Từ Shelvey đến chuyện những người 2 mặt
Người ta rồi sẽ còn nhắc nhiều về chàng tiền vệ Jonjo Shelvey sau trận hòa giữa Liverpool và Swansea mới đây.
Jonjo Shelvey không phải là siêu sao xuất chúng, cũng chẳng có nét đẹp trai đến nỗi mới nhìn là có chị em Việt muốn... mời về Việt Nam, nhưng anh đã làm một điều mà hiếm có ai làm được: góp mặt trong tất cả các bàn thắng ở phần sân bên này lẫn... bên kia.
Đầu tiên là Shelvey mở tỷ số. Sau đó từ người hùng anh biến thành “tội đồ” khi chuyền hỏng 2 đường bóng, tạo điều kiện cho Liverpool ghi liền 2 bàn. Sau đó từ “tội đồ”, anh chuyển lại thành người hùng khi kiến tạo cho Michu ấn định tỷ số 2-2.
Thông thường thì 1 trận tầm vóc cỡ Swansea - Liverpool sẽ không được quá nhiều người chú ý. Nhưng trên mạng xã hội hôm ấy thì tràn ngập những lời bình luận bởi màn thể hiện có một không hai của Shelvey. Người thì bảo: "Ghi 1 bàn, kiến tạo 3 bàn, Shelvey là nhất". Người thì nói: "Shelvey khiến cho mấy người làm game lẫn chơi game fantasy đều đau đầu (vì không biết chấm điểm anh thế nào cho phải đạo)”… Càng thú vị khi Shelvey chính là cựu cầu thủ của Liverpool. Anh đã vượt qua những cái tên sừng sỏ như Gerrard, Michu, Sturridge để trở thành ngôi sao... duy nhất của trận đấu.
Những thể hiện kiểu đó khiến chúng ta nhớ về những con người 2 mặt, tức là vừa là người hùng (hero), vừa là “tội đồ” (villian). Trong bộ phim kinh điển The Dark Knight có nhân vật Two Faces theo dạng này, ở anh pha trộn sự công bình của một quan tòa và sự tàn nhẫn của một anh chị xã hội đen.
Shelvey là nhân vật chính ở cả 4 bàn thắng trong trận Swansea gặp Liverpool
Mà nói đâu xa, ngay tại Việt Nam mình cũng có những con người được nhìn nhận từ góc độ 2 bộ mặt như thế. Qua nhiều thăng trầm của thời gian, nhiều quyết định của một số nhân vật lịch sử vẫn bị “dò xét” dưới nhiều góc độ khác nhau. Cho đến giờ, người ta vẫn tranh cãi bất tận về chuyện công và tội của nhân vật lịch sử như Hồ Quý Ly...
Từ cuộc sống xã hội hãy cùng quay ngược lại... bóng đá. Đội U19 đang đá rất hay và tạo ra rất nhiều hân hoan, chờ đợi. Nhưng nhớ lại năm nào U16 cũng gây nức lòng như thế. Để rồi một vài cá nhân ưu tú vụt sáng từ thời ấy đã không thể giữ mình mà dính vào đường dây dàn xếp tỷ số. Không nói tên nhưng có lẽ mọi người cũng nhớ là ai. Từ yêu thương chuyển sang ghét bỏ, rồi trở ngược lại thông cảm, yêu thương khi anh vẫn đá bóng, muốn được vượt lên chính mình, ra sân thỉnh thoảng ghi 1 siêu phẩm, dù vòng bụng của anh vẫn phát tướng. Trong bóng đá mọi thứ, thay đổi rất nhanh như thế.
Từ bóng đá, người ta lại liên tưởng đến những vấn đề xã hội. Khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rơi vào những cơn ngập úng khủng khiếp, bên cạnh ca ngợi tài tiên tri bậc thầy của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Phố bỗng thành dòng sông uống quanh - bài Em còn nhớ hay em đã quên), hay Lam Phương (Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh - Kiếp nghèo) người ta còn nhớ ra là có những người làm trong lĩnh vực thoát nước lĩnh lương đến hàng tỷ đồng/năm. Đôi khi chúng ta vẫn nghe có kỷ luật người này người nọ, cảnh cáo nhân vật này kia, nhưng rốt cục mưa xuống thì nước vẫn tràn, Hà Nội và Sài Gòn lại trở thành Venice. Riêng những nhân vật này thì có lẽ chỉ có một mặt thôi, chứ đâu có được 2 mặt như... Shelvey dễ thương.