Từ trận thua đậm của U-19 VN: No dồn đói góp
U-19 Thái Lan đè bẹp U-19 Việt Nam 6-0 trong trận chung kết giải Đông Nam Á đã nói thay một sự khác biệt rất lớn về đẳng cấp giữa hai đội.
Giới chuyên môn không khó nhìn ra nguyên nhân về sự khác biệt này như đã từng xảy ra ở nhiều giải quốc tế trước đây. Từ giải vô địch Đông Nam Á đến vòng loại châu Á, các đội trẻ của Việt Nam luôn tập trung một thời gian dài trước khi tham dự giải, theo kiểu “no dồn đói góp”.
Mỗi năm các đội trẻ Việt Nam từ lứa U-17 cho đến U-21 thông thường chỉ đá cao nhất là bảy trận, thời gian còn lại là tập chay. Nếu đội may mắn lọt vào vòng chung kết và đi đến trận cuối cùng thì có thêm năm trận nữa. Vì thế, khi đội tuyển U-19 Việt Nam tập trung chuẩn bị giải Đông Nam Á, thời gian cho thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn là một tháng.
Đây là một quãng thời gian quá dài cho một giải đấu nhưng lại quá ngắn cho việc xây dựng một tập thể ăn ý và rèn luyện, mài giũa nhiều mảng miếng.
Cách tập trung và chuẩn bị của các đội trẻ Việt Nam lâu nay vẫn thế. Năm 2009, U-19 của HLV Triệu Quang Hà từng hội quân ở Thành Long 45 ngày trước khi sang Thái Lan dự vòng loại châu Á. U-16 của HLV Hoàng Văn Phúc cũng có gần hai tháng để tham dự vòng loại châu Á…
U-19 Thái Lan vô địch Đông Nam Á xứng đáng nhờ dàn cầu thủ trẻ nhưng dày dạn kinh nghiệm
Chính cái sự gom quân theo kiểu đến hẹn lại lên đã nảy sinh nhiều vấn đề ngoài chuyên môn. Cầu thủ trẻ tập trung quá lâu sẽ cảm thấy bị ức chế, khó giải tỏa về mặt tâm-sinh lý. Ai cũng ngán cái vòng luẩn quẩn “sáng ra sân bóng - trưa về bốn bức tường khách sạn - chiều lại ra sân - tối về nằm trong phòng” nhưng không dám nói.
Trong khi đó, U-19 Thái Lan đều là những cầu thủ đang khoác áo CLB đá Thai-League. Chẳng hạn, vua phá lưới Worachit đang khoác áo đội 1 của CLB Chonburi. Chân sút Anon ghi cú đúp vào lưới U-19 Việt Nam ở trận chung kết đêm 4-9 đang khoác áo CLB mạnh Buriram, hay Ritthidet đang đá cho Phan Thong.
Cầu thủ số 10 chơi nổi bật là Sasern đang khoác áo CLB BEC Tero là đồng đội của “Messi Thái” - Channatip. Adisak đang khoác áo Osotspa, thủ môn Chakhon đến từ Chonburi… Còn lại nhiều cầu thủ khác đến từ học viện của các CLB.
Chỉ cần những cầu thủ U-19 Thái Lan này nằm trong danh sách dự bị trong đội 1 nhưng sinh hoạt, tập luyện và ra sân “ghép” bên cạnh những đàn anh thì họ sẽ nhanh chóng tiến bộ.
Ngược lại, U-19 Việt Nam tham dự giải này, nòng cốt là lứa PVF vô địch U-19 quốc gia (tám cầu thủ) nhưng PVF chẳng có đội đá V-League. Ngay cả tiền đạo Đức Chinh có “chân tiền” rất hay mà khi chạm mặt cầu thủ Thái Lan thì mất hút.
Những khác biệt về cách thức đào tạo và thi đấu cầu thủ trẻ của hai nền bóng đá dẫn đến một kết quả đáng buồn cho thầy trò Hoàng Anh Tuấn.
Vua phá lưới giải U-19 Đông Nam Á, đội trưởng U-19 Thái Lan Worachit hiện nay đang khoác áo CLB Chonburi chơi ở Thai-League. Worachit sớm trở thành trụ cột của U-19 Thái Lan khi mới sắp sửa 18 tuổi Tiền vệ này trưởng thành từ học viện của Chonburi năm 2009. Khi CLB Leicester City ở giải Ngoại hạng Anh thuộc về tay tỉ phú Vichai, người Thái Lan thì Worachit đã được sang CLB này học bóng đá một thời gian. Worachit là một trường hợp điển hình cùng nhiều cầu thủ U-19 Thái Lan khác vừa đăng quang giải vô địch U-19 Đông Nam Á. Họ được trui rèn bản lĩnh tại Thai-League khi chơi bên cạnh những đàn anh ở giải đấu chất lượng. |