Trước trận Malaysia – Việt Nam: Vô chiêu và hữu chiêu
Lướt qua báo chí Malaysia những ngày này, từ HLV trưởng Dollah cho đến các cầu thủ như Safee, Kanulan đều tỏ ra hết sức tự tin rằng sẽ đá bại Đội tuyển Việt Nam như cách họ đã làm được năm 2010. Cơ sở mà Malaysia tin vào đó là họ cho rằng mình đã quá hiểu đối thủ và đủ sức để bắt bài thầy trò HLV Miura.
Người Mã có lý để tin rằng mình đủ sức bắt bài Việt Nam bởi 2/3 lực lượng của Malaysia tham dự giải đấu này đều là thành phần lên ngôi vô địch 2010 mà mấu chốt cho chức vô địch ấy chính là chiến thẳng để đời trên sân Bukit Jalil.
Trận đấu ấy, Malaysia đã sử dụng lối chơi phòng ngự – phản công khó chịu. Họ cố gắng phá lối chơi của đối thủ và chờ đợi sai lầm mà đối phương mang lại khi sự kiên nhẫn để khoan thủng khối bê tông của hàng tiền đạo đã cạn kiệt.
Buổi tập trước ngày lên đường
1 năm trước đó, tại SEA Games 2009, người Mã đã sử dụng chính cách đá này để hạ gục Việt Nam vốn được đánh giá mạnh hơn rất nhiều ở trận chung kết. Họ đã dựa trên khả năng hiểu biết sức mạnh của đối thủ để dùng “vô chiêu mà thắng hữu chiêu” và đạt được thành công nhờ triết lý ấy.
Thế nên, khi Việt Nam và Malaysia gặp nhau ở Mỹ Đình trước AFF Cup 2014 trong trận giao hữu, HLV Malaysia đã nói rằng họ muốn gặp Việt Nam ở trận bán kết chứ không phải chung kết, nghĩa là người Mã tự tin sẽ đá bại Việt Nam nếu như 2 đội gặp lại nhau.
Sức mạnh của Malaysia chính là khả năng phá lối chơi của đối phương. Tuy nhiên, Việt Nam của bây giờ khác rất nhiều với Việt Nam của 1 năm trước chứ chưa nói đến cách đây 4 năm cả về con người lẫn lối chơi.
Chỉ có Phước Tứ và Thành Lương là những người từng dự AFF Cup 2010, trong đó có tới 10 cầu thủ mới lần đầu lên tuyển. Sự tươi mới ấy đã tạo nên khác biệt của đội tuyển dưới sự dẫn dắt ông thầy người Nhật – Miura.
ĐT Việt Nam lúc này cũng trở nên hết sức khó lường, 20/22 cầu thủ đã được ông Miura sử dụng trong 3 trận đấu với 3 lối chơi và chiến thuật khác nhau. Rất khó để tìm ra sức mạnh thực sự của ĐT Việt Nam vào lúc này.
Thế nên, tới đây nếu người Mã chỉ dựa trên những số liệu và kinh nghiệm cũ thì khả năng họ bị “việt vị” rất cao. Đến ngay cả một người cực kỳ hiểu bóng đá Việt Nam như Riedl cũng phải thừa nhận bây giờ chúng ta đã khác.
Mặt khác, chính Malaysia mới là đội bóng mà chúng ta không hề khó đoán, bởi họ vẫn con người như vậy, vẫn lối chơi như thế. Điều đó đã tạo nên một vị thế khác giữa 2 đội vào lúc này.
Việt Nam đang trong thế “vô chiêu” sẵn sàng để hóa “hữu chiêu” của đối thủ.