Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 2)
Vẫn cách kể chuyện chân thực, Ibrahimovic không ngần ngại phơi bày những “bí mật” ở sân Nou Camp.
Cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan" là một hiện tượng ngay khi vừa ra đời. Với lối viết phóng túng, cách kể chuyện lôi cuốn và nội dung đi thẳng vào thực tế những gì Zlatan đã trải qua, cuốn sách đã bán hơn 700.000 bản chỉ riêng ở Thụy Điển và được đề cử giải văn học. Được phát hành rộng rãi ở 15 quốc gia, "Tôi là Zlatan" được đánh giá là cuốn tự truyện hay nhất, chân thật nhất và sống động nhất từng được viết bởi một cầu thủ bóng đá. Được nhà văn, nhà báo David Lagercrantz chấp bút, cuốn sách càng có một lối kể chuyện đậm chất văn học. Xin lần lượt gửi đến bạn đọc lược trích 1 số nội dung của cuốn sách này. Tự truyện "Tôi là Zlatan" được đăng vào các sáng thứ Hai và thứ Năm hàng tuần. |
Phần 2: Trò “dìm hàng” của Messi
Một cơn mưa tuyết kéo đến. Cứ như là người Tây Ban Nha chưa hề thấy tuyết trước đây vậy, đặc biệt là ở ngọn đồi phía trên Barcelona mà tôi sống. Xe hơi cứ bang hết bên trái lại sang bên phải. Mino, tên mập đần độn - chính xác là tên mập đần độn tuyệt vời để bạn không hiểu lầm ý tôi - đang ngồi cạnh tôi, rúm ró như một con cún trong đôi ủng mùa hè và một chiếc áo khoác mỏng.
Hôm ấy suýt nữa là 2 gã chúng tôi đã tiêu đời. Lúc lao xuống một con dốc thì chúng tôi hoàn toàn mất kiểm soát và xe đâm vào một bức tường đá. Toàn bộ phần bên phải xe hư hại nghiêm trọng. Với thời tiết như vậy, việc va quẹt xe là bình thường, nhưng không ai bị nặng như tôi cả. Thấy mình vừa hút chết, tôi quay sang nhìn Mino và cả hai đã cười như điên. Đấy là một trong những giây phút vui vẻ thật sự hiếm hoi từ khi sang Barca.
Messi không chịu kém Ibra
Nhưng niềm vui ấy đâu có kéo dài lâu bởi Messi bắt đầu mở mồm nói chuyện. Messi là một siêu cầu thủ, một thiên tài không thể tin được. Nhưng chúng tôi có những tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Messi đến đây khi mới 13 tuổi và lớn lên trong văn hóa của CLB. Gã hoàn toàn hòa nhập với "ngôi trường" này. Lối chơi của đội bóng xoay quanh Messi, một điều cũng rất tự nhiên. Nhưng bây giờ tôi đã đến và ghi bàn nhiều hơn gã. Thế là gã đến và nói với Guardiola thế này:
"Tôi không muốn chơi bên cánh phải nữa, cánh trái cũng không. Tôi muốn được vào trung lộ".
Trung lộ chính là vị trí của tôi. Nhưng Guardiola chả mảy may quan tâm. Hắn đổi chiến thuật từ 4-3-3 sang 4-5-1 với tôi ở trên cùng và Messi ngay phía sau. Thế là mọi ánh sáng chiếu rọi vào Messi, còn tôi thì chìm trong bóng tối. Mọi đường bóng từ thời điểm ấy đều đi qua chân Messi, còn tôi thì không thể chơi thứ bóng đá của mình. Đứng trên sân, tôi cần phải tự do như một cánh chim. Tôi là mẫu cầu thủ cầu thủ luôn muốn tạo ra khác biệt và cần không gian cho việc ấy. Nhưng Guardiola đã hy sinh tôi. Đấy là sự thật. Hắn quẳng tôi vào chiếc lồng rồi khóa lại.
TỰ TRUYỆN "TÔI LÀ ZLATAN" Xin tặng cuốn sách này cho gia đình và bạn bè tôi, cho những ai đã ở cạnh tôi, vào những ngày vui, cũng như những ngày buồn. Cũng xin tặng sách này cho những đứa trẻ ngoài kia, những em cảm thấy mình khác biệt và không thể hòa nhập với cuộc sống. Với những em ấy, tôi xin cho một lời khuyên: Hãy cứ khác biệt đi, hãy là chính mình. Tôi đã sống như thế, và đã thành công. |
OK, tôi hiểu cho hắn. Messi là ngôi sao mà. Hắn phải lắng nghe ý nguyện của gã lùn. Nhưng nào, tôi đã ghi hết bàn này đến bàn nọ cho Barca, tôi cũng đỉnh mà. Hắn đâu thể buộc cả đội bóng phải thay đổi cách chơi chỉ vì gã lùn. Nếu vậy thì hắn mua tôi làm gì? Chả có ai bỏ ra số tiền khủng như vậy cho một con tốt thí cả. Guardiola buộc phải nghĩ về cả 2 chúng tôi chứ.
