Tứ kết Cúp C1 lượt về: Như phim Hollywood
Không có những “siêu nhân” Ronaldo, Ibrahimovic, Diego Costa trong khi các siêu sao còn ở lại Messi, Neymar không thể tỏa sáng, Champions League trở nên “bình dân” hơn nhưng cũng giàu cảm xúc hơn.
Cảm xúc ấy cũng đời thường hơn, khi con người ta phải chiến đấu từng phút, từng phút một để có được thành quả và để bảo vệ thành quả. 4 trận đánh là 4 cuộc chiến, nơi chẳng có gì đến một cách quá dễ dàng và vinh quang phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi.
Những kẻ tìm sự sống từ cái chết
Chelsea và Borussia Dortmund là những kẻ gặp nhiều bất lợi nhất sau lượt đi và đều phải cần đến những điều thần kỳ để có thể sống sót. Điều thần kỳ đã đến, hoặc suýt đến, nhưng không phải là theo cách một vị thần xuất hiện và định đoạt tất cả trong cổ tích. Nó chỉ đến nhờ sức chiến đấu bền bỉ.
Dortmund là đội bóng ấn tượng nhất tứ kết lượt về
Chelsea đã thành công theo cách hết sức nghẹt thở, khi Jose Mourinho chấp nhận từ bỏ cái vẻ xù xì, gai góc để chơi tất tay với Paris Saint-Germain và bàn thắng muộn của Demba Ba là chiến quả cho một buổi tối tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Mourinho đã toàn thắng trong cả 7 lần vào tứ kết Champions League trong quá khứ, một cái cớ cho người ta tin vào số mệnh, nhưng nếu nhìn vào trận đấu thì chính The Blues đã làm chủ số mệnh của mình.
Chelsea trong kỷ nguyên Roman Abramovich đã luôn là như thế khi bước ra châu Âu, từ Chelsea của Guus Hiddink, của Di Matteo, của Mourinho đời đầu hay Chelsea của một người kém danh tiếng hơn là Avram Grant… Họ luôn mang đến những trận cầu ngập trong cảm xúc, với Barcelona, với Liverpool, với Man United, với Bayern Munich và mới nhất là với PSG.
Dortmund không có một bàn thắng sân khách như Chelsea nhưng sức kháng cự của họ còn lớn hơn và chính họ đã mang đến cảm xúc dữ dội nhất cho vòng tứ kết.
Juergen Klopp bảo ông thích heavy metal (rock nặng) và thứ bóng đá của ông chính là heavy metal. Nhưng nếu như các rock band không thể chơi nhạc nếu thiếu đi một nhạc công thì Dortmund vẫn có thể chơi rất tốt với hàng loạt trụ cột vắng mặt do chấn thương (Neven Subotic, Marcel Schmelzer, Ilkay Gundogan, Sven Bender, Jakub Blaszczykowski) và thẻ phạt (Sebastian Kehl).
Được truyền sức mạnh từ 8 vạn cổ động viên nhà, Dortmund đã thật sự lột xác và ngay cả những cầu thủ sắp giải nghệ (Manuel Friedrich) hay những anh lính mới toe (Milos Jojic, Erik Durm…) cũng chơi như những ngôi sao. Bắt đầu từ lúc thủ môn Roman Weidenfeller cản phá quả phạt đền của Di Maria, Dortmund đã bừng tỉnh để tái hiện chiến thắng 4-1 trước chính Real Madrid ở bán kết mùa trước. Sau khi Marco Reus lập cú đúp, Real đã may mắn sống sót khi Iker Casillas xuất sắc cản cú đá của Kevin Grosskreutz và Henrikh Mkhitaryan sút trúng cột.
Một màn ngược dòng thành công vào phút chót, một màn ngược dòng cho đến phút cuối mới biết không trọn vẹn, cảm xúc ấy mạnh mẽ hệt như trong phim Hollywood! Hình ảnh Mourinho chạy dọc đường piste với tốc độ của Usain Bolt hay Klopp đứng gào thét là những cảnh quay xứng đáng đưa vào trailer.
Cuộc chiến của “Robin Hood”
Diego Simeone bảo rằng Atletico Madrid là “Robin Hood” bên cạnh 2 gã nhà giàu. La Liga luôn đầy rẫy bất công cho những kẻ thấp cổ bé họng, nhưng Simeone hiếm khi than phiền. Ông chấp nhận luật chơi và chơi tốt nhất trong khả năng của mình. Barcelona đã được ban phát quá nhiều tài sản và Atletico phải đi “cướp”.
Atletico quá xuất sắc
“Robin Hood” ở lượt đi đã đi “cướp bóc” ở Nou Camp và lượt về là nỗ lực bảo vệ thành quả “cướp” được. Họ thành công cả hai lần và khác với những trận “Siêu kinh điển” khi Barcelona luôn tìm đủ mọi cớ để dìm những chiến thắng của Real Madrid, người Catalunya đã tâm phục khẩu phục trước sức mạnh của Atletico.
Cuộc chiến của “Robin Hood” vẫn chưa dừng lại và họ sẽ tiếp tục chiến đấu với một đội hình mỏng manh, khi các trụ cột phải cày ải trận này qua trận khác. Họ còn có thể mất đi “nhân tố X” của mình, thủ thành Thibaut Courtois nếu phải gặp Chelsea. Nhưng như đã nói, “Robin Hood” luôn chấp nhận luật chơi và hãy chờ xem họ sẽ gây thêm bất ngờ nào nữa.
Những kẻ vật vã tìm sự khẳng định
Đội bóng được ca tụng là mạnh nhất thế giới, hay “bốc” hơn là hay nhất mọi thời đại đá với đối thủ bị đánh giá yếu nhất. Họ hòa 1-1 ở lượt đi và thắng 3-1 ở lượt về nhưng màn trình diễn chẳng có gì là ấn tượng. Họ chuyền qua chuyền lại nhàm chán đến mức chính họ cũng buồn ngủ, cho tới khi bị trúng đòn và sực tỉnh. Họ không mất nhiều thời gian để trả đòn, nhưng hài hước ở chỗ chiến thắng có được nhờ thứ bóng đá nguyên sơ từ đầu thế kỷ 20, thay vì thứ chiến thuật tối tân mang tên tiki-taka.
Bayern vẫn chưa phải số 1 thế giới
Pep Guardiola lại phàn nàn, lần này về việc MU đã chơi với “8 cầu thủ trong vòng cấm”. Nhưng Pep nên nhìn vào Atletico mà học cách tuân thủ luật chơi. Sẽ còn tồi hơn nếu Bayern gặp phải Atletico hoặc Chelsea ở bán kết, bởi hệ thống phòng ngự của họ còn chặt chẽ, khoa học và những pha phản công thì sắc bén hơn hẳn Man United. Người Bavaria chờ đợi ông áp đặt lối chơi tấn công lên mọi đối thủ và kết liễu chúng, thay vì những lời than phiền hay đổ lỗi.
Bayern muốn khẳng định họ là số 1 thế giới, nhưng e rằng cần thêm thời gian. Real Madrid cũng cố gắng khẳng định mình đã sẵn sàng cho “decima” nhưng vẫn bất thành. PSG muốn khẳng định điều gì đó ư? Hãy hỏi Ibra xem anh ta đã khẳng định được gì ở những loạt knock-out? Cũng chẳng có sự khẳng định nào hết cho Barcelona, đội bóng được dự báo sẽ chìm sâu hơn nữa trong tương lai gần.