Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 37)
Dù không đạt 100% thể lực lẫn phong độ, Lars Lagerback vẫn tung tôi vào sân từ đầu trong trận đấu ra quân với Trinidad & Tobago.
Cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan" là một hiện tượng ngay khi vừa ra đời. Với lối viết phóng túng, cách kể chuyện lôi cuốn và nội dung đi thẳng vào thực tế những gì Zlatan đã trải qua, cuốn sách đã bán hơn 700.000 bản chỉ riêng ở Thụy Điển và được để cử giải văn học. Được phát hành rộng rãi ở 15 quốc gia, "Tôi là Zlatan" được đánh giá là cuốn tự truyện hay nhất, chân thật nhất và sống động nhất từng được viết bởi một cầu thủ bóng đá. Được nhà văn, nhà báo David Lagercrantz chấp bút, cuốn sách càng có một lối kể chuyện đậm chất văn học. Xin lần lượt gửi đến bạn đọc lược trích 1 số nội dung của cuốn sách này. Từ 28/10, tự truyện "Tôi là Zlatan" được đăng vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần. |
Kỳ 37: Cú tự tử của Pessotto
Tất nhiên chúng tôi buộc phải thắng trận ấy, không những 1 bàn mà phải 3, 4, 5 bàn để có lợi về hiệu số, phòng khi phải so kè với các đối thủ về sau. Nhưng mọi thứ diễn ra trật lất hết cả. Thủ môn của họ đã chơi trận đấu để đời và cản phá tất cả những pha dứt điểm về khung thành của anh ta. Chúng tôi bất lực hoàn toàn trong việc khi bàn, kể cả khi đối thủ chỉ còn 10 người. Điều tích cực duy nhất diễn ra sau trận đấu là tôi đến gặp HLV của Trinidad & Tobago.
Người HLV ấy chính là Leo Beenhakker. Thật tuyệt vời được gặp lại ông ấy. Cho đến thời điểm đó, đã có rất nhiều người nhận là họ đã từng dìu dắt hay đào tạo tôi.
Họ bịa ra đủ thứ câu chuyện để ăn theo và được lợi từ tên tuổi của tôi. Nhưng số người thật sự có ơn với tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Roland Andersson và Leo Beenhakker chính là 2 người hiếm hoi như thế. Họ tin tưởng tôi ngay khi tất cả mọi người đều chỉ dành cho tôi sự hoài nghi. Tôi mong sau này mình cũng sẽ làm được như vậy: nhìn mọi người với ánh mắt bao dung, cảm thông chứ không kỳ thị chỉ vì họ khác biệt.
Tôi vẫn còn giữ tấm hình mà mình chụp hôm ấy với Beenhakker. Khi ấy tôi đã cởi áo đấu ra và gương mặt thì sáng bừng vì vui mừng, bất chấp nỗi thất vọng từ trận đấu vừa kết thúc. Cả giải đấu ấy tôi cũng chưa bao giờ là chính mình.
Chúng tôi hòa với đội tuyển Anh nhưng bị Đức đánh bại hoàn toàn ở vòng 16 đội, trong một trận mà tôi chơi tệ vô cùng. Tất nhiên là tôi nhận lỗi về mình. Gia đình là gia đình, lẽ ra tôi không nên trở thành một hướng dẫn viên du lịch cho cả nhà để rồi chính việc ấy ảnh hưởng đến cả một kỳ World Cup. Cũng sau dịp đó, tôi cũng nói với họ trong buổi gặp gỡ gia đình:
"Con chào đón tất cả mọi người cùng đi với con. Con sẽ cố thu xếp mọi việc thật chu toàn, nhưng một khi mọi người đã đến nơi thì làm ơn tự lo cho mình, đừng gọi con quá nhiều nữa".
