Từ Conte tới Mourinho: Triết lý thực dụng trượt dốc
Conte và Mourinho – hai nhà cầm quân đại diện cho trường phái thực dụng (phòng ngự phản công) sau khởi đầu tươi đẹp, đang dần bị bắt bài ở Ngoại hạng Anh.
Thành công của Leicester mùa trước, Atletico lọt vào chung kết Champions League, và đặc biệt là chức vô địch EURO 2016 của ĐT Bồ Đào Nha như nhắc nhở rằng thời của bóng đá phòng ngự phản công lên ngôi. Conte và Mourinho giúp Chelsea và MU giành 9 điểm tuyệt đối sau 3 trận đầu mùa Ngoại hạng Anh càng củng cố thêm nhận định ấy.
Conte và Mourinho đang gặp khó khăn
Nhưng Ngoại hạng Anh đúng là khắc nghiệt. HLV Ranieri toan tính với công thức cũ khi bước vào mùa giải mới và nhận ngay 2 thất bại, 1 hòa trong 4 vòng đầu. Mạch thắng chỉ trở lại với “Bầy cáo” nhờ quyết định táo bạo của nhà cầm quân 64 tuổi: Thúc các học trò chơi tấn công nhiều hơn. Kết quả, Leicester thắng Club Brugge ở Champions League và Burnley với cùng tỷ số 3-0.
Conte và Mourinho thì khác. Họ tâm đắc với chiến thuật của mình nhưng các đối thủ nhanh chóng nghiên cứu để tìm ra đối sách phù hợp. Thật trùng hợp, ở 2 vòng gần nhất, Chelsea và MU đều gây thất vọng tràn trề. “The Blues” vật vã giành 1 điểm trong khi “Quỷ đỏ” tay trắng, thậm chí thua liên tiếp 3 trận nếu tính cả đấu trường Europa League.
Trước khi ngã ngựa, Chelsea của Conte thực chất đã lộ nhiều vấn đề ở hàng thủ. Swansea chỉ là giỏi khai thác còn Liverpool thời Klopp luôn mạo hiểm bằng việc luôn có tới 5-6 cầu thủ lao lên tấn công và Chelsea không chịu nổi áp lực này. Với triết lý của Conte, khi đã bị dẫn bàn thì rất khó lật ngược tình thế (Bị Swansea dẫn lại 2-1 sau khi mở tỷ số, Chelsea chỉ kịp giật lại 1 điểm và tay trắng ở thế bị Liverpool dẫn 0-2).
MU của Mourinho y hệt như vậy. Trong cả 3 trận thua vừa qua, “Quỷ đỏ” đều bị thủng lưới trước và không thể thay đổi cục diện. Họ không gượng dậy sau 2 bàn thua trước Man City (Ibra gỡ 1 bàn), bất lực trong việc có điểm khi nhận bàn thua trước Feyenoord ở phút 79, và thua Watford 1-3 dù Rashford gỡ hòa 1-1 vào giữa hiệp 2.
Đó là bệnh chung của những đội bóng theo trường phái thực dụng. Họ sẽ rất đáng sợ nếu ăn bàn trước và ngược lại. Những tính toán của Conte và Mourinho đã bị sai số trong 1 tuần qua? Sai lầm của hàng thủ Chelsea và MU đã thấy rõ. Các hậu vệ hoặc mắc lỗi cá nhân hoặc mắc lỗi hệ thống tạo điều kiện cho đối thủ chớp lấy thời cơ.
Nhưng như cây bút Peter Smith viết trên Skysport, Conte và Mourinho đúng hơn là bị bắt bài. Với những đội có thực lực với sức tấn công mạnh mẽ như Liverpool và Man City, họ tràn lên để rồi sớm khoan phá hàng thủ Chelsea và MU.
MU thua 3 trận liên tiếp còn Chelsea 2 trận không thắng
Swansea dưới cơ thì họ cũng chậm rãi và từng bước tìm ra điểm yếu của Chelsea để đánh trúng trong khi Feyenoord và Watford biết rõ MU của Mourinho ở thế phải tấn công thì không đủ đột biến nên cũng rình rập trước khi tung những đòn kết liễu.
Conte và Mourinho đang chịu áp lực lớn. Họ sẽ phải có những thay đổi sao cho hợp thời thế, tất nhiên không phải là ném bỏ hoàn toàn triết lý phong cách sở trường. Thay đổi ấy có thể là về nhân sự hoặc cách tiếp cận trận đấu hoặc đánh giá đúng hơn thực lực của các đối thủ.
Trường phái tấn công đang lên ngôi ở Anh (Man City toàn thắng, Everton của Koeman đứng thứ 2 nhờ pressing tấn công tổng lực, Tottenham với lối chơi tương tự đứng thứ 3, Liverpool đầy máu lửa của Klopp bùng nổ với 2 trận thắng liên tiếp).
Nhưng đường đua Ngoại hạng Anh còn dài nên còn nhiều cơ hội cho Conte và Mourinho vực dậy triết lý của mình.
Video MU thua đau Watford: