Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 23)
Ở vị trí tiền đạo, Paul là người có thể đảm bảo ghi 15 bàn/mùa. Khi phát triển khả năng ở vị trí tiền vệ trung tâm, cậu ấy làm kinh ngạc tất cả ở khả năng tổ chức của mình.
Ngày 24/10/2013, tự truyện của Sir Alex Ferguson đã được chính thức phát hành, tạo nên “con sốt” với các CĐV của “Quỷ đỏ”. Trong cuốn sách mới này, cựu thuyền trưởng của MU đã tiết lộ những “thâm cung bí sử” liên quan tới rất nhiều ngôi sao hàng đầu của Quỷ đỏ từ quá khứ đến hiện tại. Trước sự chờ đợi của các CĐV MU, chúng tôi sẽ giới thiệu lược trích 1 số nội dung của tự truyện của Sir Alex Ferguson, được đăng vào các sáng thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần. |
Kỳ 23: Paul Scholes, thiên tài đặc biệt
Tôi thích dõi theo việc những đội bóng khác tìm cách cô lập Paul với trận đấu. Cậu ấy sẽ đắt những kẻ theo kèm mình đến những vị trí không ngờ tới rồi bất ngờ thoát ra với một đường chuyền một chạm, hoặc một pha trả bóng về. Có khi người theo kèm Paul vô thức đuổi theo một hồi và phát hiện mình đang ở tận vòng cấm địa của đội nhà. Paul luôn biết cách khiến cho những kẻ theo kèm mình khốn khổ.
Paul đã trải qua nhiều phen thất vọng với những chấn thương dài hạn. Nhưng cứ mỗi lần trở lại là Paul lại lợi hại hơn. Cứ như khoảng thời gian ngồi ngoài đã giúp cho cậu ấy tăng thêm sức mạnh vậy.
Khi Paul tiến gần đến tuổi băm, tôi đã cho cậu ấy dự bị nhiều hơn để dùng căp tiền vệ trung tâm mới của mình là Darren Fletcher và Michael Carrick. Có lúc tôi bỏ quên luôn Paul trên ghế dự bị, dù thể hiện trên sân tập của cậu ấy có tốt bao nhiêu. Có mới nới cũ chăng? Có thể, và đó thật sự là một sai lầm. Tôi cứ ngỡ Paul là người trong nhà, tôi luôn có thể dùng đến cậu ấy khi cần. Suy nghĩ ấy đã khiến Paul và chính United chịu thiệt thòi.
Trận chung kết Champions League 2009 với Barcelona tại Rome, tôi đã tung Paul vào sân trong hiệp 2. Khi ấy Anderson chỉ tung ra nổi 3 đường chuyền trong hiệp 1, còn Scholes thì có 25 đường chuyền chỉ trong 20 phút cuối.
Đôi khi bạn tự phụ mình đã biết mọi thứ trong bóng đá, kỳ thực bạn chả biết gì cả. Giam một người trên ghế dự bị rồi chỉ dùng khi cần đến là một suy nghĩ hết sức sai lầm, bạn quên mất là cầu thủ ấy giỏi đến như thế nào.
Khi buộc phải lựa chọn đội hình mạnh nhất mà mình từng huấn luyện, Scholes là một cái tên mà không bao giờ tôi bỏ được. Đấy là tiền vệ tốt nhất của nước Anh kể từ sau Bobby Charlton.
Scholes có khả năng sút xa, chuyền dài, cầm nhịp siêu hạng và cả tinh thần chiến đấu luôn cao ngất
Khi tôi vừa đặt chân đến Anh, Paul Gascoigne là hay nhất, một người có thể lấp đầy những chiếc ghế trên khán đài. Nhưng trong những năm cuối, Paul đã vượt qua trình của Gascoigne vì 2 lý do: sự ổn định dài hơi và khả năng tiến bộ sau đi đã qua ngưỡng 30.
Paul có khả năng chuyền dài chính xác đến khủng khiếp. Cậu ấy đang đứng ở phần sân nhà, nhưng thấy rõ vị trí của bạn ở tận cuối sân bên kia và phóng ra một đường chuyền chính xác đến từng phân.
