Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 62)
Những thông tin về chi tiết bản hợp đồng của tôi tiếp tục được bàn tán trên báo. Eto'o cũng làm mọi cách để được nhiều tiền lót tay hơn. Helena và tôi thì thảo luận về cuộc sống mới ở Tây Ban Nha, thuê trước hay là mua luôn một căn.
Cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan" là một hiện tượng ngay khi vừa ra đời. Với lối viết phóng túng, cách kể chuyện lôi cuốn và nội dung đi thẳng vào thực tế những gì Zlatan đã trải qua, cuốn sách đã bán hơn 700.000 bản chỉ riêng ở Thụy Điển và được đề cử giải văn học. Được phát hành rộng rãi ở 15 quốc gia, "Tôi là Zlatan" được đánh giá là cuốn tự truyện hay nhất, chân thật nhất và sống động nhất từng được viết bởi một cầu thủ bóng đá. Được nhà văn, nhà báo David Lagercrantz chấp bút, cuốn sách càng có một lối kể chuyện đậm chất văn học. Xin lần lượt gửi đến bạn đọc lược trích 1 số nội dung của cuốn sách này. Từ 28/10, tự truyện "Tôi là Zlatan" được đăng vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần. |
Kỳ 62: Choáng ngợp ở Camp Nou
Rồi cuộc chuyển nhượng đình đám rốt cục cũng bước vào những khâu cuối cùng. Tôi nhận được thông báo sang Catalonia khám sức khỏe và chào các CĐV. Khi ấy, tôi đã quá quen với việc đi chuyên cơ, nhưng Barca buộc tôi phải bay chuyến bay thường như mọi người. Điều ấy khiến cho sân bay trở nên hỗn loạn.
Barca hiểu rõ những vấn đề ấy, nhưng họ có nguyên tắc của họ. Barca và Real luôn trong tình trạng chiến tranh, giữa họ có rất nhiều yếu tố chính trị. Catalonia chống lại quyền lực trung tâm, đại loại thế, nên Barca luôn cố tỏ ra khác biệt với Real hết mức có thể.
"Ở Barcelona chúng tôi giữ chân mình trên mặt đất. Chúng tôi không như Real. Chúng tôi chỉ bay những chuyến dân dụng bình thường," họ nói với tôi như thế.
Tôi đã bay đến Barcelona trên chiếc máy bay của hãng Spanair và đến nơi vào 5 giờ chiều. Rời khỏi máy bay, tôi thật sự choáng ngợp trước cảnh tượng trước mắt mình. Hàng trăm CĐV và nhà báo đã đứng chờ sẵn. Đấy là một cơn sốt mà họ gọi là Ibramania.
Tôi không chỉ là bản hợp đồng cao giá nhất trong lịch sử Barca mà còn là cái tên thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Theo lịch, tôi sẽ chào các CĐV tại thánh đường của CLB, Nou Camp, như một truyền thống. Khi Ronaldinho đến đây hồi 2003, có 30.000 CĐV đã đến xem. Con số tương tự được lặp lại khi họ chào đón Thierry Henry. Còn bây giờ, ít nhất là gấp đôi. Nhiều đó đủ thấy sự kỳ vọng và chờ đợi của các CĐV là như thế nào.
Nhưng trước hết phải là cuộc họp báo. Hàng trăm phóng viên từ các nơi đổ về chật kín phòng. Sự hồi hộp ngày càng tăng lên bởi ở Milan, Eto'o vẫn chưa gút xong hợp đồng của mình với Inter bởi anh ta một mực đòi nhiều tiền hơn.
Mà phải khi nào Eto'o ký vào hợp đồng thì trên thực tế bản hợp đồng giữa tôi và Barca mới thật sự có giá trị. Vì thế các phóng viên cứ ngồi, còn chúng tôi thì cứ chờ, chứ chưa dám bước vào.
"Thôi đủ rồi, đứng đây mọc rễ cả đám sao," Mino sốt ruột nói.
"Phải chờ xác nhận," đại diện của Inter nói.
"Thôi dẹp đi, xác nhận sau," rồi Mino bước vào, khiến mọi người cũng phải đi theo.
