Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 22)
Cứ mỗi cầu thủ trong thế hệ tự đào tạo tuyệt vời ấy rời đội, tôi đều quay lại đếm xem mình còn bao nhiêu người? Cuối cùng thì còn 2 người đã trụ cho đến khoảng thời gian cuối cùng của tôi tại CLB: Paul Scholes và Ryan Giggs. Gary Neville suýt nữa cũng đã cùng tôi trọn vẹn một sự nghiệp.
Ngày 24/10/2013, tự truyện của Sir Alex Ferguson đã được chính thức phát hành, tạo nên “con sốt” với các CĐV của “Quỷ đỏ”. Trong cuốn sách mới này, cựu thuyền trưởng của MU đã tiết lộ những “thâm cung bí sử” liên quan tới rất nhiều ngôi sao hàng đầu của Quỷ đỏ từ quá khứ đến hiện tại. Trước sự chờ đợi của các CĐV MU, chúng tôi sẽ giới thiệu lược trích 1 số nội dung của tự truyện của Sir Alex Ferguson, được đăng vào các sáng thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần. |
Kỳ 22: Thế hệ 1992
Bây giờ, tôi vẫn mường tượng ra cảnh 6 cầu thủ bọn họ quấn quít và cùng nhau lớn lên như thế nào. Paul Scholes cứ thích đá quả bóng vào lưng của Nicky Butt và thường xuyên hơn là đầu của Gary. Cậu ấy là một con quỷ nghịch ngợm trong chuyện ấy. 6 người bọn họ ngỡ như không bao giờ tách rời.
Họ là những cầu thủ tuyệt vời và những con người tuyệt vời: những người mà không bao giờ bạn muốn đánh mất trong đời. Họ hiểu rõ CLB và tôn chỉ của nó.
Họ sẽ diễu hành cùng bạn, làm mọi thứ để bảo vệ phẩm giá của đội bóng. Mọi cha mẹ trên đời đều phải đón nhận cái ngày đứa con 21 tuổi của mình dọn ra khỏi căn hộ, thông báo có bạn gái, hoặc đi sang một thành phố khác để tìm việc làm. Họ rời bỏ bạn.
Bóng đá cũng thế. Nhưng tôi cảm thấy cực kỳ gắn bó với những chàng trai của "thế hệ 1992" này. Tôi nhìn thấy tất cả lớn lên từ khi ai nấy mới có 13 tuổi. Với tôi, họ như một gia đình vậy. Vì thế khi xảy ra chuyện, tôi luôn có xu hướng khắt khe với họ hơn là những cầu thủ khác.
Nicky Butt luôn gợi nhớ cho tôi đến nhân vật hoạt hình vui nhộn Mad. Cậu ấy cũng cảm như một con sư tử, có khả năng đương đầu với mọi thử thách. Cũng như Phil Neville, Nicky buộc phải nghĩ đến chuyện phải rời đội để được thi đấu nhiều hơn.
Họ yêu Manchester, nhưng họ yêu bóng đá hơn. Một lần nữa, tôi phải để cho Nicky ra đi với giá rất rẻ, chỉ 2 triệu bảng Anh. Nhưng cầu thủ này không nợ của chúng tôi một xu nào cả. Chúng tôi mang họ lên từ tuyến trẻ, không tốn chi phí gì.
Con số bán Nicky chỉ là để đảm bảo anh ấy ra đi với con số hợp lý nhất, một nguyên tắc thuần túy làm ăn. Sau khi đã giải nghệ, cả Nicky và Phil đều nói về Man.United như một mái ấm thật sự.
Sau lưng tôi, hẳn họ cảm thấy hết sức khó chịu vì sự nghiêm khắc của tôi. "Sao lại là tôi?", có thể họ sẽ nghĩ thế. "Sao không xạc gã kia hay ai đó đi chứ?"
