Bí ẩn trận cầu tỉ đô Chelsea – Man City: Kiếm vé như lên Sao Hỏa
Không dễ vào Stamford Bridge để xem trực tiếp trận cầu giữa các siêu sao của Chelsea và Man City có tổng giá trị lên tới cả tỉ đô la, ngay cả khi bạn có tiền.
Video các cầu thủ Man City đá ma khởi động trước trận đấu (clip quay trực tiếp từ sân Stamford Bridge):
Phe vé có …nhưng “khó tìm”
Ở Việt Nam, mỗi khi có trận đấu của ĐT quốc gia, tình trạng phe vé thường xuyên xuất hiện công khai, nhưng ở Anh bạn đừng mong kiếm được vé trên đường vào sân, kể cả khi có tiền.
Lý do rất đơn giản, luật pháp ở xứ sở sương mù cấm và làm rất nghiêm. Chỉ cần bạn giơ tấm vé nơi công cộng, lập tức nhà chức trách đến sờ gáy và mời về đồn. Điều gì xảy ra sau đó sẽ tùy vào mức thành khẩn của bạn.
Quang cảnh bên ngoài sân Stamford Bridge trước khi diễn ra trận đấu
Một tấm vé giá gốc là 64 bảng được bán với giá 300 bảng (hơn 9 triệu VNĐ)
Chính vì thế, để có được tấm vé vào Stamford Bridge xem trực tiếp trận cầu tỉ đô Chelsea – Man City là cực kì khó khăn, các trận cầu đinh khác cũng vậy. Bạn phải có mối quan hệ và được người có vé tin tưởng mới mong mua được, với giá gấp 5 đến 10 lần giá gốc, tùy chỗ ngồi.
Ví dụ, một chiếc vé ở khán đài B sân Stamford Bridge ở gần góc, tầng 1 (có 3 tầng) giá gốc là 64 bảng được bán với giá 300 bảng, còn ở trung tâm khoảng 600 bảng. Nên nhớ, với 300 bảng ở London, bạn có thể đủ trang trải tiền ăn (ăn ở nhà) trong 1 tháng ở thành phố vốn đắt đỏ nhất thế giới.
Không chỉ vậy, bạn mua được vé nhưng chẳng may bị cảnh sát hỏi chỉ được phép trả lời là được “tặng”, nếu không sẽ gặp đủ rắc rối. Từ việc mời ra khỏi sân, đến tra khảo ra kẻ …phe vé.
Vậy tại sao bạn không thể mua được vé giá gốc ở quầy? Dễ hiểu vé đã được bán sạch cho các CĐV mua vé cả mùa, các Member (thành viên fan của đội bóng) và một ít cho CĐV đội khách từ rất lâu. Nếu bạn là khách du lịch mới đến London và không có mối quan hệ, việc mua vé chẳng khác gì lên … Sao Hỏa.
Đắt xắt ra miếng
Mua được giá gốc hay đắt gấp vài lần, nhưng bạn sẽ chẳng có gì phải phàn nàn với số tiền bỏ ra. Cách thức tổ chức của ban quản lý sân và chất lượng trận đấu quả là đáng đồng tiền bát gạo.
Đầu tiên là việc ga điện ngầm (Underground) và bãi đỗ ô tô (Car Park) được bố trí rất hợp lý, chỉ cách sân chừng 200m và hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu ngay cả với người mới đến.
Đến sân, sau khi qua cửa an ninh, bạn sẽ được hướng dẫn tìm chỗ ngồi của mình với thái độ cực kì thân thiện của nhân viên, thậm chí bạn còn có thể nhờ được họ chụp hình kỉ niệm.
Dạo đầu là vậy, ban quản lý sân không khiến các khản giả đến sớm cảm thấy buồn ngủ. Sau tiết mục ca nhạc là hình ảnh các trận đấu giữa Chelsea và Man City mùa trước để hâm nóng các khán đài.
