Torres về Atletico: Trăn trở ngày hội ngộ
Về lý thuyết, việc tìm lại hào quang ở CLB khởi nghiệp là lựa chọn không tồi đối với những cầu thủ như Fernando Torres. Nhưng anh cũng sẽ phải đối diện với không ít khó khăn khi về “nhà”.
“Tình” ít, “lý” nhiều
Fernando Torres trở về “mái nhà xưa” Atletico Madrid theo bản hợp đồng cho mượn là sự kiện thực sự gây sốc, cả về cái tình lẫn cái lý. Sốc vì “đứa con cưng” ngày nào đã đoàn tụ với sân Vicente Calderon sớm hơn dự kiến, và vẫn nhận được nhiều tình cảm như thuở nào.
Nhưng sự trở lại của anh không hề đúng lúc chút nào.
Thứ nhất, không ai dám nghĩ CLB đang cạnh tranh quyết liệt cho ngôi vô địch La Liga như Atletico Madrid lại bổ sung một cầu thủ đã qua bên kia sườn dốc sự nghiệp ở độ tuổi chưa phải quá già.
Torres, cũng như Atletico Madrid đều đã thay đổi quá nhiều so với thời điểm cách đây 7 năm
Atletico Madrid chẳng thiếu tiền đến mức rước về một món hàng “free”, thậm chí còn có thể mang về cái tên đình đám trên thị trường chuyển nhượng cỡ Edison Cavani chẳng hạn. Thực tế thời điểm trước khi Torres chật vật ở Serie A, thì CLB thành Madrid đã chiêu mộ Alessio Cerci - một trong những tiền đạo giỏi nhất đấu trường đó (lí do khiến Atletico móc hầu bao để mua anh).
Rõ ràng về hiệu quả, Altetico Madrid đã khởi động từ con số 0 về số âm!
Thứ hai, Fernando Torres giờ đây đã rất khác với ngày anh rời khỏi Atletico Madrid cách đây 7 năm. Và Atletico Madrid – cũng không còn là Atletico Madrid của ngày xưa, "không mạnh, chẳng yếu”, luôn chỉ phấn đấu cho mục tiêu dự cúp châu Âu nữa. Họ đang là nhà ĐKVĐ La Liga.
Có thể lí giải thế này: Thị trường mùa đông luôn là giải pháp cực chẳng đã bởi tính rủi ro cao. Diego Simeone thừa hiểu điều này, vì vậy ông quyết định chọn giải pháp an toàn, đó là hỏi mượn, mượn một cầu thủ có đủ uy tín, danh tiếng và tầm ảnh hưởng nhằm trấn an tâm lí các CĐV nhà, đồng thời tạo hiệu ứng niềm tin nhất định tới tập thể đội bóng.
Với những tiêu chí đó, không ai xứng đáng hơn Fernando Torres.
Những tấm gương nhãn tiền
Trước khi đánh giá khả năng Torres thành công ở “nhà” chỉ trong nửa mùa giải ngắn ngủi, người ta thường nhìn vào một vài tấm gương đi trước. Đáng buồn là tỉ lệ thành công tương đối của những người đàn anh là tương đối thấp.
Kaka, cựu cầu thủ hay nhất thế giới năm 2007 trong màu áo AC Milan. Năm 2009, anh gia nhập Real Madrid với mức giá 56 triệu bảng nhưng thi đấu thảm hại. Mùa hè năm 2013, Kaka trở lại đội bóng cũ trong vòng tay hân hoan từ NHM. Kết quả: Milan đứng thứ 9 Serie A, không thể giành quyền dự Champions League, bản thân Kaka phải lưu lạc đến Mỹ dưới màu áo Orlando City.
Họ đã trở lại và ra đi khỏi "mái nhà" xưa trong không kèn không trống
Fabio Cannavaro, hậu vệ duy nhất trong thế kỉ 21 đăng quang World Cup và Quả bóng vàng thế giới cùng một năm. Cũng như Kaka, Cannavaro đi theo tiến gọi hào nhoáng của Real Madrid và nhanh chóng trở thành gã hề ngay từ trận đấu đầu tiên (nhận thẻ đỏ, Real thua). 3 năm sau, Cannavaro trở về với CLB từng giúp mình thành danh – Juventus và trụ lại đúng 1 mùa giải. Trớ trêu thay, thời điểm anh ra đi cũng là lúc CLB khởi đầu giai đoạn thống trị Serie A.
Andriy Shevchenko là trường hợp thê thảm nhất với hai lần trở lại – ra đi. Niềm tự hào của bóng đá Ukraine tái ngộ AC Milan - nơi anh gắn bó giai đoạn 1999-2006, vào đầu mùa 2008-09 theo dạng cho mượn, nhưng chỉ ra sân 18 lần. Cuối năm đó, Shevchenko quay về CLB “chôn rau cắt rốn” Dynamo Kiev và có thêm 55 lần xuất trận trước khi treo giày trong thầm lặng.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều người thi đấu thành công như Didier Drogba, Lukas Podolski hay Thierry Henry nhưng vai trò, đẳng cấp của họ không còn đủ lớn để tạo ra tầm hưởng với CLB nữa, vì vậy cuộc tái ngộ đó chỉ coi như lần “dạo chơi”, một phần thưởng tôn vinh đóng góp vĩ đại cho CLB mà thôi.
Torres về "nhà cũ", Mata mừng ra mặt Ngay sau khi nhận được tin người đồng đội ở tuyển TBN, tiền đạo ngôi sao Torres trở về CLB cũ Atletico, tiền vệ của Quỷ đỏ đã gửi bức thông điệp chúc mừng với nội dung: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi anh ấy trở về Atletico, nơi bắt đầu của 1 tài năng xuất chúng. Với tất cả niềm tôn trọng, tôi nghĩ anh ấy hoàn toàn xứng đáng được mọi người tôn vinh khi trở lại. Cầu chúc anh ấy luôn gặt hái nhiều thành công”. Cả Mata và Torres đều nhận thức rõ phận “đời thừa” của mình khi còn khoác áo cho Chelsea. Thế nên, dễ hiểu chuyện Mata tha thiết mong chờ ngày Torres thoát khỏi cảnh ngộ bị đọa đày dưới triều đại của HLV Mourinho. Bản thân Mata đã được MU giải thoát khỏi Stamford Bridge và từng bước đang thể hiện chuỗi phong độ rất ấn tượng trong mùa giải 2014/2015, xứng tầm với “Chân chuyền hay nhất NHA”. Theo đó, El Nino cũng từng được mệnh danh “Siêu tiền đạo” khi còn ở Liverpool, và hãy cùng Mata chờ đợi sự trở lại của Torres tại RojiBlancos - Nơi tiễn El Nino ra đi và cũng là điểm đón chờ tiền đạo 30 tuổi quay gót trở về. |