Từ Madrid đến London: Sự dịch chuyển vương quyền
Trong nền bóng đá đương đại, những đội bóng lớn và mạnh nhất của quốc gia thường có xu hướng hội tụ ở thủ đô nước đó.
Xứ bò tót là nơi chúng ta có thể thấy rõ nhất khẳng định trên. Ở Tây Ban Nha, Real và Atletico là những đội bóng hàng đầu của thủ đô Madrid cũng như của La Liga. Gã khổng lồ còn lại là Barcelona thì đại diện cho xứ Catalunya - khu tự trị luôn đấu tranh đòi tách ra để lập đội tuyển riêng.
2 nhà đương kim vô địch và á quân châu Âu, Real và Atletico, đại diện cho thủ đô Madrid
Real và Barca thay nhau thống trị Liga và mới đây có thêm sự gia nhập của Atletico. Cả 3 đều là những đội bóng có tiềm lực kinh tế vững chắc nhờ sự hậu thuẫn khổng lồ của thành phố sở tại.
Ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, tình hình cũng không khác là bao. Chelsea đang độc chiếm và vững vàng ở ngôi đầu Premier League trong khi các đại diện khác của thành London là Arsenal và Tottenham cũng nằm trong tốp dẫn đầu.
Kể cả khi MU thịnh vượng nhất dưới thời Sir Alex hay sự thăng tiến vượt bậc của Man City nhờ những đồng tiền dầu mỏ, luôn có ít nhất 1 đại diện của thủ đô chen chân vào cuộc đua tới chức vô địch. Ở chiến dịch 2014-15, London đóng góp 6 trong tổng số 20 đại diện của Premier League (Arsenal, Chelsea, Tottenham, Crystal Palace, West Ham và QPR).
London đóng góp nhiều đại diện tại Premier League nhất
London cũng là đầu não của bóng đá xứ sương mù, nơi đặt trụ sở của liên đoàn bóng đá Anh (FA) cũng như sân vận động Wembley - biểu tượng và là sân nhà của đội tuyển Tam Sư. Các cơ quan của giải Ngoại hạng cũng như Championships (hạng Nhất) cũng được đặt tại khu vực trung tâm gần Marble Arch.
Nếu nhìn sang Pháp, bạn sẽ hình dung rõ hơn sự dịch chuyển của vương quyền. Trước năm 2011, Paris luôn chỉ đóng góp duy nhất 1 đại diện là PSG cho Ligue 1. Và đội bóng thủ đô này thường thi đấu bết bát và lặn ngụp ở giữa bảng xếp hạng.
Nhưng kể từ khi có sự xuất hiện của các tỷ phú đến từ Qatar, PSG ngay lập tức đưa Pháp thoát khỏi sự “kiểm soát” của bộ đôi giàu truyền thống Lyon và Marseille. Đội chủ sân Công viên các hoàng tử đăng quang đầy thuyết phục 2 năm liên tiếp nhờ một đội hình vượt trội toàn ngôi sao.
Các tỷ phú thường đầu tư vào các đội bóng ở thủ đô hay ở các thành phố lớn
Đội bóng của Công quốc Monaco - “quốc gia” nhỏ bé thứ 2 của châu Âu sau Vatincan - cũng thay đổi chóng mặt nhờ sự hậu thuẫn của tỷ phú người Nga Dmitry Rybolovlev. AS Monaco đang là nhà đương kim á quân nước Pháp và còn lọt vào vòng knock-out Champions League.
Ở 2 giải vô địch quốc gia hàng đầu khác là Đức và Italia, tình hình có vẻ khác bởi sự xuất hiện của những đội bóng giàu truyền thống như Bayern Munich hay Juventus. Hertha Berlin chỉ là đội trung bình yếu ở Bundesliga nhưng AS Roma và Lazio đều nằm trong tốp đầu tại Serie A.
AC và Inter – đại diện cho kinh đô Milan – đang tụt dốc nhưng vẫn là những đội bóng lớn của nước Ý. Xuyên suốt châu Âu, nếu các CLB hàng đầu không tập trung ở thủ đô thì cũng là những thành phố rộng lớn nhất của nước đó.
Đó là Ajax (Amsterdam) của Hà Lan, Benfica và Sporting (Lisbon) của Bồ Đào Nha, CSKA và Dynamo (Moscow) của Nga hay Basel, Zurich của Thụy Sỹ.