Tranh cãi FIFA thay đổi luật "khó đỡ": Đá biên thay ném biên, hà khắc với thủ môn
LĐBĐ Thế giới (FIFA) dự định tạo ra những thay đổi liên quan đến luật lệ bóng đá và hầu hết đều gây tranh cãi. Trong đó, phương pháp thử nghiệm đá biên thay ném biên có thể xem là một bước lùi.
Cú chơi lớn của FIFA
Ngày 14/6 vừa qua, thế giới bóng đá một phen ngỡ ngàng trước thông tin FIFA áp dụng thử nghiệm luật đá biên thay cho ném biên. Đây là ý tưởng đến từ "Giáo sư bóng đá" Arsene Wenger, người đang giữ cương vị Giám đốc phát triển bóng đá toàn cầu của FIFA. Cho đến nay, NHM chưa thực sự rõ ràng về hình thù của luật lệ này ra sao, bởi nó chỉ mới được FIFA thử nghiệm.
FIFA đang thử nghiệm và có thể thay đổi luật ném biên thành đá biên trong tương lai
Tuy nhiên, với những gì được tiết lộ từ chính "cha đẻ" của ý tưởng này - HLV Wenger, thì có vẻ như đây không phải bước cải tiến mà là... cải lùi. Đề xuất trên đã có từ năm 2020, nhưng đến nay FIFA mới đưa vào thử nghiệm.
Tinh thần của luật đá biên là để tăng cường khả năng tấn công cho các đội bóng, gia tăng số cơ hội nguy hiểm hơn là những quả ném biên thông thường. Trong thế giới bóng đá, không có nhiều cầu thủ ném biên có thể rót những đường bóng vào vòng cấm địa đối thủ. Nhưng với luật đá biên, bất cứ ai cũng làm được
Theo nhận định của Thomas Gronnemark, HLV ném biên của Liverpool, thì đây rõ ràng là một sự thay đổi không mang tính tích cực: "Thật sai lầm nếu chấp thuận đề xuất của Wenger. Sớm thôi FIFA sẽ nhận thấy đây là sai lầm. Điều đó triệt tiêu một nét đẹp căn bản của bóng đá, trong đó người đá biên không chịu sức ép từ nguy cơ mất bóng cao như là ném biên".
BLV Quang Huy cũng nhận định rằng sự thay đổi mà FIFA đang ấp ủ không thực sự mang đến nét tích cực cho thế giới bóng đá nói chung: "Theo tôi thì không nên đổi luật ném biên sang đá biên, vì nó không còn giữ được vẻ đẹp thuần khiết của bóng đá nữa. Tất cả đều sử dụng bằng chân y như môn futsal.
Luật mới này cũng chỉ có lợi cho những đội bóng mạnh và ngược lại làm đội bóng yếu hơn bị thua thiệt. Cứ nghĩ mà xem, các đội bóng mạnh cứ liên tục câu bổng từ biên vào, giống như các tình huống đá phạt góc, thì đội bóng yếu sẽ rất khó chống đỡ".
Cải tiến hay cải... lùi?
Thực tế quả có vậy. Lâu nay, người ta phân biệt những pha phá bóng hết đường biên dọc bằng ném biên, và hết đường biên ngang bằng phạt góc. Về cơ bản, những quả đá phạt góc mang đến nhiều cơ hội hơn là ném biên.
Các thủ môn bị biến thành "gà công nghiệp" và những trường hợp thú vị như Andrew Redmayne bị "triệt tiêu"
Thế nhưng với sự thay đổi này, những quả đá biên ở vùng 1/3 sân cuối cùng thậm chí còn tạo ra cơ hội lớn hơn phạt góc, vì góc đá biên mở hơn so với phạt góc. Bên cạnh đó, các đội sẽ khó bị mất bóng khi đá biên và bởi thế, nó có lợi nhiều hơn cho các đội bóng có thiên hướng chơi tấn công (thường là các đội bóng lớn).
Xu thế của các cơ quan quản lý bóng đá là muốn ủng hộ các đội bóng chơi tấn công, với mục tiêu gia tăng số lượng bàn thắng trong một trận đấu cụ thể. Việc áp dụng đá biên sẽ kích thích khả năng tấn công của các đội. Trước FIFA, LĐBĐ châu Âu (UEFA) đã bỏ luật bàn thắng sân nhà - sân khách ở các giải cúp châu Âu (Champions League, Europa League, Conference League) hòng thúc đẩy các đội chơi tấn công nhiều hơn.
Chưa hết, FIFA còn ra quy định các thủ môn không được "nhảy múa" khi bắt penalty kể từ ngày 1/7 tới đây, sau sự kiện thủ môn Andrew Redmayne nhảy múa khiêu khích các cầu thủ Peru ở loạt "đấu súng" trận tranh vé play-off World Cup 2022. Theo luật mới, các thủ môn phải giữ hai chân trên vạch vôi trước khi đối thủ thực hiện cú đá.
Theo Daily Mail, phản ứng của dư luận Anh quốc là ngạc nhiên và khó hiểu với quy định của FIFA. Nó triệt tiêu cá tính của mỗi thủ môn và theo luật mới này, tất cả trở thành "gà công nghiệp" với chung một quy định đứng yên trên vạch vôi trước cầu môn.
Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đồng ý việc thử nghiệm đá biên thay vì ném biên trong các trận đấu bóng đá 11 người nhằm tăng tốc độ của trận đấu.
Nguồn: [Link nguồn]