Từ ăn trộm đến vụ cá độ ở V.Ninh Bình
Chúng ta đọc thấy những gì trong những ngày này? Một cô bé ăn trộm đồ trong siêu thị bị nhân viên ở đây trói tay, chụp hình và hình ảnh được tung lên mạng, những lời ăn năn muộn màng của nhóm các cầu thủ tham gia cá độ, dàn xếp tỷ số ở V.Ninh Bình.
Hai chuyện cách nhau rất xa, chỉ có một điểm chung: người phạm sai lầm buộc phải trả giá cho hành động của mình.
Dư luận cả nước tỏ ra bất bình với hành động của các nhân viên siêu thị kia. Họ lập cả một facebook tẩy chay siêu thị nọ vì đã có hành động "bất lương" với cô bé. Một người đeo bảng thú nhận đã từng ăn trộm đồ trong siêu thị và mong mọi người cũng sẽ tha thứ cho cô bé, như mình từng nhận được sự vị tha khi đã trót dại trước đây.
Rồi đột nhiên một phong trào tự thú lan rộng trên mạng xã hội. A đã từng ăn trộm vật này, B đã từng lén móc ví của bố mẹ, C đã từng nhận được ví tiền nhưng không trả lại... Làn sóng ấy tiếp tục được lan rộng, cho dù giám đốc của siêu thị kia đã viết cả thư xin lỗi cô bé, gia đình và dư luận.
Ở đây, làn sóng ban đầu có nghĩa rất tốt, rất nhân văn ấy đã đi quá xa mục đích ban đầu và dường như trở nên quá lố. Thay vì chỉ dừng lại ở việc lên án việc làm mang tính chà đạp nhân phẩm người khác, chúng ta dần đi quá xa và trở thành bảo vệ cho người làm sai.
Các cầu thủ V.NB dính vào vụ cá độ đã làm buồn lòng NHM
Đúng, cô bé ấy bị đối xử không tốt, nhưng căn nguyên ngay từ đầu là việc cô đã ăn trộm, một hành vi sai trái. Nếu đã đứng bán hàng, bạn sẽ hiểu rõ hơn ai hết cảm giác tức tối hàng hóa bị thất thoát do đám ăn cắp vặt thường xuyên viếng thăm. Ở đây các nhân viên không tấn công một người vô tội, họ chỉ áp dụng hình phạt không đúng với một phạm tội mà thôi.
Khi bạn thực hiện một hành vi phạm tội, bạn phải chấp nhận hình phạt dành cho nó. Cô bé có hạnh kiểm tốt hay hạnh kiểm xấu ở trường, hình phạt dành cho việc sai phạm là như nhau. Đấy là cái cốt lõi của pháp luật, buộc bạn phải thượng tôn luật pháp. Từ chuyện cô bé đáng thương đến chuyện những cầu thủ đã trót nhúng chàm trong vụ án cá độ những ngày qua. Càng ngày càng có nhiều thông tin về việc các cầu thủ này buộc phải làm liều vì bị CLB nợ lương, vì thiếu tiền trang trải cho cuộc sống nên đáng nhận được sự thương cảm.
Cá biệt có một cầu thủ tham gia chỉ vì muốn làm việc nghĩa cho người thân. Đúng, chúng ta hiểu cho hoàn cảnh của họ, nhưng không vì thế là đi quá xa cái tình thương ban đầu ấy mà biện minh cho việc phạm tội. Nếu cầu thủ thương cha mẹ khổ sở không ai chăm lo khi họ đi tù thì ngay từ đầu, trước khi gật đầu làm liều họ đã phải nghĩ đến điều đó kìa.
Nếu như vì không được nhận tiền lương mà làm liều thì không ai còn buồn nghĩ về việc giữ gìn pháp luật hay đạo đức nữa. Thương cô bé ăn trộm, thương những chàng trai “liều mình”, nhưng thế thôi, họ phải chịu trách nhiệm vì những gì mình đã gây ra. Dư luận nói chung và người hâm mộ bóng đá nói riêng đừng đi quá xa trong việc bảo vệ một hành động sai trái.