Đầu tiên tôi tỏ ra rất khó khăn với Giggsy, tội nghiệp. Khi còn trẻ cậu ấy không bao giờ đáp trả bất cứ thứ gì. Nhưng rồi thời gian qua đo, Ryan cũng học được cách để tự bảo vệ.
Nicky thỉnh thoảng cũng tranh luận một tí, nhưng Gary là dữ dội nhất. Cậu ấy là một người gần như phải tranh cãi để tồn tại. Lúc nào cũng đến sân lúc 6h, hỏi 2 nhân viên ở phòng truyền thông là Di Law và Karen Shotbolt: "Báo đâu? Đọc chưa? Bọn Telegraph, thay The Times có viết gì bất lợi không?".
Chúng tôi vẫn thường nói đùa: dường như Gary luôn thức dậy cùng một cơn giận dữ. Tranh cãi là một bản năng tự nhiên của cậu ấy, một người trực tính. Phát hiện sai sót là lập tức mở miệng. Không có thương thuyết, chỉ có áp đặt, nhưng Gary luôn biết rõ giới hạn của mình. Tôi vẫn thường nói: "Gary, đi chỗ khác mà cãi nhau nhé", cậu ấy cười rộ và căng thẳng biến mất.
Lứa thế hệ vàng 1992 là niềm tự hào của Sir Alex và MU
Tôi đã cố suy nghĩ về một M.U không có thế hệ ấy và những gì tôi nhìn thấy sẽ là một đội bóng hoang mang trong suốt 20 năm. Nhưng cầu thủ lứa 1992 ấy mang lại cho CLB sự ổn định.
26 năm trên ghế HLV United, bạn sẽ dễ dàng chọn ra những danh thủ tuyệt vời từ Bryan Robson, Norman Whiteside, Oaul McGrath, Cantona cho đến Ronaldo. Nhưng phải là những cầu thủ tự đào tạo mới có thể truyền đạt được tinh thần Manchester.
Họ là những ví dụ tuyệt vời cho Ban huấn luyện để thấy việc đào tạo có ý nghĩa quan trọng thế nào đến CLB. Khi nhìn một chàng trai 19 tuổi, mọi người có thể hy vọng về một Cantona mới, ngay trong lòng đội bóng chứ không phải cất công và tiền của đi tìm kiếm.
Tôi vẫn nhớ ngày đầu của Paul Scholes tại United. Cậu nhóc đến cũng một cậu nhóc khác tên Paul O'Keefe. Bố của Paul, Eamonn, chơi cho Everton. Họ đang đứng sau lưng Brian Kidd, người giới thiệu 2 cậu nhóc mới 13 tuổi này cho tôi xem thử. Tôi lập tức hỏi Brian: "Ai lôi đâu ra 2 cu cậu này vậy? Nhỏ quá, quá nhỏ để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp".
Đến 16 tuổi, người của Scholes vẫn nhỏ thó, đến khi 18 thì cậu bé ấy mới trổ giò và cao hơn một chút. Paul là một người nhút nhát, tuyệt không hé răng lấy một lời. Nhưng trên sân cỏ thì tuyệt vời.
Ở đội trẻ Scholes đá tiền đạo nhờ có tốc độ tốt. Khi tôi thấy cậu ấy vung chân sút một quả nửa nảy, tôi đã giật hết cả mình vì sức mạnh của nó. "Cu cậu khá nhỉ, nhưng khó lắm. Quá nhỏ," trợ lý Jim Ryan quay sang nói với tôi, đúng với nhận định ban đầu của tôi. Nhưng khi ấy tôi không còn nghĩ vậy nữa. Tôi bắt đầu nhìn thấy ở cậu bé nhỏ nhắn ấy một tài năng lớn.
* Sir Alex đánh giá rất cao Paul Scholes và xem anh như một thiên tài đặc biệt, hãy xem ông rèn cho Paul trở thành một huyền thoại của MU như thế nào?. Mời các bạn đón đọc Tự truyện Sir Alex Ferguson (Kỳ 23) vào lúc 7h sáng thứ Ba (17/12).