Cột mốc 10 trận đầu mùa ở bảng xếp hạng Premier League có thể là thước đo đáng để tham khảo, nhờ những con số thống kê chi tiết qua nhiều mùa bóng.
Tại sao cột mốc 10 trận đầu mùa giải NHA là “thời điểm vàng” để dự đoán?
T
rong khoảng 3 thập kỷ Ngoại hạng Anh trở lại đây, có một quan niệm chung từ giới chuyên môn rằng bảng xếp hạng (BXH) chỉ thật sự được định hình sau khi các đội đã thi đấu ít nhất 10 trận, một con số tuy ngẫu nhiên (trong tổng số 38 trận cả mùa giải) nhưng lại có cơ sở đáng kể.
Thứ nhất, 10 trận tạo nên hành trình đủ dài để phản ánh sức mạnh của các đội khi đã đối đầu với hơn một nửa đối thủ của giải đấu. Con số này chiếm 26.3% trong tổng số 38 trận của mùa giải Premier League. Mặc dù chưa hẳn là con số lớn, nhưng vẫn đủ để đưa ra các nhận định đáng tin cậy về khả năng trụ lại ở vị trí của các đội đến cuối mùa.
Thứ hai, có những chỉ số thống kê cho thấy rằng thứ hạng hiện tại của các đội sẽ không thay đổi đáng kể trong 7 tháng còn lại của mùa giải. Kể từ mùa giải năm 1995-96, hơn 1/3 các đội (con số khoảng 38%) thay đổi vị trí, hoặc vẫn giữ nguyên, khi so sánh thứ hạng sau loạt trận thứ 10 với BXH cuối mùa giải.
Đây là cách tính toán được những nhà thống kê của giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh phân tích và đưa ra kết luận qua nhiều mùa bóng. Mùa giải 2024/25 sẽ còn đầy biến động từ nay cho đến khi 10 hồi còi mãn cuộc vang lên trên khắp sân cỏ nước Anh vào Chủ nhật, 25/5/2025. Hiên tại, cột cốc 10 trận vẫn đang tạo nên bức tranh khá rõ ràng về vị trí của các đội trên BXH, dù vẫn còn nhiều thử thách với họ phía trước.
Con số thống kê ổn định đáng kinh ngạc
Theo một nghiên cứu của Ngoại hạng Anh năm 2019, phân tích dữ liệu các trận đấu từ năm 1995 đến 2017 đã cho kết quả đội đứng đầu Premier League sau lượt trận thứ 10 có 77,3% cơ hội kết thúc trong top 3. Vì vậy, các CĐV của Man City, Liverpool, các đội ổn định trong top 3 từ đầu mùa bóng, có quyền lạc quan về cuộc đua đường dài ở NHA, thậm chí đã có thể bắt đầu lên kế hoạch cho những trận đấu giữa tuần tại cúp châu Âu mùa giải 2025/26 từ bây giờ.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu của giải đấu này cũng đưa ra kết luận cho thấy 77% sự biến động vị trí của các đội trên BXH cuối mùa giải có thể được phân định bằng thứ hạng ở vòng đấu thứ 10. Đến vòng 20, con số này tăng lên 87%. Và sau vòng 30, tỉ lệ chính xác đạt 94%. Hay nói cách khác, việc xem bảng xếp hạng từ tháng 11 đã có thể đưa ra gợi ý tương đối đáng tin cậy về vị trí cuối cùng của mỗi đội bóng.
Kết thúc vòng đấu thứ 10, cả Liverpool và Man City, 2 ông lớn đã thay phiên dẫn đầu giải đấu, tiếp tục cuộc đua song mã hấp dẫn tới chức vô địch. Đáng chú ý, sau “cột mốc vàng” 10 trận, Nottingham Forest và Chelsea đang là những “Ngựa ô” khi vươn lên xếp sau lần lượt ở vị trí thứ 3 và 4.
Ở phía cuối BXH, những cái tên được dự đoán sẽ xuống hạng có thể sẽ là Ipswich Town, Southampton và Wolves. Thứ tự hiện tại của 20 đại diện Ngoại hạng Anh càng chứng minh cho cách dự đoán của Premier League rất thú vị nhưng cũng tiềm ẩn nhiều ẩn số đáng chờ đợi.
Hơn thế nữa, trong công thức tính toán dự đoán vị trí của các đội bóng Ngoại hạng Anh, giới chuyên môn còn sử dụng tới một công cụ đo đạc để tối ưu hóa sự chính xác và tìm ra những trường hợp ngoại lệ. Đó là “Hệ số tương quan”, hay còn được biết đến là “Hệ số r” (r-value).
“Hệ số r” và những ngoại lệ của cột mốc sau 10 trận
Trước tiên, “Hệ số r” là chỉ số dùng để đo lường mức độ mạnh yếu và chiều hướng dự đoán thứ hạng đội bóng dự theo hai yếu tố, gồm vị trí trên bảng xếp hạng sau 10 trận đấu và vị trí chung cuộc trên bảng xếp hạng cuối mùa bóng.
Hệ số r giúp các nhà phân tích dự đoán vị trí cuối cùng của các đội bóng dựa trên thành tích ban đầu (sau 10 trận).
Khi nói về "Hệ số r" trong việc dự đoán vị trí của đội bóng trên BXH, giá trị này có thể dao động từ -1 đến +1.
* Giá trị của hệ số r:
r = +1: Có mối quan hệ tỉ lệ thuận mạnh. Nghĩa là, đội nào đứng đầu sau 10 trận, rất có thể sẽ đứng đầu vào cuối mùa.
r = -1: Có mối quan hệ tỉ lệ nghịch mạnh. Nghĩa là, đội nào đứng đầu sau 10 trận, rất có thể sẽ đứng cuối vào cuối mùa. (Điều này ít khi xảy ra).
r = 0: Không xác định được mối quan hệ tuyến tính giữa hai yếu tố. Nghĩa là, vị trí sau 10 trận không thể dự đoán được vị trí cuối cùng.
* Các giá trị khác: Các giá trị nằm giữa -1 và +1 cho thấy mức độ mối quan hệ mạnh yếu khác nhau về dự đoán cho 1 đội bóng. Ví dụ, r = 0.8 cho thấy có mối quan hệ của 2 yếu tố tương đối mạnh (dự đoán vị trí khá chính xác cuối mùa).
Hệ số r giúp các nhà phân tích dự đoán vị trí cuối cùng của các đội bóng dựa trên thành tích ban đầu (sau 10 trận).
Hệ số r được tính toán bằng cách sử dụng các phần mềm thống kê để tính toán, dựa trên dữ liệu lịch sử của các mùa giải trước.
Nếu hệ số r gần +1, có thể nhận định thành tích đầu mùa có ý nghĩa rất lớn trong việc dự đoán thành tích cuối mùa.
Nếu hệ số r gần 0, có nghĩa là thành tích đầu mùa không có nhiều ý nghĩa trong việc dự đoán.
Nếu hệ số r gần -1, có thể nhận định kết quả đầu mùa kèm theo nguy cơ thứ hạng kém cuối mùa.
Hệ số r có thể kèm theo những ngoại lệ và hạn chế, bởi thông số thống kê chỉ cho thấy xu hướng chung, không thể dự đoán chính xác 100% kết quả. Ngoài ra, thành tích của đội bóng đá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chấn thương, phong độ cầu thủ, sự điều chỉnh chiến thuật,...
Dù số liệu thống kê cho thấy sự ổn định vị trí trên BXH sau 10 trận đầu mùa, vẫn có những trường hợp ngoại lệ đáng chú ý. Như Tottenham Hotspur mùa 2023-24 là ví dụ điển hình khi họ dẫn đầu với thành tích ấn tượng 8 chiến thắng và 2 trận hòa sau 10 trận, nhưng sau đó tụt dốc và kết thúc ở vị trí thứ 5, mất cơ hội dự Champions League.
Cũng cùng cảnh ngộ với đoàn quân Ange Postecoglou, Brentford đứng ở giữa BXH, trước khi phong độ sụt giảm khiến họ kết thúc mùa giải năm ngoái ở vị trí thứ 16. Thêm vào đó, sau vòng 10, người hàng xóm Chelsea của “Bầy ong” cũng xếp ngay phía dưới, nhưng cú bứt phá mạnh mẽ vào cuối mùa đã giúp đội bóng của Mauricio Pochettino leo lên 5 bậc để giành vé dự UEFA Conference League.
Trong quá khứ mùa 2008-09, khi Hull City mới thăng hạng, họ đã thắng 6 trong 9 trận đầu, bao gồm cả trận thắng trên sân khách trước Arsenal và Spurs, để rồi chỉ thắng thêm 2 trong số 29 trận còn lại. Tân binh mùa giải đó may mắn giành được vị trí trụ hạng, khi đứng trên khu vực xuống hạng đúng một điểm, ở vị trí thứ 17.
