Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 30)
Khi họ đồng ý duyệt cho tôi chiếc Enzo, Ferrari chỉ còn đúng 3 chiếc trong hãng.
Cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan" là một hiện tượng ngay khi vừa ra đời. Với lối viết phóng túng, cách kể chuyện lôi cuốn và nội dung đi thẳng vào thực tế những gì Zlatan đã trải qua, cuốn sách đã bán hơn 700.000 bản chỉ riêng ở Thụy Điển và được để cử giải văn học. Được phát hành rộng rãi ở 15 quốc gia, "Tôi là Zlatan" được đánh giá là cuốn tự truyện hay nhất, chân thật nhất và sống động nhất từng được viết bởi một cầu thủ bóng đá. Được nhà văn, nhà báo David Lagercrantz chấp bút, cuốn sách càng có một lối kể chuyện đậm chất văn học. Xin lần lượt gửi đến bạn đọc lược trích 1 số nội dung của cuốn sách này. Từ 28/10, tự truyện "Tôi là Zlatan" được đăng vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần. |
Kỳ 30: Chứng nghiện xăm mình
Có một danh sách dài dằng dặc những người xếp hàng đăng ký được mua. Thế là họ gọi ngay cho sếp của Ferrari, Luca di Montezemolo, và giải thích tình hình: "Không có cái xe thì Ibra nó không ký đâu".
Tay chủ Ferrari suy nghĩ: "Khó phết đấy, nếu như không muốn nói là không thể". Nhưng rốt cuộc tôi cũng có được chiếc xe tuyệt diệu này, với một điều kiện: tôi phải hứa không bao giờ bán nó.
"Tôi sẽ giữ chiếc xe của quý vị cho đến khi tôi chết," tôi hứa, và hứa một cách chân thành. Tôi yêu chiếc xe ấy vô cùng.
Helena không thích tôi lái chiếc Enzo chút nào, nó quá hoang dã và hầm hố so với phong cách của cô ấy. Nhưng tôi thì phát điên với nó. Nó quá đẹp, đẹp từ trong ra ngoài và trên hết là nhanh nữa.
Tôi nhìn món quà hậu hĩnh mà Juve tặng mình, lòng thầm hứa sẽ cố đá thật tốt và thật tốt. Tôi thậm chí còn nghĩ nếu chơi không hay, dám Juve sẽ đòi lại chiếc xe lắm. Tất nhiên là không có chuyện đó rồi, nhưng chiếc Enzo đã trở thành một dạng động lực để tôi phấn đấu.
Cứ mỗi lần cần động lực trước đây tôi lại đi xăm mình. Xăm bị nghiện đấy, tôi khuyên bạn suy nghĩ kỹ trước khi quyết định xăm hình đầu tiên.
Với tôi, hình xăm là một dạng ma túy. Tôi lúc nào cũng muốn xăm những thứ mới mẻ lên người. Có khi vừa xăm xong một hình mất nhiều tiếng đồng hồ, tôi ngay lập tức đã nghĩ về những hình xăm mới. Hình xăm đầu tiên của tôi chính là tên tôi, từ hông này qua hông kia, xăm mực trắng, nó chỉ hiện lên khi tôi đi phơi nắng và da sạm lại.
Sau đó tôi xăm những thứ kích động hơn. Hình xăm thứ 2 là hàng chữ "Chỉ Chúa mới được phán xét tôi". Đúng vậy, họ có thể viết bất cứ thứ gì họ thích trên báo. Mọi người có thể la ó miệt thị bất cứ lời lẽ nào trên sân. Nhưng phán xét tôi chỉ có Chúa mà thôi. Sau đó tôi có xăm thêm một con rồng. Trong văn hóa Nhật Bản rồng là biểu tượng của chiến binh, mà tôi là một chiến binh đích thực.
