giới thiệu lược trích 1 số nội dung của tự truyện của Sir Alex Ferguson, được đăng vào các sáng thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần. |
Kỳ 24: Những đòn tâm lý
Đá dở thì tất nhiên phải chê, nhưng có nhiều cách để chê. "Cậu đá như rác rưởi" vậy là cách nói dễ nhất. Tôi luôn chọn cách khác: "Cậu đá dở tệ, so với đẳng cấp trước đây của cậu". hoặc "Lẽ ra cậu có thể chơi hay hơn thế rất nhiều".
Một trong những yếu tố trọng tâm của mối quan hệ HLV - cầu thủ là bạn phải luôn làm cho họ có ý thức, phải chịu trách nhiệm trước mỗi trận đấu dở, mỗi màn trình diễn tồi tệ.
Chung quy lại thì tất cả cùng đang ở trong một ngành công nghiệp luôn xem kết quả làm trọng. Trách nhiệm của tôi là luôn phải duy trì văn hóa chiến thắng cho Man United, mà muốn làm điều đó thì việc phải xung đột với những cầu thủ, việc phải nói cho họ biết là họ dở chỗ nào là điều phải làm.
Tôi luôn nói với mọi người là United chỉ thật sự tăng tốc vào giai đoạn 2. Đấy là một đòn tâm lý hữu hiệu. Nếu giai đoạn 1 bạn không thi đấu tốt, đấy là một lời bào chữa tuyệt vời. Còn nếu giai đoạn 1 đã tốt rồi thì các đối thủ sẽ tự hỏi United sẽ khủng khiếp thế nào vào cuối mùa. Những lời nói đó cũng kích thích các cầu thủ, họ thật sự tin là đội nhà sẽ không thể cản nổi trong giai đoạn lượt về.
Nhìn đồng hồ cũng là một đòn tâm lý lợi hại khác. Các cầu thủ hiểu rõ tôi nhìn đồng hồ không phải để xem giờ, đấy chỉ là cách tôi thu hút sự chú ý của HLV và cầu thủ của đối thủ. Khi nhìn vào đồng hồ, tay gõ tanh tách, đội đang dẫn trước sẽ thấy thời gian sao mà dài lê thê, đội đang bị M.U dẫn thì cảm thấy hết giờ đến nơi, có vẻ như không gỡ được rồi.
Đàng nào thì M.U cũng có lợi. Mọi người biết quá rõ M.U luôn có xu hướng ghi bàn trong những phút cuối. Thời kỳ đầu thì đúng là chúng tôi có dồn quân lên thật, nhưng sau đó, hình ảnh xem đồng hồ của tôi cũng góp phần không nhỏ.
Khi cảm giác về thời gian ám ảnh, bạn sẽ không có được sự tập trung tốt nhất cho trận đấu. Mà trong một trận căng thẳng, đôi khi chỉ một chi tiết nhỏ cũng sẽ quyết định toàn cục trận đấu. Đấy là lý do tôi lúc nào cũng... coi đồng hồ.
Với những cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ trẻ, một HLV đừng bao giờ quên lợi thế lớn nhất của mình: quyết định đội hình ra sân. Bất kỳ cầu thủ nào cũng muốn được thi đấu, khi giam họ lên ghế dự bị là bạn đang tra tấn họ.
Sẵn sàng gây áp lực lên tất cả
Thời còn ở St Mirren, tôi nói với Frank McGarvey: "Cậu sẽ không bao giờ được trở lại đội hình chính nữa". Anh ta tin là tôi nói thật. Suốt 3 tuần liền Frank đến năn nỉ để tôi cho thêm cơ hội. Với những trường hợp như thế, bạn sẽ có một người chơi vượt ngưỡng khi được trao cơ hội.
Mọi người luôn bàn luận sôi nổi về những đòn tâm lý mà tôi sử dụng. Cứ mỗi lần tôi nói gì đó trong cuộc họp báo, các phóng viên đều phân tích theo đủ mọi khía cạnh xem tôi muốn truyền đi thông điệp gì. Nhưng 98% số trường hợp tôi chả cả có thông điệp nào cả. Nhưng áp lực tâm lý có giá trị riêng của nó, nó luôn tồn tại.
Một người phụ nữ gặp tôi ở trường đua Haydock hồi 2010 và hỏi: "Tôi thấy ông trên truyền hình lúc nào cũng khó đăm đăm, tại sao ở đây ông cười nói vui vẻ thế?".
Tôi đã nói với bà ấy: "Bà muốn thấy tôi đùa giỡn khi đang làm việc ư? Công việc của tôi đòi hỏi sự tập trung. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ hướng về trận đấu và những gì tốt nhất cho nó. Tôi không được phép mắc lỗi, tôi không có sổ ghi chép, tôi không dựa vào băng ghi hình, tôi phải tuyệt đối chính xác. Đây là một công việc nghiêm túc và tôi không được phép phạm sai lầm".
Kỳ thực, tôi đã phạm rất nhiều sai lầm. Trong trận bán kết Champions League với Dortmund, tôi tin là Peter Schmeichel đã phạm sai lầm dẫn đến bàn thua. Nhưng khi ấy tôi không mang kính vào trận đấu. Peter đã đến phân trần với tôi rằng trong tình huống ấy, bóng đã chạm chân một hậu vệ và đổi hướng.
"Đổi hướng cái mông tôi đây này," tôi hét lên. "Chả có đổi cái quái gì cả".
Sau đó tôi xem lại pha quay chậm, rõ ràng bóng đã đổi hướng, đổi hướng đột ngột và không cho thủ môn bất kỳ một cơ hội nào. Từ đó về sau bao giờ tôi cũng đeo kính khi bước vào trận đấu. Tôi không cho phép mình đưa ra thêm một nhận xét bậy bạ nào nữa không để cho mình phải xấu hổ trước cầu thủ thêm một lần nào.
Phải luôn cố đúng đắn trong những nhận định, nếu cầu thủ không còn tin vào kiến thức của bạn, họ cũng chả còn tin bạn nữa. Và để những nhận định của mình luôn đúng, cách tốt nhất là phải biết đối phó với những nhận định... sai.
Giống như có một lần, vị trợ lý vào nói nhỏ với tôi là đối phương tung ra thành phần với 6 vị trí khác với đội hình dự đoán của tôi. Thế là tôi giả vờ nổi giận đùng đùng lên: "Đấy, các cậu thấy chưa, họ tin là chỉ cần đội hình dự bị cũng dư sức hạ chúng ta".
* Kể chuyện về M.U, Sir Alex không thể không nhắc đến Rooney, ngôi sao ông đã mang về từ Everton. Mời các bạn đón đọc Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 25- kỳ cuối) vào lúc 7h sáng thứ Bảy (21/12).