Sau cuộc thay đổi ấy, bầu không khí trong đội dần trở nên căng thẳng. Tôi là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay nhưng tôi lại không cảm thấy thoải mái khi đứng trong đội. Txiki Begiristain, Giám đốc thể thao, yêu cầu tôi đến nói chuyện với Guardiola:
"Zlatan, giải quyết vấn đề của mình đi!"
Bạn bè tôi cũng nói: "Zlatan, với trường hợp của mày, tao thấy giống như Barca mua một chiếc Ferrari, nhưng lại lái nó như một chiếc Fiat vậy". So sánh hay ghê, rõ ràng Guardiola đang biến tôi thành một cầu thủ đơn giản hơn và tệ hơn. Chính cả đội sẽ bị thiệt thòi về việc ấy. Thế là tôi tiến đến Guardiola, cố giữ tâm trạng hết sức bình tĩnh và nói:
"Tôi không muốn xung đột. Tôi không muốn chiến tranh. Tôi chỉ muốn thảo luận một chút thôi".
Guardiola gật đầu, nhưng trông bộ dạng có vẻ hơi sợ sệt, nên tôi lặp lại:
"Nếu ông nghĩ tôi đến để đánh nhau thì tôi sẽ lập tức đi ngay. Tôi chỉ muốn nói chuyện thôi".
"Ừ, ổn thôi! Tôi cũng thích thảo luận với cầu thủ của mình".
"Vậy nghe nhé," tôi tiếp tục. "Ông đang khai thác không đúng khả năng của tôi. Nếu chỉ cần một người ghi bàn, lẽ ra ông nên mua Inzaghi, hay ai đó khác chứ. Tôi cần khoảng trống, tôi phải tự do. Tôi đâu thể chạy lên chạy xuống liên tục, tôi nặng đến 98 kg, tôi không có năng lượng cho việc ấy".
Guardiola làm ra vẻ trầm ngâm, hắn lúc nào cũng vậy.
"Nhưng tôi cứ nghĩ là cậu có thể đá được như thế".
"Không, thà dự bị còn hơn. Tôi hiểu tình thế của ông, nhưng ông đang hy sinh tôi cho những cầu thủ khác. Không ổn đâu. Giống như mua một chiếc Ferrari chỉ để lái như chiếc Fiat vậy," tôi nhại lại nhận xét của bạn mình.
"Chiến tranh lạnh" bắt đầu
Hắn lại trầm ngầm.
"OK, có thể tôi đã sai lầm. Để tôi giải quyết".
Tôi vui vẻ ra về với niềm tin Guardiola sẽ giải quyết nó.
Nhưng ôi thôi, tôi đâu ngờ cuộc gặp gỡ ấy là khởi nguồn của một cuộc chiến tranh lạnh. Guardiola không còn nhìn mặt tôi nữa. Nhưng bỏ qua những chi tiết ấy, tôi tiếp tục chơi bốc và ghi thêm nhiều bàn. Những bàn ấy không đẹp như thời ở Italia vì tôi lúc nào cũng bám vòng cấm. Ibracadabra của Serie A không còn nữa, nhưng hiệu suất ghi bàn thì vẫn cao.
Trước Arsenal tại sân Emirates, chúng tôi lấn át đội chủ nhà hoàn toàn. Sân vận động như sôi sục. 20 phút đầu tiên thật tuyệt vời, tôi ghi 1, rồi 2 bàn, toàn bàn đẹp. Tôi nghĩ: Mặc xác Guardiola! Tôi sẽ đi con đường của riêng mình. Nhưng bạn biết sao không? Hắn thay tôi ra, Arsenal gỡ hòa 2-2. Xui xẻo hơn nữa là tôi chấn thương đùi ngay sau trận ấy. Thông thường thì một HLV phải quan tâm đến chấn thương của cầu thủ mình. Zlatan mà chấn thương thì đấy phải là chuyện lớn ở mọi đội bóng. Nhưng Guardiola lạnh như băng, không nói một lời suốt 3 tuần tôi ngồi ngoài. Xã giao theo kiểu: "Ổn chứ Zlatan? Chơi trận tiếp theo được chứ" cũng không có.
* “Chiến tranh lạnh” giữa Zlatan Ibrahimovic và Pep Guardiola đã bị đẩy lên cao trào, để rồi “cơn điên” của tiền đạo người Thụy Điển bùng phát đến không ngờ. Mời các bạn đón đọc Tự truyện gây "sốc" của Ibrahimovic (Kỳ 3) vào 14h thứ Năm 24/10.