Tứ kết Euro: Kính vạn hoa
Danh sách các đội dự tứ kết Euro 2016 giống như kính vạn hoa, như bức tranh đa dạng: những thế lực cũ (Đức, Pháp, Italia), những thế lực mới (Bỉ, Bồ Đào Nha, Ba Lan) và cả những bất ngờ (Iceland, xứ Wales).
Những nỗ lực “bình dân hóa” bóng đá của cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini phần nào đã thành công tại Euro 2016 lần này. Với việc tăng từ 16 lên 24 đội tham dự, giải đấu hàng đầu châu Âu chưa lần nào kịch tính đến thế khi chứng kiến sự lên ngôi của các đội bóng nhỏ. Iceland là một câu chuyện cổ tích như vậy.
ĐT Italy với những cái tên và gương mặt lạ lẫm trên đường chinh phục ánh hào quang xưa.
Nhưng đội bóng đến từ quốc gia Băng Đảo không thẳng tiến đến tứ kết bằng lối chơi xấu xí mà ngược lại cực kỳ thuyết phục. Họ chơi ngang ngửa với Bồ Đào Nha, dạy cho Anh một bài học về thể lực và giờ đường hoàng có mặt trong danh sách “bát đại anh hào” của làng túc cầu Âu châu. Nên nhớ rằng, Iceland mới lần đầu tiên được quyền tham dự VCK một kỳ Euro.
Một đội bóng lần đầu tiên tham dự khác: xứ Wales. Gareth Bale đang tỏa sáng rực rỡ trong vai trò “đầu tầu” nhưng vẫn còn đó những Ramsey, Joe Allen với một tương lai rộng mở phía trước. Thực ra những thành công của Wales và Iceland không đến một cách ngẫu nhiên mà nó trải qua một quá trình dài, trước đó ở vòng loại Wales đã đánh bại Bỉ còn Iceland làm Hà Lan khốn đốn.
Không chỉ 2 lá cờ đầu này mà “làn gió đổi thay” còn đến từ những Slovakia hay Bắc Ireland, những đội lần đầu tiên tham dự Euro nhưng cũng đã lọt đến vòng 1/8. Họ đóng tốt vai trò “ngựa ô” vốn xưa kia thuộc về những Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga hay Czech.
Sự chuyển dịch không chỉ đến từ “nhóm ngựa ô” mà cả trong hàng ngũ đại gia. Tây Ban Nha sau 2 kỳ Euro liên tiếp đoạt chức vô địch đã phải dừng chân “tâm phục khẩu phục”. Dường như chu kỳ thành công của đàn bò tót với lối đá tiqui taca đã đến lúc dừng lại sau 8 năm làm mưa làm gió trên khắp các đấu trường. Thế hệ những Iniesta, Ramos, Casillas, Pique… sắp rời vũ đài tức là khi Tây Ban Nha cần chờ rất lâu nữa mới có thể tìm lại ánh hào quang.
Đức dù lọt đến tứ kết nhưng không còn sức mạnh vượt trội như cách đây vài năm khi họ vô địch World Cup 2014. Hà Lan không được tham dự, còn Anh, như mọi khi, giống hệt người khổng lồ chân đất sét. Trong bối cảnh ấy, Italy-một thế lực xưa cũ tưởng chừng sa sút đang tìm lại chính mình.
Dưới sự dẫn dắt của một người được mệnh danh “Mourinho mới” - Conte, binh đoàn thiên thanh đã ngạo nghễ tiến vào tứ kết bằng lối chơi chặt chẽ nhưng không kém phần phóng khoáng với những cái tên còn ít được biết đến. Khi Đức và Italy đụng nhau ở tứ kết sẽ là cuộc đấu thú vị và cũng là cuộc đấu giữa hai đại gia: một người cố níu kéo những năm tháng hào hùng còn người kia đang muốn tìm lại quá khứ vàng son.
Trong bối cảnh ấy, Bỉ và Bồ Đào Nha được dự báo có thể làm được những điều thần kỳ như Đan Mạch (1992) hay Hy Lạp (2004). “Quỷ đỏ” thực sự là một thế lực với đội hình toàn những ngôi sao nhưng kinh nghiệm chinh chiến chưa được dạn dày. Bồ Đào Nha thì ngược lại, dường như đang được thần may mắn ủng hộ suốt chặng đường vòng bảng đến trận vòng 1/8.
“Chân mệnh thiên tử” đang thuộc về Pháp, nước chủ nhà. Họ được lịch sử ủng hộ (Pháp lần gần nhất có đội chủ nhà vô địch Euro là năm 1984), có thiên thời (các đội bóng lớn đang sa sút còn các đối thủ nhỏ chưa đủ tầm để vô địch), có địa lợi (sân nhà). Quy tụ tất cả các yếu tố thuận lợi nhưng thầy trò Dechamps lại chưa khiến người hâm mộ yên tâm bởi lối chơi chưa thực sự sắc nét của mình.
Sẽ là cuộc chiến cực hấp dẫn của 8 đội mạnh nhất ở thời điểm bóng đá châu Âu đang rơi vào cảnh “loạn lạc”. Một cuộc sàng lọc vật vã để tìm ra 4 đội đi tiếp trong cuộc đua tới danh hiệu vô địch. |