Từ khi Mourinho ra đi, Chelsea vẫn chưa “ngóc đầu lên”
Đã hơn một tháng kể từ ngày Jose Mourinho bị sa thải, Chelsea mới chỉ có sự cải thiện phần nào dưới thời Guus Hiddink chứ chưa tìm ra lối thoát thực sự.
Tin vui cho Chelsea là họ đã bất bại kể từ khi Guus Hiddink thay Jose Mourinho vào một ngày tháng 12 năm 2015. Tin xấu là 10 điểm từ 6 trận đã qua có lẽ không phải là một sự khởi đầu lý tưởng giúp họ thu hẹp khoảng cách với tốp 4 mà số điểm ít giờ vẫn mênh mông 14 điểm.
FA Cup là mục tiêu lớn nhất, trừ khi bằng cách nào đó “The Blues” vô địch Champions League nếu không việc thay đổi HLV giữa dòng cũng chẳng thể cứu vãn mùa giải.
Chelsea khó có cửa vào tốp 4 với phong độ hiện tại
Trong kỷ nguyên Premier League, Chelsea là nhà vô địch sụp đổ nhanh chưa từng thấy. Khi một đội bóng đi chệch hướng, giải pháp đơn giản nhất là sa thải HLV. Mourinho đã trở thành “vật tế thần” vì phòng thay đồ Chelsea loạn.
Nhưng tại sao sau khi Mourinho ra đi, Chelsea vẫn lẹt đẹt ở nửa dưới BXH Premier League, lối chơi cũng chưa thấy gì thật mới mẻ? Có những lý luận cho rằng các HLV không hề giữ vai trò quan trọng trong bóng đá.
Trong cuốn Why England Lose (Tại sao ĐT Anh thất bại), Simon Kuper và Stefan Szymanski cho rằng, trong 10 năm bắt đầu từ 1998, tổng tiền lương của một CLB chiếm 89% tới thứ hạng trung bình trên BXH. Cuốn The Numbers Game (Trò chơi những con số) xem xét thập niên từ 2001/02 đến 2010/11 và kết luận rằng nhiều nhất thì HLV chiếm 19% trong việc CLB cán đích ở đâu cuối mùa.
Từ đó, bài học rút ra là một CLB nên tập trung chi tiền cho việc mua sắm cầu thủ hơn là HLV. Chelsea nhận hệ lụy xấu chính từ công tác chuyển nhượng sai lầm mà Mourinho nếu có thì chỉ ở thế bị động.
Mourinho là vật tế thần khi Chelsea chệch hướng
Trong lịch sử, chỉ có 4 HLV là Tom Watson, Herbert Chapman, Brian Clough và Kenny Dalglish) giành chức vô địch nước Anh với nhiều hơn 1 CLB. Mourinho 2 lần đưa Chelsea lên đỉnh vinh quang nhưng tổng số HLV vô địch với CLB này có 3 người Ted Drake, Mourinho và Carlo Ancelotti.
Bề dày truyền thống và danh hiệu của MU ăn đứt Chelsea nhưng số người đưa “Quỷ đỏ” tới những chức vô địch cũng chỉ là 3 HLV gồm Ernest Mangnall, Matt Busby, Alex Ferguson, bằng với Chelsea.
Các đội bóng lắm tiền nhiều của có thể thuê HLV giỏi hơn cũng như có thể chiêu mộ cầu thủ giỏi. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là chi tiêu tiền lương cho các cầu thủ bởi điều đó sẽ có ảnh hưởng mạnh tới phong độ của họ. Chất lượng của HLV cũng được thể hiện thông qua đó.
Mourinho trong nhiệm kỳ 1 và 2 đều chi tiêu rất tốn kém cho khâu mua sắm. Những cầu thủ giỏi được hậu đãi sẽ giúp Chelsea chơi tưng bừng. Đến mùa giải thứ 3 của thì ông ít được đầu tư hơn và đội bóng không còn duy trì sức mạnh, có thể hiểu là thụt lùi so với các đối thủ.
Đó cũng là lý do tại sao Mourinho thường thất bại ở mùa giải thứ 3. Đơn giản thói quen chi tiêu của ông bị đứt đoạn trong khi những tin đồn chuyển nhượng luôn bám theo. Phòng thay đồ không bình yên đẩy “Người đặc biệt” vào thế rối, và càng cố gỡ càng rối.
Các cầu thủ không muốn chiến đấu vì Mourinho. Bộ mặt của họ ở 2 mùa giải là hoàn toàn đối lập. Chủ tịch Abramovich đưa Hiddink đến làm “lính cứu hỏa” nhưng ngoài trận gặp Sunderland mà thực chất Hiddink chưa chính thức nắm quyền, Chelsea đều chơi chưa ổn, kể cả trận thắng Crystal Palace 3-0.
Hiddink cũng không thể giúp gì nhiều cho Chelsea
Chelsea vừa hòa vất vả 2 trận liên tiếp trước West Brom và Everton. Hãy nhớ lại trận hòa Everton 3-3 bằng bàn thắng muộn của John Terry, nếu các cầu thủ không muốn chiến đấu thì Chelsea đã không thể giành 1 điểm.
Mối quan hệ giữa HLV và cầu thủ không lành là cái nhọt với Chelsea. Họ vứt bỏ Mourinho nhưng những cầu thủ lại không còn đủ chất lượng để sửa chữa sai lầm. HLV Hiddink được coi là “Thầy phù thủy” nhưng dẫu ông có phép thuật cao đến đâu cũng chẳng thể đưa Chelsea “ngoi lên”.