Từ thất bại của U23 Việt Nam, trở về với thực tại V.League
Người hâm mộ có thể tiếc nuối vì U23 Việt Nam đã không thể lập lại kỳ tích Thường Châu 2 năm trước, nhưng đó là kết quả đã được dự báo trước. Chuỗi trận ấn tượng cùng HLV Park Hang-seo trong 2 năm qua đã khiến mọi người quên đi thực tại của bóng đá Việt Nam, với nền tảng là những CLB thiếu đầu tư bài bản, có hệ thống.
Những CLB không đội trẻ
Truyền thông châu Á gọi chuỗi thành tích rực rỡ của các đội tuyển Việt Nam trong 1 năm qua là "phép màu Park Hang-seo". Trước khi thầy Park đến với bóng đá Việt Nam, tên tuổi đội bóng vốn chìm nghỉm trong biển thông tin về bóng đá quốc tế. Chỉ đôi lúc, cái tên Việt Nam hay V.League mới được xướng lên thông qua những phát ngôn mang đầy tính châm chọc của Jose Mourinho. Sự thật này có thể khó chấp nhận, nhưng nó mang một sự thật: Bóng đá Việt Nam vẫn ở vùng trũng của thế giới.
Trong những ngày thăng hoa cùng ĐT Việt Nam, HLV Park Hang-seo vẫn rất thực tế khi nhận xét về các cầu thủ. Việc bị loại ngay từ vòng bảng U23 châu Á 2020 càng cho thấy thầy Park, và các HLV ngoại đời trước đã nói đúng về ĐT Việt Nam. Bóng đá nước nhà cần có lộ trình phát triển bài bản. Nhưng các CLB, các ông bầu thường phớt lờ điều đó. Minh chứng rõ nhất là việc CLB Hà Nội bị truất quyền thi đấu tại AFC Cup 2020.
Phải mất 1 thập niên kể từ ngày Bình Dương lọt vào bán kết AFC Cup, một đội bóng Việt Nam mới tiếp tục thi đấu ấn tượng ở đấu trường châu lục cấp CLB. Nhưng sau thành tích lọt vào trận chung kết liên khu vực ở AFC Cup mùa giải vừa rồi, CLB Hà Nội gây bất ngờ bằng việc không đủ tiêu chuẩn tham dự đấu trường châu Á mùa tới. Lý do khá khó tin: đội Hà Nội không có đủ các đội trẻ theo tiêu chuẩn của AFC, nên bị phạt cấm tham gia giải đấu.
Cụ thể hơn, AFC quy định các đội muốn tranh tài ở AFC Cup phải có đội trẻ tham dự ít nhất 4 giải đấu cấp quốc gia, bao gồm giải U15 và U17.
Tuy nhiên trong năm vừa rồi, CLB Hà Nội không dự giải U15 quốc gia nên bị loại. Tình cảnh tương tự cũng từng xảy ra với CLB Quảng Nam trong năm 2017, khi họ vô địch V.League nhưng không được đá AFC Cup vì không có đội U17. Nhưng có thực sự là CLB Hà Nội, một trong những đội bóng chuyên nghiệp nhất Việt Nam, lại không có đội trẻ kế cận cho lứa Quang Hải, Hùng Dũng... trong tương lai?
Câu lạc bộ Hà Nội mất suất dự AFC Cup trong thời gian vừa qua.
Trên thực tế là CLB Hà Nội có đội U15, nhưng trong năm vừa rồi họ lại cho CLB Sài Gòn "mượn" để tranh tài ở giải U15 quốc gia. Mục đích của việc này là nhằm giúp CLB Sài Gòn đủ tiêu chuẩn tham dự V.League, bởi đây vốn là một đội bóng hình thành theo kiểu "xây nhà từ nóc".
Tiền thân của CLB Sài Gòn là đội trẻ Hà Nội, từng mang tên CLB Hà Nội nhưng phải Nam tiến trong vài năm gần đây. Không ít cầu thủ của CLB Hà Nội như Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng... từng thi đấu cho CLB Sài Gòn trước khi trở lại "đội một".
Một đội bóng khác vừa thăng hạng lên V.League là CLB Hà Tĩnh cũng có nòng cốt là những cầu thủ thuộc đội trẻ Hà Nội.
Qua câu chuyện mới được HLV Phạm Minh Đức chia sẻ trên sóng truyền hình ít ngày qua, người hâm mộ bóng đá mới biết rõ thêm về tình hình của những đội bóng không đội trẻ đang tranh tài ở V.League. Bên cạnh cái tên tai tiếng một thời là Sài Gòn Xuân Thành, nhiều đội bóng hạng dưới thời gian qua cũng cố mượn cầu thủ từ các đội khác để tham dự cho đủ quân số.
Cơ sở vật chất nghèo nàn
Bên cạnh công tác đào tạo trẻ, việc đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất cũng bị nhiều đội bóng bỏ qua. Mới đây, VFF đã phải cấp phép đặc biệt cho 4 đội bóng Hải Phòng, Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An và Nam Định quyền tham dự V.League 2020 dù họ không đạt chuẩn. Lý do bởi cả 4 CLB này đều không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về cơ sở vật chất. Đổi lại việc được đặc cách tham dự, họ phải cam kết đề ra lộ trình nâng cấp sân bãi, trang bị thêm vật dụng cần thiết. Nhưng liệu các CLB có thực hiện đúng những cam kết đó hay không?
Câu chuyện về CLB Hải Phòng những năm gần đây sẽ trả lời cho điều đó. Sân Lạch Tray xấu, đầy ổ gà, ông chủ tịch đội bóng nói đấy là mặt sân kiểu "xôi đỗ". Cầu thủ Hải Phòng ít khi nào dám kêu ca phàn nàn về điều đó, chỉ có HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh sau ngày rời đội bóng thành phố Cảng mới dám nói: "Ít khi nào tôi dám cho thủ môn tập bay người bắt bóng trên sân vì sân xấu, bay người dễ... gặp chấn thương".
Lạch Tray không phải sân bóng duy nhất có vấn đề. Mùa giải trước, sân Thiên Trường từng lâm vào sự cố có một không hai tại V.League, khi hai đội đang thi đấu dưới giàn đèn chiếu sáng thì bỗng dưng... mất điện. Thậm chí ngay cả sân Hàng Đẫy cũng có thời gian phải rào kín một số khu vực của khán đài, không cho CĐV ngồi bởi lo sợ nó có thể sập bất cứ lúc nào.
Với cách đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu bài bản ở hệ thống đào tạo trẻ lẫn cơ sở vật chất, bóng đá Việt Nam còn cách rất xa hai chữ chuyên nghiệp. Vì thế, những thành công HLV Park Hang Seo mang lại trong 2 năm qua chỉ mang tính nhất thời. Không sớm thì muộn, sau khi thế hệ vàng hiện tại bước qua thời kỳ đỉnh cao, chúng ta lại phải chứng kiến những bước thụt lùi thay vì mơ đến World Cup.
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ nhà Thái Lan vẫn chưa hết hậm hực với thất bại 0-1 trước U23 Saudi Arabia.