Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 6)
Bố mẹ ly dị khi tôi mới có 2 tuổi và tôi không có bất kỳ ký ức nào về việc ấy. Có lẽ vậy cũng tốt vì bố mẹ tôi sống không hạnh phúc. Họ luôn xung đột, đánh nhau. Sau này tôi còn được nghe là bố lấy mẹ chỉ vì muốn có giấy phép nhập cư. Vì thế khi ly dị, mẹ tôi giành được quyền nuôi con.
Cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan" là một hiện tượng ngay khi vừa ra đời. Với lối viết phóng túng, cách kể chuyện lôi cuốn và nội dung đi thẳng vào thực tế những gì Zlatan đã trải qua, cuốn sách đã bán hơn 700.000 bản chỉ riêng ở Thụy Điển và được để cử giải văn học. Được phát hành rộng rãi ở 15 quốc gia, "Tôi là Zlatan" được đánh giá là cuốn tự truyện hay nhất, chân thật nhất và sống động nhất từng được viết bởi một cầu thủ bóng đá. Được nhà văn, nhà báo David Lagercrantz chấp bút, cuốn sách càng có một lối kể chuyện đậm chất văn học. Xin lần lượt gửi đến bạn đọc lược trích 1 số nội dung của cuốn sách này. Từ 28/10, tự truyện "Tôi là Zlatan" được đăng vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần. |
Kỳ 6: Tuổi thơ dữ dội
Nhưng tôi nhớ bố mình. Những lúc được bố chở đi chơi bao giờ cũng vui. Tôi và chị Sanela cứ ngóng đến cuối tuần để được thấy bố đến rước trên chiếc Opel cũ màu xanh. Chúng tôi cùng đến Pildammsparken, hoặc chạy ra đảo ở Limhamn để mua hamburger và kem. Một hôm ông xài sang và mua cho 2 chị em một đôi Nike Air Max, loại giày để chơi quần vợt rất đắt tiền. Của tôi màu xanh, của chị Sanela màu hồng. Không ai ở Rosengard thời ấy có đôi giày tương tự và chúng tôi sướng mê ly. Từ ấy bọn tôi càng thương bố hơn, cứ đợi đến ngày gặp ông để được ăn pizza và uống Coca-Cola thả ga. Ông có một công việc ổn định và duy nhất một đứa con riêng, Sapko.
Nhưng rồi mọi thứ dần thay đổi. Chị Sanela bộc lộ năng khiếu ở môn chạy. Chị là người chạy 60 mét nhanh nhất ở tuổi mình trên toàn Skane (một vùng ở miền nam Thụy Điển - ND). Bố tôi tự hào vô cùng và luôn chở chị tôi đến sân tập. "Tuyệt vời, Sanela. Nhưng con còn có thể chạy nhanh hơn nữa đấy," bố tôi hét lên. "Nhanh hơn, nhanh nữa đi con, đừng tự mãn".
Một hôm bố lại đến để chở chị đến sân tập thì thấy gương mặt chị có nét khác lạ. Ông nhận ra ngay. Gặng hỏi mãi nhưng chị vẫn không nói, chỉ im lặng và cố không khóc. Chúng ta không đi vào chi tiết nhé, đấy là chuyện riêng của chị tôi. Nhưng về phần bố tôi thì ông ấy lồng lên như một con sư tử. Chỉ cần con ông có chuyện là ông sẽ nổi điên, nhất là khi có chuyện với Sanela, đứa con gái duy nhất.
Hai cha con Ibra khi anh đã là một cầu thủ chuyên nghiệp
Mọi thứ trở nên rối loạn, những cuộc điều tra phúc lợi, những tranh chấp, những cuộc chiến trước tòa. Lúc ấy tôi cũng chỉ mới 9 tuổi nên không hiểu gì nhiều. Họ cũng giấu không cho tôi biết chuyện ấy. Nhưng tôi phải tìm hiểu chứ. Thì ra bà chị cùng mẹ khác cha của tôi chơi ma túy, thứ nặng ấy, và giấu ngay trong nhà. Người ta biết và gọi điện báo cảnh sát.
