Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 8)
Chiến tranh là một điều điên rồ mà tôi không bao giờ hiểu được bản chất thật sự của nó. Tôi có hỏi, nhưng những người lớn dứt khoát không trả lời.
Cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan" là một hiện tượng ngay khi vừa ra đời. Với lối viết phóng túng, cách kể chuyện lôi cuốn và nội dung đi thẳng vào thực tế những gì Zlatan đã trải qua, cuốn sách đã bán hơn 700.000 bản chỉ riêng ở Thụy Điển và được để cử giải văn học. Được phát hành rộng rãi ở 15 quốc gia, "Tôi là Zlatan" được đánh giá là cuốn tự truyện hay nhất, chân thật nhất và sống động nhất từng được viết bởi một cầu thủ bóng đá. Được nhà văn, nhà báo David Lagercrantz chấp bút, cuốn sách càng có một lối kể chuyện đậm chất văn học. Xin lần lượt gửi đến bạn đọc lược trích 1 số nội dung của cuốn sách này. Từ 28/10, tự truyện "Tôi là Zlatan" được đăng vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần. |
Kỳ 8: Ký ức chiến tranh và ma túy
Tôi không hiểu nổi vì sao mẹ và các chị tôi lại mặc đồ đen. Thật lạ, cứ như một kiểu thời trang vậy. Đám tang bà tôi đấy, chết do bom ở Croatia. Mọi người đang mặc đồ tang và than khóc, trừ tôi ra. Tôi còn nhỏ, không biết chuyện gì xảy ra và không không quan tâm ai là người Serbia, người Bosnia, người nào mà chả được. Nhưng người bị ảnh hưởng tồi tệ nhất là bố.
Bố là người vùng Bijeljina, Bosnia. Thời còn trẻ bố làm thợ xây. Gia đình bố và bạn bè đều sống ở thành phố này khi chiến tranh bất ngờ ập đến. Bijeljina bị bao vây, người Serbia tràn vào và thảm sát hàng trăm người Hồi giáo. Bố tôi, một người cũng theo đạo Hồi, quen biết nhiều trong số những người bị hành quyết ấy. Quá sợ hãi, ông cùng gia đình phải chạy trốn.
Toàn bộ cư dân Bijeljina bị thay thế nhanh chóng. Người Serbia đã chiếm đóng và dời vào những căn nhà trống, trong đó có cả nhà của bố. Họ cứ vào rồi ở như thể nhà mình. Đấy là lý do bố không thể dành nhiều thời gian cho tôi, đặc biệt là vào ban đêm. Bố dán mắt vào màn hình TV để xem tin tức, chờ cuộc gọi từ những người cùng xứ sở. Chiến tranh đã khiến cho bố tôi chết mòn. Ông cứ ngồi ấy, một mình, uống bia, buồn bã và nghe nhạc Nam Tư. Tôi thì cố ở ngoài đường càng lâu càng tốt, không thì chạy qua nhà mẹ chơi.
Nhà mẹ là một thế giới hoàn toàn khác. Chỗ bố chỉ có 2 cha con, chỗ của mẹ đông như gánh xiếc. Mọi người cứ đến và đi, ăn nói rộn ràng và gõ cửa ầm ầm. Mẹ tôi lúc này đã dời lên tầng 5 cũng trong căn hộ ở đường Cronmans, ngay trên tầng của dì Hanife mà tôi cứ quen gọi là Hanna.
Bóng đá giúp Ibrahimovic không dính dáng tới ma túy
Tôi, Keki và Sanela rất thân thiết nhau, nhưng nhà mẹ cũng đầy những thứ rác rưởi. Bà chị cùng mẹ khác cha với tôi ngày càng lún sâu hơn vào mà túy. Cứ nghe thấy tiếng điện thoại hay gõ cửa là mẹ tôi giật mình theo cái kiểu: "Trời ơi, nhiêu đó tai họa chưa đủ hay sao cơ chứ?". Mẹ tôi điên dại với mọi thể loại ma túy. Một lần mẹ gọi tôi, giọng thất thanh: "Trời ơi, nó nhét cả ma túy vào trong tủ lạnh". Tôi gọi Keki, chị bảo có gì đâu. Thì ra đó chỉ là snus (một loại thuốc lá nhai của Thụy Điển - ND).
"Kìa mẹ, snus thôi mà".
"Có khác chó gì đâu".
Những ngày ấy thật sự đã ảm lên cuộc đời mẹ. Chúng tôi lẽ ra phải cư xử tốt hơn, ngoan hơn để mẹ đỡ buồn, nhưng có đứa nào biết phải cư xử sao cho đúng đâu, bỗ bã riết thành quen rồi. Người chị kia cùng đống ma túy rồi cũng cuốn gói khỏi nhà để đi cai nghiện. Nhưng thỉnh thoảng chị lại quay trở về nhà và mẹ lại phải đuổi đi. Chúng tôi giữ sự hằn học với cả những người trong nhà. "Cút đi, tao không muốn nhìn thấy mặt mày nữa", mẹ tôi luôn nói vậy mỗi khi bà chị quay về.
Tôi nhớ một lần mình đến thăm căn hộ nhỏ của chị ấy. Hình như là vào sinh nhật tôi hay sao đó. Tôi mua cho chị một ít quà và chị cũng cư xử rất dễ thương. Rồi tôi vào nhà tắm, chị hét toáng lên rồi chạy theo ngăn lại, giành vào trước để dọn dẹp đủ thứ như thể sợ tôi phát hiện bí mật nào đó vậy. Tôi biết có chuyện không ổn. Có thể đó là ma túy. Bà chị cùng mẹ khác cha không bao giờ muốn tôi dính vào thứ này. Tôi cứ việc trộm xe đạp và đá bóng, nhưng tuyệt đối không có hút chích gì. Từ bé, tôi đã mơ mình sẽ thành Lý Tiểu Long, hoặc Muhammad Ali.
Bố có người anh ruột tên Sabahudin hồi còn ở Nam Tư cũ. Họ gọi bác là Sapko, sau này ông anh tôi cũng mang tên này. Sabahudin là một võ sĩ quyền Anh, một tài năng thật sự. Bác là nhà vô địch Nam Tư cùng với CLB BK Radnicki của mình. Năm 1967, bác lập gia đình ở tuổi 23. Mọi thứ đang rộng mở phía trước thì tai nạn ập đến. Khi đi bơi ở con sông Neretva, có thể do tim hoặc phổi bất ngờ trở chứng, bác đã để cho dòng nước nhấn chìm và chết đuối. Đấy là một cú sốc khủng khiếp với cả gia đình. Bố tôi vì sự kiện ấy mà trở nên phát cuồng những thể loại đánh nhau. Bố cố thu thập tất cả những trận đấu quyền Anh không chỉ của Sabahudin mà của Ali, Foreman và Tyson. Đánh nhau như Lý Tiểu Long, Thành Long bố tôi cũng coi nốt.
Tôi đã lớn lên cùng với những thước phim ấy. Truyền hình Thụy Điển thời ấy tệ hại. Đến tận 20 tuổi tôi mới xem được bộ phim Thụy Điển đầu tiên. Tôi chả có chút kiến thức nào về các người hùng Thụy Điển, hay các VĐV thể thao danh tiếng. Tôi chỉ biết mỗi Ali! Một huyền thoại. Ông ấy làm mọi thứ theo cách của riêng mình bất chấp mọi người có nói gì đi nữa. Ali không bao giờ xin lỗi, quá chất. Tôi đã học theo cách sống ấy. Sống ở Rosengard bạn phải rắn rỏi mới mong tồn tại được.
* Với “tuổi thơ dữ dội” của mình, Ibra đã suýt bị chết như thế nào? . Mời các bạn đón đọc Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 9) vào 7h sáng thứ Sáu 8/11.