Tranh cãi đội hình vĩ đại nhất Đông Nam Á không có sao VN: Công Vinh xứng đáng có tên?
Mới đây, trang All Asian Football đưa ra một bảng đội hình gồm 11 cầu thủ Đông Nam Á xuất sắc nhất trong sơ đồ 4-2-3-1. Những cái tên góp mặt vào đội hình này đều là những huyền thoại thực sự của khu vực, nhưng việc không có cầu thủ Việt Nam có vẻ là thiếu sót.
Đội hình gây tranh cãi
Đội hình 11 cái tên xuất sắc nhất Đông Nam Á mà All Asian Football đưa ra bao gồm: Thủ môn Chow Chee Keong (Malaysia); các hậu vệ Niweat Siriwong, Dusit Chalermsan (cùng Thái Lan), Win Nyut Myo (Myanmar), Daniel Benett (Singapore); tiền vệ Therdsak Chaiman (Thái Lan), Achmad Nawir (Indonesia); các cầu thủ tấn công gồm Suk Bahadur (Myanmar), Fandi Ahmad (Singapore), Kiatisuk Senamuang (Thái Lan); và tiền đạo mũi nhọn Paulino Alcantara Riestra (Philippines).
Đội hình gây tranh cãi của All Asian Football
Trong đội hình này, không có đại diện nào của bóng đá Việt Nam góp mặt. Điều này gây tranh cãi, khi mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh nhiều thế hệ cầu thủ tài năng, những người có đóng góp lớn cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung. Trong đó, có thể kể đến trường hợp của tiền đạo Lê Công Vinh.
ĐT Việt Nam là 1 trong 4 đội ở khu vực Đông Nam Á từng vô địch AFF Cup, tính từ giải đấu năm 1996 đến nay. Trong số này, "Những ngôi sao vàng" từng 2 lần bước lên bục cao nhất, lần đầu tiên vào năm 2008 và lần thứ hai sau đó tròn 10 năm.
Bên cạnh đó, bóng đá Việt Nam còn nhiều lần tiến sâu ở giải đấu số 1 Đông Nam Á, với 1 lần Á quân, 2 lần hạng ba, 1 lần hạng tư và 4 lần vào bán kết. Nói tóm lại ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam luôn nằm trong nhóm ứng viên vô địch của AFF Cup. Và Lê Công Vinh kể từ khi lên tuyển Việt Nam năm 2004 đến khi chia tay năm 2016 luôn đóng vai trò nòng cốt.
Công Vinh xứng đáng có tên?
Trong khoảng thời gian 13 năm cống hiến liên tục cho ĐTQG Việt Nam, Lê Công Vinh gặt hái những kết quả đáng tự hào. Anh chơi 83 trận, ghi 51 bàn thắng. Bộ sưu tập danh hiệu của tiền đạo người xứ Nghệ nổi bật nhất đương nhiên phải là chức vô địch AFF Cup 2008, giải đấu mà Công Vinh đóng vai trò người hùng với bàn thắng vàng phút 90+4, giúp ĐT Việt Nam lần đầu tiên đoạt cúp vàng.
Khoảnh khắc lịch sử mà Công Vinh tạo ra
Ở cấp độ CLB, Công Vinh từng tỏa sáng ở nhiều CLB Việt Nam. Nhưng điểm nhấn của "CV9" là anh có khoảng thời gian ghi dấu ấn trong màu áo CLB Hokkaido Consadole Sapporo ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, Công Vinh cũng có thời điểm chơi bóng cho Leixoes tại Bồ Đào Nha.
Vì thế, thành tích của Lê Công Vinh có thể so sánh với huyền thoại Fandi Ahmad của Singapore. Danh thủ sinh năm 1962 này 3 lần á quân và 3 lần về ba ở SEA Games, không có lần nào vô địch. Ông chơi 101 trận cho đội bóng "quốc đảo sư tử", ghi 55 bàn thắng.
Vị trí của Fandi Ahmad trong đội hình này là số 10, người dẫn dắt lối chơi. Thực tế, ông chủ yếu thi đấu ở vị trí tiền đạo, và chơi như một tiền vệ không nhiều. Trong khi đó ở nhiều thời điểm, Công Vinh vẫn chơi như một số 10, ở cả cấp độ CLB lẫn ĐTQG.
Trường hợp của huyền thoại Paulino Alcantara Riestra cũng đáng để nhắc tới. Sự xuất sắc của cố danh thủ sinh năm 1896 này không cần bàn cãi, khi mà ông từng ghi 200 bàn thắng cho CLB Barcelona. Tuy nhiên, ông không hẳn là một huyền thoại của khu vực Đông Nam Á.
Huyền thoại Paulino Alcantara chỉ chơi 2 trận cho ĐTQG Philippines, ghi 1 bàn thắng trong năm 1917. Bên cạnh đó, ông có 4 trận cho ĐT xứ Catalonia, ghi 4 bàn và 5 trận trong màu áo ĐTQG Tây Ban Nha, ghi 6 bàn. Ở cấp độ CLB, Paulino chỉ chơi bóng ở Philippines trong 2 năm, 1917 và 1918. Khoảng thời gian ít ỏi như vậy có lẽ là chưa đủ để Paulino trở thành cái tên được lựa chọn.
Nguồn: [Link nguồn]
Một trang báo hàng đầu chuyên nghiên cứu về bóng đá Đông Nam Á đã đưa ra đội hình 11 cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời...