Trận U22 Việt Nam - U22 Campuchia nghi bán độ, phía VFF nói gì?
Ông Lê Hoài Anh - Tổng thư ký VFF kiêm trưởng đoàn U22 Việt Nam thi đấu ở SEA Games 29 đã lên tiếng trước nghi vấn trận đấu U22 Việt Nam thắng U22 Campuchia ở SEA Games 29 bị nghi "có mùi".
Video U22 Việt Nam ăn mừng tri ân các CĐV ở trận thắng U22 Campuchia:
Với đông đảo người hâm mộ bóng đá Việt Nam, SEA Games 29 đã kết thúc không thể bẽ bàng hơn khi một lứa cầu thủ trẻ được kỳ vọng bậc nhất của U22 Việt Nam lại bị loại ngay từ vòng bảng. Sau thất bại nặng nề của tuyển U22 Việt Nam ở đấu trường SEA Games, HLV Hữu Thắng đã tuyên bố từ chức, bầu Đức cũng đã rút khỏi chiếc ghế Phó chủ tịch VFF.
U22 VN có chiến thắng 4-1 trước U22 Campuchia ở vòng bảng SEA Games 29
Nhưng chưa hết, một "cú sốc" nữa với các CĐV bóng đá Việt Nam khi ngày 7/9, đồng loạt 2 tờ báo lớn của Đông Nam Á là The Nation (Thái Lan) và The Straits Times (Singapore) đưa tin về việc các nhà phân tích từ 3 công ty giám sát cá cược tiết lộ rằng những hành vi cá cược đáng ngờ được phát hiện ở 3 trận đấu liên quan đến 5 đội tuyển bóng đá nam ở SEA Games 29, trong đó có 1 trận đấu của tuyển U22 Việt Nam.
Cụ thể, 3 trận đấu bị nghi ngờ gồm U22 Malaysia thắng U22 Lào 3-1, U22 Việt Nam thắng U22 Campuchia 4-1 và U22 Thái Lan thắng U22 Campuchia 3-0. Các nhà phân tích chỉ ra khả năng một số cầu thủ có thể dàn xếp kết quả trước, bắt nguồn từ việc xuất hiện những loại hình cược đặt chính xác kết quả khi trận đấu đang diễn ra.
Để làm rõ thông tin kể trên, chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Hoài Anh - Tổng thư ký VFF kiêm Trưởng đoàn ĐT U22 Việt Nam thi đấu ở SEA Games 29. Ông Lê Hoài Anh cho biết, đến thời điểm hiện tại VFF chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Campuchia ở SEA Games 29 bị nghi bán độ.
"Bản thân tôi khá bất ngờ với thông tin mà báo chí của Thái Lan hay Singapore đưa ra. Kể từ sau khi SEA Games 29 kết thúc với U22 Việt Nam, chúng tôi chưa nhận được thông báo nào về việc trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Campuchia có dấu hiệu bất thường.
Ngay cả bộ phận an ninh của C45 (Cục cảnh sát hình sự) đi theo đội cũng cho biết không có dấu hiệu nghi ngờ nào với các tuyển thủ U22 Việt Nam dự SEA Games 29", ông Lê Hoài Anh thông tin.
Lứa cầu thủ U22 Việt Nam tham dự SEA Games 29 được đánh giá "có học thức, ngoan hơn các đàn anh"
Cũng theo vị lãnh đạo VFF, trước khi SEA Games 29 diễn ra khoảng 2 tháng, VFF đã có sự phối hợp với C45 để rà soát hồ sơ tất cả các thành viên tuyển U22 Việt Nam. "Để đề phòng tiêu cực, VFF đã chủ động phối hợp với C45 từ lâu và C45 cũng cử cán bộ an ninh theo đội tuyển xuyên suốt cả giải, không chỉ ở các kỳ SEA Games mà giải đấu lớn như AFF Cup cũng vậy", trưởng đoàn U22 Việt Nam thông tin thêm.
Tại SEA Games 29 trên đất Malaysia, thượng tá Bùi Xuân Lệ là cán bộ an ninh kèm sát U22 Việt Nam. Theo đánh giá của người trong cuộc, lứa cầu thủ U22 Việt Nam tham dự SEA Games 29 "có học thức, ngoan hơn các đàn anh". Dù vậy, VFF lẫn C45 vẫn đề cao cảnh giác, tránh xảy ra tình trạng cầu thủ dàn xếp tỷ số như Văn Quyến, Quốc Vượng, Huỳnh Quốc Anh... từng làm khi dự SEA Games 2005 tại Bacolod, Philippines.
Đội trưởng Bùi Tiến Dũng vừa chia sẻ bức tâm thư giàu cảm xúc trên mạng xã hội.