Cùng mùa giải đó, Tottenham đứng cuối bảng sau tuần đấu thứ 10, sau khởi đầu tồi tệ nhất trong lịch sử của họ (2 điểm sau 8 trận). Harry Redknapp thay thế Juande Ramos làm HLV trưởng vào cuối tháng 10 và đưa họ lên vị trí thứ 8, sự nhảy vọt vị trí trên BXH lớn nhất trong kỷ nguyên Premier League.
Một ngoại lệ khác cũng đáng chú ý không kém đến từ mùa giải 2005-06 của Charlton Athletic, khi họ thắng 4 trận mở màn, xếp ở vị trí thứ 2, nằm trong cuộc đua vô địch. Sau vòng 10, “ngựa ô” của giải xếp ở vị trí thứ 5 với 6 chiến thắng, 2 trận hoà và để thua 2 trận. Để rồi tụt xuống vị trí thứ 13 sau vòng đấu cuối cùng vào cuối mùa. Đó là cú lao dốc chỉ có Hull mùa 2008-09 là ngang bằng trong kỷ nguyên 32 năm của Premier League, bởi không đội nào bị tụt nhiều hơn 11 bậc.
Tương tự, Manchester City tưởng như sẽ có kết thúc tốt đẹp sau vòng 10, trước khi rớt 8 bậc xuống vị trí thứ 15 vào cuối mùa giải năm đó.
Những sự kiện thú vị này của những mùa giải trước đây nhấn mạnh những ngoại lệ cần cân nhắc khi phân tích bảng xếp hạng cuối mùa. Những trường hợp ngoại lệ này minh họa cho việc có thể dự đoán được phần nào thứ hạng của các đội sau 10 trận, nhưng vẫn luôn có chỗ cho những cú sốc và bất ngờ trong cuộc đua khốc liệt đến từ các đội bóng.
Cột mốc 10 trận quyết định chiếc ghế HLV
Với các dữ liệu thống kê, mốc 10 trận cũng là thời điểm khiến các lãnh đạo đội bóng cân nhắc việc thay đổi HLV. Số liệu cho thấy, thứ hạng của các đội bóng có thể phản ánh đúng phong độ của họ đến cuối mùa, điều này lý giải vì sao nhiều đội bóng sẵn sàng chia tay HLV vào thời điểm trước Giáng sinh khi đội đang nằm trong nhóm nguy hiểm.
Man United mùa giải này là minh chứng xác thực nhất cho xu hưởng “thay tướng đổi vận”. Erik Ten Hag đã bị sa thải sau thành tích khởi đầu tệ nhất lịch sử đội bóng ở vị trí thứ 14 và chỉ cách nhóm xuống hạng 7 điểm. Ban lãnh đạo đội chủ sân Old Trafford đã quyết định chia tay chiến lược gia người Hà Lan. Lập tức, Ruud Van Nistelrooy lên làm HLV tạm quyền và dẫn dắt học trò đến chiến thắng 5-2 trước Leicester City tại Carabao Cup
Tuy nhiên, việc thay đổi người cầm quân sớm không đảm bảo hoàn toàn một kết quả tích cực, nhưng lại có thể giúp tránh khỏi rủi ro lớn hơn khi phong độ đã sa sút nghiêm trọng. Dựa vào dữ liệu ổn định từ tuần thứ 10 trở đi, việc đưa ra quyết định thay đổi sớm sẽ giúp các đội giữ được sự an toàn trên BXH.
Dữ liệu về BXH Premier League sau 10 trận đầu mùa cho thấy đây là một mốc đáng tin cậy trong dự đoán thứ hạng của các đội bóng vào cuối mùa.
Mặc dù bóng đá là môn thể thao luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ, phần lớn thứ hạng của các đội thường không biến động mạnh sau cột mốc này. Người hâm mộ có thể hình dung sơ bộ về cuộc đua vô địch hay cuộc chiến trụ hạng từ giai đoạn 10 trận đầu mùa giải.
Tuy nhiên, những cú sốc, như các trường hợp của Tottenham hay Hull City đã nêu ở trên, luôn làm nên sức hút riêng của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Liệu mốc 10 trận có phải là thước đo vàng cho mùa giải năm nay? Các trận đấu vào tháng 5/2025 sẽ thể hiện đáp án chính xác nhất.