Một lần khác mẹ tôi bị tóm vì cố tiêu thụ đồ gian. Một số bạn bè dúi cho bà mấy sợi dây chuyền và kêu bà đem bán mà dùng. Mẹ tôi có hiểu gì đâu, sau mới biết mớ dây chuyền ấy là hàng ăn cắp và bà bị cảnh sát tóm. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác ngơ ngác ấy: Mẹ đi đâu rồi? Tại sao mẹ đi khỏi nhà vậy?
Nhưng tôi để mọi thứ trôi qua rất nhanh nhờ bóng đá. Tôi lúc nào cũng đá bóng, trong vườn, trên sân, vào những giờ ra chơi ở trường. Tôi đá không hay, nhưng đánh nhau thì chả ngán ai. Tôi sẵn sàng húc đầu, hay đạp những gã lớn tuổi lẫn lớn con hơn mình.
Hồi ấy chúng tôi học trường Värner Rydén, chị Sanela lớp 5, còn tôi lớp 3. Chị thì ngoan, còn tôi là siêu quậy. Sanela phải trưởng thành trước tuổi, phải trở thành người mẹ thứ 2 của Keki và phải chăm lo cho gia đình. Vì thế tôi đã cảm thấy rất sợ hãi khi cả chị Sanela và tôi bị gọi lên văn phòng hiệu trưởng cùng lúc. Nếu là một mình tôi thì chuyện quá bình thường, đằng này cả 2 cùng lúc. Có ai chết rồi chăng? Có chuyện gì xảy ra chăng?
Bụng tôi thắt lại khi 2 đứa bước qua hành lang. Đấy là cuối thu hay đầu đông gì đó. Tôi hoang mang vô cùng, nhưng khi vào phòng, thấy bố tôi ngồi đó, tôi vui trở lại. Bố lúc ấy đồng nghĩa với niềm vui, với hamburger và Coca-cola. Nhưng lần ấy chả có gì vui. Tôi không nhớ rõ nội dung câu chuyện, chỉ biết nó liên quan đến bố mẹ. Đến khi viết cuốn sách này, những câu hỏi trong đầu tôi mới được giải đáp.
Tháng 11/1990, phía phúc lợi xã hội điều tra và bố tôi giành được quyền nuôi tôi và Sanela bởi môi trường ở nhà mẹ không tốt. Mẹ tôi đau khổ vô cùng, bà đâu còn gì ngoài chúng tôi. Đúng là bà hay lấy muỗng nện chúng tôi, chả bao giờ nghe chúng tôi tỉ tê tâm sự nhưng bà rất đáng thương. Bà toàn bị người đàn ông của mình ruồng bỏ, bà không có tiền nhưng bà yêu con mình, dù theo cách riêng của bà. Bố tôi đến nhà chiều hôm ấy và nói:
"Anh không muốn em mất bọn trẻ, Jurka (tên mẹ của Zlatan - ND). Nhưng nếu mọi thứ không khá hơn thì em sẽ chả bao giờ thấy chúng nữa đâu".
Salena về sống với bố và tôi được cho ở lại với mẹ. Nhưng chị Sanela không thích cuộc sống mới. Chị thường xuyên phát hiện bố đang ngủ trên sàn nhà trong khi trên bàn thì vương vãi vỏ chai. Chị kêu bố nhưng bố chỉ ngủ. Tôi cứ nghĩ bố lạnh nên lấy mền lại đắp. Lớn hơn một chút tôi mới biết ông không lạnh, ông chỉ say. Nhưng lúc giật mình ông lại quát tháo và làm cho 2 chị em sợ hãi. Đấy là lúc chúng tôi nhìn thấy ở bố một khía cạnh khác của con người ông, khác xa "ông bố cuối tuần" lúc nào cũng mang đến niềm vui cho 2 chị em.
* Những xung đột trong cuộc sống gia đình đã khiến Ibra đau khổ thế nào?. Mời các bạn đón đọc Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 7) vào 7h sáng thứ Hai 4/11.