Hình xăm tiếp theo là một con cá chép, một biểu tượng của nhà Phật để chống lại sự căng thẳng, mệt mỏi. Tôi cũng xăm gia đình mình, đàn ông trong gia đình xăm bên phải, còn phụ nữ thì bên trái. Bên trái là nơi của trái tim, nơi tôi dành cho mẹ tôi, người chị cùng mẹ khác cha đã rời xa gia đình. Nhưng tất cả đều là người thân, là máu thịt của mình. Bạn có thể từ bỏ tất cả, trừ gia đình mình.
Serie A thường được giải quyết vào mùa xuân. Khi ấy cục diện của BXH thường rất rõ ràng, có một nhóm vượt lên hẳn so với phần còn lại. Nhưng năm nay thì cuộc đua diễn ra hết sức quyết liệt.
Chúng tôi lẫn Milan đều có 70 điểm, tất nhiên báo chí viết rất nhiều về cuộc cạnh tranh này. Ngày 8/5 chúng tôi gặp nhau tại San Siro, nó giống như là một trận chung kết vậy.
Khi ấy người ta đặt nhiều niềm tin vào Milan, Milan của Kaka và Andriy Shevchenko. Cầu thủ giỏi là một chuyện, lượt đi ngay tại Delle Alpi họ đã cầm hòa chúng tôi 0-0. Nhiều người còn xem Milan là đội bóng hay nhất châu Âu vào lúc ấy. Cũng trong mùa xuân ấy, Milan đã lọt vào tới trận chung kết Champions League. Nói chung mọi thứ đều chống lại chúng tôi. Đã vậy chuyện còn tệ hơn sau khi chúng tôi đá với Inter.
Hôm ấy là 20/4, chỉ vài ngày sau khi tôi lập cú hat-trick vào lưới Lecce. Tôi được khen ngợi nhiều và Mino cảnh báo là Inter sẽ "chăm sóc" tôi rất đặc biệt. Tôi là ngôi sao và Inter không muốn thấy tôi tỏa sáng. "Muốn sống sót, mày phải chơi hay gấp đôi bình thường, nếu không mày chết chắc," Mino nói.
"Yên chí đi. Hãy xem tôi hạ bọn họ".
Nhận được sự hậu đãi, Ibra càng quyết tâm thi đấu cho Juventus
Tất nhiên là tôi rất hồi hộp. Giữa Inter và Juve là một mối thù truyền kiếp. Năm ấy Inter cũng có một hàng hậu vệ rất mạnh. Một trong số đó là Marco Materazzi. Trong lịch sử Serie A chưa có cầu thủ nào nhận nhiều thẻ đỏ hơn gã này.
Materazzi sẵn sàng chơi rắn và dùng tiểu xảo. Sau đó một năm tên tuổi của Materazzi đã vang dội sau cú húc đầu của Zinedine Zidane trong trận chung kết World Cup. Cho đến bây giờ, người ta vẫn còn tự hỏi: Materazzi đã phun ra những lời khủng khiếp gì đến mức một tay lão luyện như Zidane phải mất bình tĩnh như vậy. Ở Italia người ta cũng gọi Materazzi là tên chặt thịt.
Inter còn có Ivan Cordoba, một hậu vệ người Colombia, không cao nhưng người chắc nịch. Rồi Sinisa Mihajlovic nữa. Mihajlovic người Serbia, có thể khiến mọi tiền đạo đối thủ cảm thấy như bước vào chiến tranh Balkan.
Sau đó tôi và Mihajlovic trở thành bạn với nhau tại Inter, tôi đến với bạn không bao giờ nhìn vào xuất xứ hay quá khứ. Chơi được thì chơi thôi. Chả phải nhà tôi cũng là một sự hỗn độn đấy sao? Bố người Bosnia, mẹ người Croatia, đứa con trai riêng của mẹ thì có bố người Serbia. Gốc gác có là gì đâu chứ.
* Cuộc quyết chiến với Inter của Ibra và đồng đội diễn ra cực kỳ căng thẳng. Ibra đã “dính đòn”. Mời các bạn đón đọc Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 31) vào 7h sáng thứ Hai 30/12.