Một đế chế sụp đổ
Rồi tôi trở về Turin, nơi không còn là ngôi nhà của mình nữa. Ngày đến đây tôi hào hứng bao nhiêu thì bây giờ, tôi lại càng nóng lòng được rời khỏi đấy bấy nhiều. Trong cơn giông bão ấy, chúng tôi còn đón thêm một tin chấn động khác mang tên Gianluca Pessotto.
Pessotto là hậu vệ của Juve suốt từ năm 1995 và chỉ vừa tuyên bố giải nghệ. Tôi thậm chí còn có 2 năm thi đấu cùng anh ấy. Khác với những cầu thủ rắn rỏi trong đội, Pessotto là một người hơi nhạy cảm và thậm chí còn ủy mị nữa. Ngay sau khi treo giày, Pessotto đã lên làm người quản lý các vấn đề của đội một sau khi Alessio Secco, tiền nhiệm của Pessotto, được bổ nhiệm lên làm giám đốc điều hành.
Từ một cầu thủ chuyển sang làm quan chức, tất nhiên là đòi hỏi cả một sự điều chỉnh lớn. Rồi scandal Calciopoli nổ ra và thêm những vấn đề khác trong nội bộ gia đình. Pessotto chịu không nổi nhiều cú sốc đến cùng lúc.
Một ngày nọ Pessotto đến phòng làm việc của mình ở tầng 4, như những ngày bình thường khác. Chỉ có điều khác là lần này anh ấy trèo ra cửa sổ và gieo mình xuống. Anh ấy rơi vào khoảng xi măng giữa 2 chiếc xe hơi, từ độ cao những 15 mét. Vậy là thật kỳ lạ là anh ấy vẫn sống. Pessotto bị chấn thương rất nặng, gãy nhiều xương và xuất huyết nội, nhưng anh ấy vẫn vượt qua và mọi người rất mừng cho anh ấy.
Cú tự sát của Pessotto đặt ra một câu hỏi đầy ám ảnh: tiếp theo sẽ là ai vì chịu không nổi thực tế khắc nghiệt này mà kết thúc đời mình?
Mọi thứ đã tiến đến rất gần với sự tuyệt vọng. Chủ tịch mới của CLB, Giovanni Cobolli Gigli, tổ chức cuộc họp và giải thích: "Chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai ra đi nữa. Ban lãnh đạo sẽ cố giữ từng người".
Tất nhiên là tôi mang điều này nói lại với Mino. Chúng tôi thảo luận liên tục và cùng đi đến kết luận: phải quậy. Juve đã chơi rắn với mình thì mình phải chơi lại. Vì thế Mino nói với báo chí rằng:
"Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả những thủ tục pháp lý cần thiết để có thể rời khỏi CLB. Tất nhiên là Zlatan chỉ mong được ra đi theo cách bình thường nhất".
Tất nhiên đấy không phải là một cuộc chiến đơn giản. Tôi lại nói chuyện với Alessio Secco lần nữa. Lúc này Secco đang cố hết sức để tạo dựng uy tín và những mối quan hệ để có thể trở thành một Moggi mới.
Ngày xưa chính gã kêu tôi hãy tìm đường chuồn khỏi Juve càng nhanh càng tốt. Bây giờ gã lại nói với cái giọng ngược lại: "Cậu phải ở lại. Bọn tôi cần điều đó. Cậu phải chứng tỏ lòng trung thành với đội bóng"
"Trước kỳ nghỉ ông nói hoàn toàn khác nhé. Ông bảo tôi hãy nghiên cứu mọi lời đề nghị".
"Tình hình giờ khác rồi. Đội bóng khủng quảng ghê quá. Bọn tôi sẽ đề nghị cậu ký hợp đồng mới"
"Ký cục cái khỉ gió gì. Không bao giờ có chuyện tôi ở lại đâu".
* Nội bộ đội bóng rối tung, Ibra thà chết không ở lại Juve. Mời các bạn đón đọc Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 38) vào 7h sáng thứ Tư 15/1/2014.