Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 7)
Những cuộc điều tra tiếp tục và đến tháng 3/1991, đến lượt mẹ giành quyền nuôi chị Sanela và tôi về ở với bố, tức là đảo ngược lại. Lúc này thì chính tôi được nhìn thấy cuộc sống thật sự của bố mình.
Cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan" là một hiện tượng ngay khi vừa ra đời. Với lối viết phóng túng, cách kể chuyện lôi cuốn và nội dung đi thẳng vào thực tế những gì Zlatan đã trải qua, cuốn sách đã bán hơn 700.000 bản chỉ riêng ở Thụy Điển và được để cử giải văn học. Được phát hành rộng rãi ở 15 quốc gia, "Tôi là Zlatan" được đánh giá là cuốn tự truyện hay nhất, chân thật nhất và sống động nhất từng được viết bởi một cầu thủ bóng đá. Được nhà văn, nhà báo David Lagercrantz chấp bút, cuốn sách càng có một lối kể chuyện đậm chất văn học. Xin lần lượt gửi đến bạn đọc lược trích 1 số nội dung của cuốn sách này. Từ 28/10, tự truyện "Tôi là Zlatan" được đăng vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần. |
Kỳ 7: Xung đột với bố
Căn nhà của ông luôn thiếu một điều gì đấy, có thể là một người phụ nữ. Có tivi, có ghế sofa, có kệ sách, có 2 giường, nhưng không có cảm giác của một gia đình, không có giao tiếp, không có sự quan tâm. Vỏ bia thì vương vãi trên bàn và trên sàn nhà. Nhưng lúc phải sơn lại tường, ông cũng chỉ sơn có một bên. "Mai bố sơn bên kia", nhưng chả bao giờ ông làm nốt việc ấy cả. Chúng tôi cũng thường xuyên phải thay đổi chỗ ở. Xin được việc chỗ nào là ông dọn đến chỗ ấy.
Nếu bố là một bảo mẫu thì ông sẽ bị sa thải vì dành quá ít thời gian cho công việc. Ông luôn về nhà với chiếc quần chất đầy những tua vít rồi ngồi phịch xuống trước TV, không muốn bất kỳ ai làm phiền. Bố sống trong thế giới của riêng mình với âm nhạc đồng quê của Nam Tư qua chiếc tai nghe. Ông mê nhạc vô cùng, thậm chí còn đi thu âm mấy cuốn băng. Khi có tâm trạng tốt bố là một người tuyệt vời, là cây đinh của đám đông. Nhưng rất, rất ít khi ông như vậy. Phần lớn thời gian ông chỉ ngồi một mình, không muốn bị quấy rầy.
Tôi không thể mời bạn về nhà. Nếu chúng gọi điện đến nhà thì bố tôi cũng dập máy. Tôi không được sờ đến điện thoại. Khi đã về nhà, tôi không thể nói chuyện với bất kỳ ai. Khi có chuyện xảy ra với Zlatan, bố tôi luôn hùng hổ xông đến theo kiểu "Thằng khốn nào dám ăn hiếp con tao thế?". Nhưng những chuyện bình thường nhỏ nhặt thì không bao giờ ông để tâm. Tôi đi học ra sao, đá bóng thế nào, bạn bè là những ai cũng kệ.
Thời gian đầu tôi cũng sống cùng với ông anh cùng cha khác mẹ Sapko, nhưng khi ấy anh ta đã 17 tuổi rồi, đâu có thích chơi với trẻ con nữa. Rồi bố tôi cũng sớm tống cổ Sapko ra khỏi nhà. Họ thậm chí còn đánh nhau. Ngôi nhà chỉ còn lại 2 bố con, cô đơn trong thế giới riêng của từng người. Không bạn bè thăm viếng. Bố cứ ngồi yên, uống hết chai này đến chai kia.
