Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 5)
Khi tôi còn nhỏ, anh trai cho tôi một chiếc xe đạp BMX. Tôi gọi nó là Fido Dido.
Cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan" là một hiện tượng ngay khi vừa ra đời. Với lối viết phóng túng, cách kể chuyện lôi cuốn và nội dung đi thẳng vào thực tế những gì Zlatan đã trải qua, cuốn sách đã bán hơn 700.000 bản chỉ riêng ở Thụy Điển và được để cử giải văn học. Được phát hành rộng rãi ở 15 quốc gia, "Tôi là Zlatan" được đánh giá là cuốn tự truyện hay nhất, chân thật nhất và sống động nhất từng được viết bởi một cầu thủ bóng đá. Được nhà văn, nhà báo David Lagercrantz chấp bút, cuốn sách càng có một lối kể chuyện đậm chất văn học. Xin lần lượt gửi đến bạn đọc lược trích 1 số nội dung của cuốn sách này. Từ 28/10, tự truyện "Tôi là Zlatan" được đăng vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần. |
Phần 5: Tên trộm Zlatan
Fido Dido là một con quỷ đáng yêu. Tôi coi nó như người bạn thân. Nhưng nó đã bị trộm khi dựng bên ngoài một nhà tắm công cộng ở Rosengard. Bố tôi đã đến đó, áo phach ngực và tay áo thì xắn lên như chuẩn bị đánh nhau. Bố tôi là kiểu đàn ông như thế: đừng đứa nào đụng đến con tao, tránh xa đồ chơi của con tao ra. Nhưng lần này thì ông không thể làm gì. Fido Dido đã mất thật rồi và tôi đã vô cùng đau khổ.
Sau khi chiếc xe yêu thương bị trộm, tôi bắt đầu... đi trộm xe. Tôi phá khóa ngày càng lành nghề. Bang, bang, bang và chiếc xe sẽ thuộc về tôi. Tôi đã trở thành một tên trộm xe đạp một cách ngây thơ như thế. Rồi trộm riết thành... ghiền. Một ngày nọ tôi vận toàn đồ đen, lẻn ra ngoài vào ban đêm cứ như Rambo chuẩn bị làm nhiệm vụ. Mục tiêu là một chiếc xe đạp quân sự với chiếc khóa khổng lồ. Chiếc xe hết xảy, tôi thích lắm, nhưng tôi không mê chiếc xe như mê cái cảm giác được làm việc gì đó lén lút. Khoắng xe của người khác hay ném trứng vào nhà người ta làm tôi sung sướng.
Rất ít lần tôi bị tóm và tôi vẫn còn nhớ rõ một lần hiếm hoi như thế. Tôi và lũ bạn quậy lẻn vào một cửa hàng với những chiếc áo khoác, dày dù trời đang giữa mùa hè. Phía dưới những chiếc áo ấy, bọn tôi giấu 4 cây vợt tennis và một vài món đồ chơi. "Bọn nhóc con đã trả tiền chưa mà đi ra tỉnh bơ thế?", một người bảo vệ phát hiện. Tôi móc ra một vài xu lẻ và hỏi: "Từng đấy đủ không?". Tất nhiên là người bảo vệ ấy không thích giỡn kiểu đó rồi. Chúng tôi bị tóm và mời bố mẹ. Bạn nghĩ tôi sẽ bỏ trò ăn trộm ư? Không hề. Tôi quyết tâm phải lành nghề hơn nữa, để không ai có thể tóm mình được.
Ibra là một siêu trộm hồi nhỏ
Tôi là một đứa trẻ gầy gò, mũi to và bị ngọng nên được gửi đến cho một giáo viên dạy phát âm. Người phụ nữ ấy chỉ tôi cách phát âm chữ S mà tôi cứ học hoài không được. Tôi không thể chịu nổi cảnh phải ngồi yên một chỗ để học hỏi một thứ gì đó. Tôi chỉ thích ra đường và chạy thật nhanh. Chỉ cần chạy thật nhanh là tôi có cảm giác là không chuyện gì có thể xảy ra với mình cả.
