Trà đá miễn phí…
Đây không phải là chuyện mà xã hội đang bàn tán xôn xao nhiều chiều mà là câu chuyện hồi xửa hồi xưa bên sân bóng rất đáng để chia sẻ…
Tôi rời Việt Nam đã lâu và lần trở lại gần đây tìm đến sân gôn Phú Nhuận thì không còn nhận ra cái sân cát thời học sinh mình từng đá ở đấy nữa. Tôi tìm đến cái sân gôn vì tuổi thơ của tôi ở đấy có rất nhiều kỷ niệm và bóng đá Sài Gòn nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung cũng có nhiều câu chuyện thêu dệt quanh cái sân đấy.
Tôi nhớ năm 1983 khi còn là học sinh Phú Nhuận và tranh giải học sinh toàn trường ở đấy thì cả cái sân gôn xôn xao vì “trạng nguyên” Đặng Trần Chỉnh về làng. Hồi đấy cầu thủ đá giày Bata ở sân gôn được “bắt” lên Trường Nghiệp vụ TDTT rất đông nhưng để có một chỗ đứng và thành danh ngay (khoác chiếc áo số 10 Cảng Sài Gòn, đá đội hình chính) thì Đặng Trần Chỉnh là người đầu tiên.
Lần đấy Chỉnh về thăm sân gôn - nơi anh từng dang nắng và thay biết bao đôi Bata ở đấy - với chiếc áo Cảng Sài Gòn là nỗi thèm khát của biết bao cầu thủ phong trào. Đám học sinh xếp lớp ngồi kín khu nhà lá của chú Ba Đực quản lý sân gôn, há hốc mồm nghe anh Chỉnh kể chuyện đá giải A1 gian nan và bầm dập như thế nào.
HLV Đặng Trần Chỉnh, nhân vật được nhắc đến và cũng là biểu tượng ở cái sân gôn cùng xô trà đá miễn phí. Ảnh: XUÂN HUY
Chỉnh đã đậu “ông Nghè” nhưng về lại cái sân gôn vẫn dung dị như ngày nào. Thỉnh thoảng nhìn vào những xô nước đã cạn anh lại kêu vọng vào: “Chú Ba, cho con mấy xô trà đá cho mấy em nhỏ uống đã khát đi!”.
Đám trẻ tụi tôi cứ ừng ực trà đá giữa trưa hè say sưa nghe anh Chỉnh kể chuyện. Có đứa len lén lại gần sờ vào đùi anh Chỉnh bằng xương bằng thịt để xem cầu thủ đi đá cho đội A1 Cảng Sài Gòn khác với “cầu thủ sân gôn” như thế nào…
Từ cái sân gôn đấy và từ những xô trà đá miễn phí đấy đã hình thành biết bao tài năng bóng đá của TP.HCM. Sau lứa đầu khóa I có Đặng Trần Chỉnh là hàng loạt những tên tuổi như Quý về Thực phẩm, Trí qua Quân khu 7 rồi được chọn vào Hải quan… Sau nữa là lớp Trần Minh Huy, Đặng Trần Phúc, Trần Tiến Đại… rồi gần hơn là anh em Trần Minh Trung, Trần Minh Chiến, Trần Minh Thắng…
Chỉ là cái sân cát với lòng đam mê của đám trẻ quây nhau đến cạn sức rồi vào nốc trà đá ừng ực thế mà hình thành biết bao thế hệ cầu thủ. Cái sân thường xuyên tổ chức giải vô địch quận Phú Nhuận hồi bác Nguyên còn làm trưởng Phòng TDTT và thầy Hiền cứ nhặt nhạnh từng cầu thủ có năng khiếu giới thiệu lên trường nghiệp vụ… Nó khác hẳn với bây giờ điều kiện vật chất có đủ và trang bị tận răng nhưng tài năng bóng đá TP.HCM thì cứ cạn kiệt dần. Cái thời bóng đá TP.HCM có ba đội A1 rồi sau này là ba đội mạnh nhưng đến giờ không còn đội nào ở hạng cao nhất trong khi sân cỏ thì vẫn mọc lên đầy rẫy cùng những dự án phát triển bóng đá nhưng lúc tuyển sinh thì lại vắng hoe…
Hồi đấy lứa chúng tôi đi chân đất mang giày Bata được đá bóng chung với cầu thủ Cảng Sài Gòn thứ thiệt Đặng Trần Chỉnh. Anh bình dị đến nỗi đá A1 rồi mà về lại “sân nhà” bỏ đôi cờ-răm-bông để mang vào đôi Bata quen thuộc đá cái sân cát Phú Nhuận với đám trẻ. Anh đá rồi thỉnh thoảnh chỉ “chiêu” cho các em trẻ, rồi hết hiệp lại nốc ừng ực những xô trà đá miễn phí cùng các em thấy đã làm sao.
Nghĩ lại thấy thèm cái cảnh sân cát và trà đá miễn phí cùng hàng loạt người tài quá…