Tiếp đó, các cầu thủ vào sân khởi động để làm nóng cũng như tạo ra không khí sôi động cho CĐV. Chừng hơn 1 tiếng trước giờ bóng lăn, các siêu sao ra sân trong sự reo hò của khán giả. Bạn có thể tiến gần sát đường pitch để chụp hình, quay video thoải mái các học trò của Guardiola, Conte làm xiếc với trái bóng.
Đặc biệt, chứng kiến các cầu thủ Man xanh như Silva, Bruyne, Jesus, Sterling, Sane… đá ma, bạn sẽ hiểu tại sao tiki-taka lại đáng sợ đến vậy. Bên kia sân, sự xuất hiện của Hazard, Morata, Fabregas khiến đám đông không thể kìm lòng.
Đến khi trận đấu gần bắt đầu, các khán đài chật ních khán giả, bạn sẽ tự trả lời được tại sao Premier League lại có sức hút ghê gớm đến vậy. Các fan “The Blues” hát vang bài hát truyền thống của CLB “We are Chelsea” với những câu hát có ý nghĩa “Chúng ta là Chelsea - Chúng ta sinh ra để làm Vua”.
Chất lượng trận đấu có lẽ khỏi phải bàn. Man City với lối chơi tiki-taka tỏ ra áp đảo, nhưng Chelsea của Conte phòng ngự cực kì kín kẽ. Kết cục, các vị khách ra về với 3 điểm nhờ cú sút xa tuyệt đỉnh của Bruyne. Các khán đài Stamford Bridge câm lặng, đâu đó vang lên vài tiếng chửi thề, nhưng sau đó là rất nhiều tràng pháo tay, động viên cho đến hết trận và không xuất hiện những hooligan như báo chí vẫn hay đăng tải.
Được hít thở trận cầu tỉ đô tại Stamford Bridge giữa nhà ĐKVĐ Chelsea và đội đang dẫn đầu bảng Man City quả là đáng nhớ. Trên đường ra về các fan của “The Blues” không còn hát vang câu “Chúng ta sinh ra để làm Vua”…
Các CĐV đến sân cổ vũ 2 đội
Rất khó để tìm thấy cánh phe vé "tác nghiệp" bên ngoài sân vân động
Cảnh sát luôn túc trực để sẵn sàng xử lý sự cố cũng như nạn phe vé nếu có
Đường hầm tiến vào sân vận động
Tận mắt xem các ngôi sao khởi động trước trận là một kỷ niệm khó quên
Khu vực bố trí dành cho cánh phóng viên tác nghiệp
CĐV có thể tiến sát đường biên để chụp hình cầu thủ
Các CĐV luôn cổ vũ nhiệt tình từ đầu đến cuối trận
Điều luật kỳ lạ ở xứ sương mù Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao các trận cầu đinh của Premier League chỉ diễn ra vào Chủ nhật (Super Sunday) hoặc các trận sớm (18h30 mùa hè, 19h30 mùa đông) hay muộn(23h30 mùa hè, 0h30 mùa đông) vào thứ 7? Vòng đấu cuối mùa luôn diễn ra vào Chủ nhật? Lý do là bởi nước Anh có điều khoản cấm trực tiếp các trận đấu diễn ra từ 14h45 đến 17h15 mọi ngày thứ 7, được khởi xướng bởi cố Chủ tịch của CLB Burnley, ông Bob Lord từ những năm 60 của thế kỉ trước. Ông Bob Lord viện lý do khán giả sẽ không đến sân nếu biết trận đấu được trực tiếp. Tât nhiên, khi đụng đến “dạ dày”, các ông chủ khác đều đồng tình nên FA dù không muốn vẫn phải chiều theo. Chính vì thế, để lách luật mang đầy tính bảo thủ đã hơn nữa thế kỉ, các kênh truyền hình đã bố trí các trận cầu đinh tránh vào khung giờ cấm để phục vụ các khán giả ở quê hương bóng đá. |
Chỉ thắng sát nút Chelsea nhưng Man City được báo giới Anh ca ngợi.