Trung Quốc hút SAO thế giới nhờ... bất động sản
Bóng đá Trung Quốc đang hút sao châu Âu với một sức mạnh khủng khiếp, nhưng nhờ đâu mà họ có tiềm lực để hút những Ramires, Paulinho, Robinho đến chơi bóng?
Chỉ trong một thời gian ngắn trên thị trường chuyển nhượng mùa Đông, một số vụ mua bán cầu thủ đáng kể đã diễn ra nhưng lại không phải giữa các đội châu Âu với nhau mà là từ châu Âu sang Trung Quốc. Ramires sẽ sang khoác áo Jiangsu Suning (tỉnh Giang Tô) trong khi Gervinho rời AS Roma để gia nhập CLB Hebei China Fortune (Hà Bắc).
Ngay từ thị trường chuyển nhượng mùa hè, dòng tiền đổ từ Trung Quốc vào châu Âu đã gây chú ý khi Paulinho từ Tottenham và Robinho từ AC Milan đến thi đấu cho Guangzhou Evergrande. Shanghai Shenhua chào đón Demba Ba từ Besiktas và Mohamed Sissoko từ Levante. Mà đó mới chỉ là trong mùa giải 2015/16, giải Super League Trung Quốc những năm qua đã đón chào khá nhiều cầu thủ châu Âu đến chơi bóng.
Ramires rời Chelsea đến Trung Quốc khi mới chỉ 28 tuổi
Điều đáng nói là những Paulinho, Ramires và Gervinho đều đang ở độ tuổi 27-28 và đều thi đấu ở những giải đấu hàng đầu châu Âu như Premier League hay Serie A, nhưng họ đã chuyển tới Trung Quốc. Điều gì làm nên sức hấp dẫn của bóng đá Trung Quốc cho những cầu thủ này?
Ramires được đưa về Chelsea từ Benfica năm 2010 và đã cống hiến nhiều cho CLB, nhưng tần suất ra sân của anh ngày một ít đi trong thời gian gần đây sau khi Guus Hiddink lên tạm quyền. Dan Petrescu, HLV trưởng của Jiangsu Suning, từng thi đấu cho Chelsea và do vậy liên hệ được với Ramires để sang Trung Quốc.
Tuy nhiên Ramires chỉ là người mới nhất trong dòng cầu thủ Brazil xuất hiện ngày một nhiều tại giải Super League. Có tới 23 cầu thủ Brazil đang chơi bóng ở quốc gia đông dân nhất thế giới, nhiều hơn 13 người so với Hàn Quốc, quốc gia đông ngoại binh thứ hai ở Trung Quốc.
Paulinho hiện đang là một trong những cầu thủ Brazil nổi tiếng nhất tại đây, bên cạnh cựu tuyển thủ quốc gia Diego Tardelli. Tiền đạo Robinho cũng từng tới thi đấu mùa giải trước.
Paulinho (trái) đang là cầu thủ Brazil nổi tiếng nhất của Super League
Mấu chốt quan trọng nhất của dòng cầu thủ ngoại tràn tới Trung Quốc là mức lương rất hậu hĩnh mà họ có thể nhận được. Asamoah Gyan, cầu thủ người Ghana từng đá cho Sunderland, được hưởng mức lương 227.000 bảng/tuần để thi đấu cho Shanghai SIPG. Nói cách khác, Asamoah Gyan đang hưởng lương chỉ dưới Lionel Messi, Cristiano Ronaldo và một vài cầu thủ châu Âu khác.
Điều trớ trêu là tiền lương của Gyan thậm chí có thể chỉ là “muỗi” trong tương lai, bởi các CLB Trung Quốc đang không ngừng đầu tư vào khía cạnh này để câu cầu thủ tới thi đấu. Nhưng số tiền đó từ đâu mà ra?
Asamoah Gyan đang hưởng lương đẳng cấp thế giới
Super League Trung Quốc có 16 đội thì 13 đội được sở hữu bởi các tập đoàn bất động sản, và các tập đoàn này đều lấy bóng đá làm công cụ làm ăn. Quy trình như thế này: Muốn có đất ở địa phương nào thì phải có quan hệ chính trị tốt với địa phương đó, mà để có quan hệ tốt cách tốt nhất là giúp địa phương có thành tích thể thao, và vì vậy các trùm bất động sản thi nhau mua các CLB bóng đá.
Nhờ vậy, Ramires đang sắp giàu to ở Trung Quốc mà không cần phải nuối tiếc những ngày tháng tươi đẹp ở Chelsea.