Từ kết quả của U19 VN tại giải ĐNA: Nước mắt hạnh phúc
Không đoạt được cúp vàng, nhiều cầu thủ U-19 Việt Nam nằm khóc trên sân; người hâm mộ cũng tiếc nuối và cũng khóc nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.
Đá giải U-19 nhưng thực chất nhiều cầu thủ chỉ bước sang tuổi 17 và cái thua đầu tiên ở một giải quốc tế chính thức đã giúp các em trưởng thành thêm.
Nhiều người xem trận chung kết vẫn còn ấm ức với trọng tài người Thái Lan và cầu thủ chủ nhà chơi thứ bóng đá chặt chém trong sự nhân nhượng của người cầm cân nảy mực. Tuy nhiên, cần phải mừng vì với thuốc thử mà ở học viện khi đào tạo, các em chưa trải qua nhưng các em vẫn rất bình thản chơi bóng mà không cay cú ăn miếng trả miếng.
Xét cho cùng thì phía chủ nhà Indonesia chơi rất rát, rất rắn để ngăn những đôi chân như múa của U-19 Việt Nam và để họ vô địch bằng mọi giá. U-19 Indonesia thắng bằng lối đá hủy diệt không được khuyến khích. Nhưng chính tình huống xấu đấy lại cho thấy các cầu thủ trẻ của chúng ta đã được giáo dục và được thấm nhuần thứ bóng đá tử tế đúng theo kiểu chơi bóng mà trường lớp Arsenal đã dạy. Đó là điểm tích cực nhất của lứa cầu thủ đa phần đến từ Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG.
Ti Phông dứt điểm về phía cầu môn Indonesia (Ảnh: ĐỨC ĐỒNG)
Hiếm có giải đấu đầu tiên mà được học nhiều như thế: Học từ cách phải chấp nhận đối phó với sự bất công; từ trọng tài và từ đối thủ. Học “chịu đòn” và giữ đầu lạnh không lao theo đối thủ.
Ở đây phải thừa nhận là kinh nghiệm trận mạc quốc tế của các em không nhiều. Các em mới chỉ kinh qua một giải đấu quốc tế duy nhất nhưng đó là dạng Festival bóng đá châu Á năm ngoái tại Nhật. Còn lại vài ba lần sang Anh thọ giáo thời gian ngắn rồi trở về, không thể có những va chạm kiểu bầm dập như U-19 Đông Nam Á theo đúng nghĩa chiến trường.
Điểm 10 về tinh thần, về phong cách chơi bóng và qua đó bản thân các em cũng cần rèn thêm bản lĩnh trận mạc hay nói đúng hơn là phải “ra đời” nhiều hơn. Các em tỉnh khi bị đối thủ đá láo nhưng lại chưa tỉnh trước loạt luân lưu.
Hãy cứ để các em khóc, tiếc nuối và cũng hãy cứ để người hâm mộ khóc trong hạnh phúc với lứa cầu thủ được cả Đông Nam Á thích thú bởi cách định hình trong lối chơi.
Điều quan trọng bây giờ là làm sao để các em phát huy và mọc thẳng khi “ra đời”.
Những “lò” đào tạo khác góp phần đa dạng cho U-19 Việt Nam Thật bất công nếu chỉ ghi nhận lứa “gà nòi” của bầu Đức mà quên đi những gương mặt nổi bật đến từ CLB khác như Trương Văn Thiết của Viettel hay Phạm Đức Huy của Hà Nội… Bên cạnh đó còn có những cầu thủ thế vai xuất sắc như Trùm Tĩnh, Ti Phông đều của Khánh Hòa… Văn Thiết được lò Viettel đào tạo từng chơi ở U-16 quốc gia đến U-19 hiện nay. Năm 2010 Thiết từng cùng đồng đội đoạt ngôi vô địch U-16 Đông Nam Á sau khi thắng Trung Quốc 1-0 trong trận chung kết. Trong thành phần U-19 Việt Nam, Thiết là cầu thủ có nhiều kinh nghiệm thi đấu nhất. Đức Huy của lò Hà Nội là một mẫu tiền vệ biên chơi rất hiện đại. Huy chơi xuyên suốt hành lang trái với những pha công, thủ toàn diện và thường xuyên xuất hiện như một tiền đạo phải trong những lần dâng cao tấn công. Đức Huy của lò Hà Nội cho thấy là một tiền vệ biên hiện đại hòa nhập rất nhanh. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG Khi đội trưởng Xuân Trường gãy tay, Trùm Tĩnh của Khánh Hòa được đưa vào và em đã cho thấy sự chững chạc, dày dạn của người thế vai hoàn hảo. Tiếc là trận chung kết Tĩnh bị đối thủ chơi tiểu xảo đánh vào sống mũi khiến em phải rời sân sớm. Ti Phông cũng là cầu thủ trẻ của Khánh Hòa, thường ra sân từ băng ghế dự bị nhưng hòa nhập rất nhanh và có những cú tỉa bóng thật thông minh, trong đó có bàn quyết định trong trận thắng Lào. Ngoài ra còn có những Lưu Minh Sơn (Viettel), Minh Thái (Bình Dương), Văn Giang (Hà Nội T&T), Văn Đạo, Văn Khánh (SL Nghệ An), Tuyên Quang, Văn Đài, Viết Huy (Hà Nội), Nguyễn Đồng Tháp (Đồng Tháp)… khi được vào sân đều thể hiện và hòa nhập ngay với lối chơi toàn đội. |