Tranh luận quanh Quả bóng vàng Việt Nam
Thường thì năm nào cũng thế, danh hiệu Quả bóng vàng luôn là đề tài gây nhiều tranh luận, kể cả quốc tế lẫn Việt Nam.
Năm 2016 lại là năm Quả bóng vàng sôi nổi ở phần hậu trường sau một mùa V-League ít nhân tố mới và đội tuyển khép lại với thất bại ở bán kết AFF Cup. Thế nên chuyện bầu Quả bóng vàng đúng là so bó đũa chọn cột cờ.
Có người nói ca sĩ Thủy Tiên cay cú khi chồng mình là Công Vinh rơi khỏi tốp 3 và không được mời đến dự lễ trao giải. Thực tế thì do lời lẽ của cô ca sĩ này khá nặng nề nên dễ bị xem là chỉ trích, là cay cú, tuy nhiên bản chất của vấn đề thì cũng có những điều đáng suy nghĩ.
Việc bầu Quả bóng vàng lâu nay trên thế giới cũng hay có những tranh cãi bởi đã là bầu chọn thì không tránh được tình cảm yêu, ghét và cả nhận định riêng của từng người trong lá phiếu của mình. Đó cũng là lý do FIFA điều chỉnh thành phần bầu chọn Quả bóng vàng không tràn lan như những mùa trước, bao giờ cũng kèm một HLV đội tuyển quốc gia và một đội trưởng đội tuyển quốc gia nhằm hạn chế việc “bầu cho người nhà”, làm mất đi ý nghĩa danh hiệu cao quý.
Với Ban tổ chức Quả bóng vàng Việt Nam thì đến nay đã có nhiều cải tiến, trong đó có việc chọn lọc người bầu hiểu bóng đá và có chuyên môn thực sự, không như trước đây có lần Văn Sỹ Hùng gần 30 rồi mà còn được bầu là cầu thủ trẻ xuất sắc (!?) bởi có nhà báo không biết, không xem bóng đá cũng tham gia bỏ phiếu.
Quả bóng vàng Phạm Thành Lương trong vòng vây người hâm mộ. Ảnh: ĐỨC HUY
Chuyện đoạt Quả bóng vàng cũng là cái số của người cầu thủ cộng với sự yêu mến của người cầm phiếu. Chẳng hạn những lần đầu, ba năm liền 1995, 1996 và 1997 Quả bóng vàng cứ quanh quẩn các cầu thủ Sài Gòn (Lê Huỳnh Đức, Võ Hoàng Bửu), thế là nhiều người cho rằng vì ban tổ chức ở Sài Gòn nên bóng cứ quẩn quanh tại Sài Gòn.
Một số cây viết bèn thể hiện quan điểm bằng cách ca ngợi vua về nhì Nguyễn Hồng Sơn bằng những bài báo tôn vinh còn hơn cả vàng. Thế là năm 1998, Quả bóng vàng được đưa ra tổ chức ở Hà Nội và Hồng Sơn đăng quang.
Hay Trần Công Minh, cả đời đá hậu vệ không dám mơ một lần nhận Quả bóng vàng nhưng đúng vào thời điểm mọi người bầu chọn thì Minh tuyên bố giã từ sự nghiệp, vậy nên có bao nhiêu tình cảm mọi người dồn hết phiếu cho Công Minh để tưởng thưởng cho người hậu vệ cần cù.
Tiếc nhất trong đời cầu thủ đá hay, phong độ ổn định và thành tích tốt mà chưa một lần đoạt Quả bóng vàng chính là Nguyễn Văn Quyết. Nếu năm 2014 hụt vàng, mọi người nói Quyết là “vàng chưa đủ tuổi” thì năm 2015, khi mọi người nhìn Văn Quyết đi sau Thành Lương thì đa phần đều nói “giày dép có số”.
Năm 2016, về chuyên môn thì rõ ràng Quyết là cầu thủ có nhiều đóng góp cho CLB lẫn đội tuyển nhất nhưng nghiệt nỗi cầu thủ này lại dính thẻ đỏ khi xô ngã trọng tài nên không lọt vào danh sách đề cử. Đến đây thì mọi người lại nói Phạm Thành Lương lần thứ tư nhận Quả bóng vàng cũng là cái số, bởi ở đội tuyển Thành Lương thường ra sân từ ghế dự bị.
Cũng có người tiếc cho Công Vinh dù có những trận Vinh đá thật kém và ở B. Bình Dương Vinh thường ngồi ghế dự bị. Tuy nhiên, những con số biết nói lại cho thấy Công Vinh là một mẫu cầu thủ hàng đầu trong một nền bóng đá không thành công ở cấp độ V-League lẫn đội tuyển. Thế nhưng Vinh lại rơi ngoài tốp 3 cũng có phần do yêu, ghét so với ba cầu thủ còn lại.
Quả bóng vàng khác với Chiếc giày vàng (vua phá lưới) ở chỗ một bên là do phiếu bầu, còn một bên là con số thống kê. Vì thế cũng có lúc vàng không hẳn là vàng 10 nhưng đã là luật chơi, đã là bầu bán thì phải chấp nhận những “sai số” từ cảm tính và từ yêu, ghét.
Năm nay có không ít phiếu để trống Quả bóng vàng Trao đổi với một số chuyên gia và nhà báo thể thao chuyên về bóng đá, có những người chia sẻ rất thật là chính vì năm nay không có cầu thủ nào nổi trội và xuất sắc nổi bật kiểu như Lê Huỳnh Đức, Võ Hoàng Bửu hay Nguyễn Hồng Sơn trong những lần bầu chọn trước nên đã để trống (không bầu Quả bóng vàng) mà chỉ chọn Quả bóng bạc, Quả bóng đồng. Điều này cũng khá hợp lý và đó cũng là một cách thể hiện đúng bản chất trong tình hình tìm Quả bóng vàng cho năm 2016. |