Rosengard, ngoại ô Malmo nơi tôi sống, là khu nhập cư. Người Somali, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư, Ba Lan... đủ cả. Và bạn phải tự thân vươn lên trong một môi trường như thế. Nhà tôi ở trên tầng 4 của đường Cronmans. Không có quan tâm chào hỏi gì đâu. Người lớn chả giúp bọn trẻ làm bài tập về nhà, hay hỏi xem chúng có cần giúp đỡ gì không. Đám trẻ phải tự mà trưởng thành và chúng tôi thì đánh nhau như cơm bữa. Sống riết sẽ quen, nhưng đôi khi bạn vẫn muốn nhận được sự quan tâm, con nít nào chả thế.
Có lần tôi rớt từ mái nhà của một trường mẫu giáo xuống và bầm đen một mắt. Tôi ôm mặt, khóc lóc chạy về nhà hy vọng sẽ được ôm vào lòng, xoa đầu an ủi. Nhưng làm gì có, chỉ có một cái tát vào mặt:
"Mày làm cái giống gì trên mái nhà vậy hả?"
Vậy đó. Không bao giờ là "Tội Zlatan chưa" mà luôn là "Mày ăn gì ngu thế". Mẹ tôi không bao giờ có thời gian để vỗ về con cái. Bà phải làm việc, dọn dẹp, chùi rửa để kiếm tiền. Nhà nghèo nên áp lực cũng lớn, bọn trẻ lúc nào cũng phập phồng đón cơn thịnh nộ từ mẹ chúng. Giao tiếp trong nhà chúng tôi khác xa những ngôi nhà Thụy Điển khác. Nếu mẹ người ta nói: "Cục cưng chuyền cho mẹ lọ bơ nào" thì mẹ tôi nói: "Đưa tao hộp sữa".
Thỉnh thoảng mẹ đôi lại đóng cửa và ngồi khóc một mình. Mẹ khóc nhiều lắm. Tôi thương mẹ vô cùng, đời mẹ khổ quá mà. Một ngày mẹ tôi đi làm mướn cho người ta hết 14 tiếng đồng hồ, đôi khi bà dẫn chúng tôi theo để phụ đổ rác, hay đại loại thế. Làm nhiều nên sẽ cáu giận. Những lúc ấy bà lấy muỗng đánh chúng tôi. Có lúc đánh mạnh quá nên gãy cả muỗng, thế là tôi phải đi mua cái muỗng mới, cứ như thể tại tôi mà cái muỗng mới gãy vậy.
Có một ngày tôi lấy gạch ném vỡ cửa kính của một trường mẫu giáo. Người ta bắt đền và mẹ tôi thì nổi điên. Cái gì tốn tiền đều khiến mẹ tôi điên lên như thế. Thế là bà lại lấy muỗng đập tôi, muỗng lại gãy. Bà tìm một cái khác để tiếp tục đánh nhưng trong nhà hết sạch muỗng rồi. Thế là bà chuyển sang nện tôi bằng cái lăn bột. Tôi vùng chạy khỏi nhà và đến mách chị Sanela.
Bố mẹ tôi chỉ có 2 người con là tôi và chị Sanela, lớn hơn tôi 2 tuổi. Chị sống với bố, còn tôi sống với mẹ. À, tôi chưa nói bạn nghe nhỉ. Bố mẹ tôi ly dị khi tôi mới lên 2 tuổi. Mẹ tôi có 2 người con riêng. Một người chị sau này bỏ nhà đi và hoàn toàn mất liên lạc. Một đứa em tên Aleksandar mà chúng tôi gọi là Keki. Nhà không bao giờ đủ tiền, đứa lớn phải cố mà chăm lo cho đứa bé. Đó là cách duy nhất để cả bọn lớn lên.
* Bố mẹ ly dị, sống trong cảnh nghèo khổ, Ibra sẽ tiếp tục kể câu chuyện bi kịch thuở nhỏ của mình như thế nào?. Mời các bạn đón đọc Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 6) vào 7h sáng thứ Sáu 01/11.