Ibrahimovic từng xảy ra xung đột với cha anh
Không bạn đã tệ, nhưng kinh khủng nhất là không có cả đồ ăn. Cả ngày trời ở ngoài đường chơi bóng và lái xe đạp ăn trộm, tôi luôn trở về nhà với cái bụng đói meo. Khi mở tủ lạnh lúc nào tôi cũng cầu nguyện: làm ơn, làm ơn có gì đó ăn đi mà. Nhưng không, không có gì cả, chỉ có những món muôn thuở: bơ, ít bánh mì, may ơi là may thì có thêm nước ép, loại 4 lít mua ở cửa hàng Ả Rập gần nhà vì nó rẻ nhất. Có một thứ mà tôi chả bao giờ đếm xỉa tới: bia, Pripps Bla hoặc Carlsberg, những lốc 6 lon. Có lúc thì chả có cả bơ và bánh mì, toàn bia là thôi. Đấy là một nỗi buồn mà tôi mãi mãi không bao giờ quên. Khi tôi đã lớn và có con, Vincent cứ khóc vì mì ống đang nấu chưa kịp chín, những lúc ấy tôi chỉ muốn thét lên: Nín ngay, giá mà con biết con hạnh phúc thế nào!
Tôi lục từng ngăn kéo, cố tìm một ít thịt, tôi cố tống thật nhiều bánh mì để quên đi cơn đói và thỉnh thoảng tôi chạy về nhà mẹ. Nhưng tôi đâu có được chào đón ở đó. "Mẹ nó, mày lại về đấy à Zlatan? Sefik không cho mày ăn sao?". Cái bụng đói khiến tôi căm ghét những lon bia. Thế là tôi lén đổ nó vào bồn rửa, một ít thôi, cho đã tức. Bố cũng chả biết, bia ở nhà nhiều quá, ông cũng chả buồn nhớ xem còn lại bao nhiêu, chưa kịp đổ hết thì ông đã vác về những lốc mới rồi.
Tôi bắt đầu thu nhặt vỏ lon và đi bán ve chai. Một thùng như vậy được 50 öre. Có lúc tôi gom nhiều đến mức đủ kiếm được 100 kronor. Tôi hài lòng với số tiền ấy. Tôi cũng dần khá hơn trong việc "đọc tâm trạng" của bố mình. Ngày đầu tiên sau khi say xỉn bao giờ ông cũng rất dễ thương. Ngày thứ 2 tệ hơn và sẽ càng tệ dần cho đến khi ông say một trận bí tỉ khác. Thế là vào những lúc ông vui nhất tôi có thể đến xin tiền. Ông hào phóng cho những 500 kronor. Tôi dùng tiền ấy để sưu tập hình cầu thủ. Họ gói 3 bức ngẫu nhiên vào trong một gói nhỏ kẹo cao su. Mỗi lần mở bao tôi đều hồi hộp: chà chà, lần này mình sẽ có ai đây nhỉ. Maradona chăng? Thường thì thất vọng bởi tôi toàn có những cầu thủ Thụy Điển mà mình chả biết tên. Có một lần tôi mua cả một gói to về nhà. Trúng mánh, bởi vì bên trong toàn những cầu thủ Brazil.
Tôi và bố thỉnh thoảng cũng xem bóng đá chung và nói chuyện rôm rả. Chỉ có khi nào bia rượu vào thì ông mới đổi khác. Nhưng tôi không như anh mình, tôi đến nói với bố: "Bố uống nhiều quá đó, bỏ đi". Ông gầm gừ nhìn tôi, nhưng tôi vẫn nói. Có lúc 2 bố con cãi nhau kịch liệt. Nhưng ông chưa một lần đánh tôi. Sâu thẳm bên trong ông là con người nhân hậu và hiền lành nhất thế giới. Anh tôi nói đúng: "Bố uống để chôn giấu nỗi đau khổ của mình". Nỗi đau khổ ấy đến từ gia đình, và còn đến từ cả chiến tranh nữa.
* Sau những xung đột, Ibra phải vật lộn với cuộc sống không mấy êm ả của mình . Mời các bạn đón đọc Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 8) vào 7h sáng thứ Tư 6/11.