Những cú sút xa của Paul cũng khủng khiếp và khiến mọi thủ môn phải vất vả. Một lần Peter Schmeichel rượt Paul chạy vòng vòng vì Paul cứ sút tung lưới anh ấy hoài. Nếu không làm cầu thủ mà chuyển sang lĩnh vực bắn tỉa, hẳn Paul phải là một tay thiện xạ.
Trải dài khoảng thời gian từ khi tôi còn là cầu thủ, tôi cũng chưa bao giờ thấy ai có khả năng thiên bẩm như Paul và Eric Cantona: họ có thể đoán biết những chuyện xảy ra sau lưng. Bạn không thể chơi xấu với những người có thứ giác quan kỳ lạ này.
o0o
Ryan Giggs là người ồn ào nhất trong nhóm thời gian đầu của sự nghiệp. Trong số 6 người, Ryan là người duy nhất xứng đáng với danh xưng thần đồng. Tung cậu ấy vào sân ở tuổi 16 khiến United phải đương đầu với một vấn đề không mong đợi: hiện tượng Ryan Giggs.
Một tay đại diện người Italia gọi điện cho tôi và hỏi: "Các con trai ông đang làm gì ấy nhỉ?". Tôi đáp: "Mark đang đi học, Jason làm truyền hình, còn Darren thì đang tập sự ở ngay tại United này". Anh ta nói: "Thế à? Vậy bán Giggs cho tôi, tôi cam đoan tất cả con trai ông đều sẽ giàu có". Tất nhiên là tôi đã từ chối.
Vừa xuất hiện, Giggs lập tức được so sánh với George Best. Ai cũng muốn đến gần, phỏng vấn hoặc đơn giản là chạm vào chàng trai này. Nhưng Giggs thông minh, "Muốn gì thì hỏi HLV ấy" là câu trả lời quen thuộc.
Một ngày nọ Bryan Robson đến gặp Giggs và giới thiệu cho cậu ấy người đại diện Harry Swales. Trước đó Bryan cũng đã nói qua với tôi trước, sự nghiệp của anh ấy đã đến hồi kết và anh ấy tin Harry sẽ là người đại diện tuyệt vời cho Giggs. Mà Harry tốt thật. Ông ta là một đại diện sành sỏi, từng đính hôn ở tuổi... 81 với một người phụ nữ Thụy Sĩ, gặp lần đầu ở ga tàu điện ngầm khi cô ấy bị lạc đường. Harry đã chăm sóc cho sự nghiệp của Giggs rất tuyệt vời.
Sở dĩ sự nghiệp của Giggs dài hơi đến như thế là nhờ vào yoga. Hơn 2 thập kỷ tập luyện tại M.U, Giggs luôn tin tưởng vào liệu pháp này, như một tôn giáo.
Bước vào tuổi băm, Giggs vẫn có thể đá 35 trận/mùa là chuyện bình thường. Cậu ấy luôn biết chăm sóc cho bản thân mình rất tốt. Chúng tôi cũng giúp cậu ấy thích nghi với tuổi tác khi bố trí Giggs đá vào trung tâm nhiều hơn thay vì ở cánh và cố vượt qua các hậu vệ như thời còn trẻ.
Mùa thu 2010, Giggs bị Jonathan Spector của West Ham cản ngã trong vòng cấm địa, tôi đã tự đặt ra câu hỏi cho mình: Giggs đã mang về bao nhiêu quả phạt đền ấy nhỉ? Câu trả lời: chỉ 5. Bởi vì Giggs luôn đứng trên đôi chân mình.
Anh ấy chao đảo nhưng luôn tìm cách để không ngã xuống. Tôi cứ hỏi: "Sao va chạm mạnh vậy trong vòng cấm mà lại không ngã?", cậu ấy nhìn tôi như quái vật: "Vì em không ngã chứ sao sếp".
* Sir Alex được xem là một bậc thầy của trò chơi “tâm lý chiến”. Hãy xem ông đã sử dụng những đòn tâm lý như thế nào ở M.U? Mời các bạn đón đọc Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 24) vào lúc 7h sáng thứ Năm (19/12).