Ibra tới Barca với nhiều sự kỳ vọng
Tôi chưa từng thấy nhiều phóng viên đến thế trong đời, và tôi phải trả lời nhiều câu hỏi. Nhưng cảm giác dữ dội và choáng ngợp nhất vẫn là khi bước vào Nou Camp. Tôi bước vào đó với chiếc áo Barca trên người, trên lưng là số 9, số áo mà thần tượng Ronaldo đã từng mặc trước đây. Nhìn gần 70.000 khán giả trên khán đài, tôi đã phải cố hết sức để lấy lại hơi thở của mình.
Họ đang gào tên tôi. Một nhân vật phụ trách báo chí đi kế bên "nhắc tuồng". Nói: "Visca Barca" đi, tâng bóng đi, vẫy tay chào đi, hôn lên logo nào. Cái này thì tôi cần phải nói rõ, tôi không ưng cái màn hôn hít, không hiểu sao các CĐV lại rất thích thấy một tân binh hôn logo CLB mình.
Làm sao một cầu thủ có thể hôn logo của Barca khi anh ta chỉ vừa mới rời khỏi Inter? Hóa ra gã Ibra đầu đất đâu có để ý hay quan tâm gì đến những CĐV của nó. Vậy mà các fan Barca vẫn thích thấy tôi làm việc ấy, và nhân vật kia cứ lải nhải: "Hôn đi, hôn đi".
Trước sự choáng ngợp của Nou Camp và để làm vừa lòng đội bóng mới, tôi đã hôn vào logo, tuân lệnh như một đứa trẻ. Phải đến khi trở lại phòng thay quần áo tôi mới trấn tĩnh trở lại.
Tôi nhìn xung quanh và thấy tên của những đồng đội mới trên tủ quần áo: Messi, Xavi, Iniesta, Henry và anh bạn thân Maxwell. Tên Ibrahimovic cũng đã được đính trên tủ. Điện thoại tôi báo có tin nhắn, là từ Patrick Vieira.
"Tận hưởng nhé," anh ấy nhắn như thế. Khi một người như Vieira mà nhắn một tin như thế, bạn phải biết cuộc chuyển nhượng ấy thật sự rất đặc biệt.
Sau đó, tôi có nói với phóng viên: "Tôi là người hạnh phúc nhất thế giới. Đây là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra trong đời tôi, sau sự chào đời của 2 đứa con tôi".
Đấy là những câu mà hàng hà sa số các cầu thủ đều sẽ nói khi ra mắt CLB mới. Nhưng khi tôi nói thế, tôi thật tâm nghĩ vậy chứ không phải nói như con vẹt. Barca thật sự là một ước mơ của tôi.
Đêm đầu tiên ở Barcelona, tôi không ngủ được. Người tôi cứ bồn chồn, vui sướng. Cái tay tiếp tục hành hạ và hôm sau tôi đã nói điều ấy với bác sĩ của Barca trong buổi khám tổng quát thường trực. Tôi được đưa đi chụp X-quang. Kết quả là nứt xương.
Lạy Chúa, nứt xương ư? Làm sao có chuyện ấy được. Một trong những điều quan trọng nhất khi đến một CLB mới là phải làm quen với mọi thứ, quen với sân tập, đồng đội, lối chơi.
Tôi đến xin ý kiến của Pep Guardiola. Ông ấy xin lỗi vì không thể hiện diện trong buổi ra mắt, đồng thời khuyên tôi đừng nên mạo hiểm mà hãy mổ đi. Ông ấy sẽ chào đón ngay sau khi tôi bình phục.
Thế là tôi mổ, đính 2 con ốc vít vào tay để cố định phần xương bị nứt. Tôi đã mất đến 3 tuần mới có thể hồi phục và tập cùng Barca.
Bạn đã bao giờ bị nứt xương chưa? Đau gần chết. Vậy mà tôi xách cái bàn tay bị nứt xương của mình đi tới đi lui suốt cả tháng trời chỉ vì đầu tôi chỉ nghĩ đến Barcelona mà thôi. Giấc mơ đẹp đẽ ấy, thật đáng tiếc, rồi sẽ mau chóng trở thành cơn ác mộng.
* Ibra chuẩn bị bước vào những thử thách thực sự trước trận siêu kinh điển với Real. Mời các bạn đón đọc Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 63) vào 10h sáng thứ Tư 19/3/2014.