Tìm hiểu futsal biến giấc mơ VN dự World Cup thành thực (Infographic)
Futsal là môn thế thao như thế nào? Đội tuyển futsal Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên bản đồ quyền lực của futsal thế giới? Mời các bạn tìm hiểu sơ bộ về môn futsal.
Nguồn gốc và lịch sử futsal
Futsal hay còn gọi bóng đá trong nhà, được xem như là một dạng của bóng đá sân nhỏ. Nhiều cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đã lựa chọn chơi bóng đá trong nhà để luyện tập các kĩ năng cơ bản.
Môn này bắt đầu bắt đầu phát triển từ năm 1930 Uruguay, cùng năm tổ chức World Cup ở nước này. Người góp công đầu phát triển là Juan Carlos Ceriani. Ông đã sáng tạo ra trò chơi dành cho 5 người mỗi đội và có thể thi đấu trong nhà, hoặc ngoài trời.
Tây Ban Nha và Brazil là 2 đội tuyển futsal hàng đầu của thế giới
Loại hình bóng đá này nhanh chóng được chấp nhận và chơi phổ biến khắp Nam Mỹ. Năm 1958, Liên đoàn thể thao Brazil đặt ra luật lệ chính thức đầu tiên cho futsal.
Liên đoàn bóng đá trong nhà thế giới (FIFUSA) được thành lập năm 1971 để quản lý futsal, và tổ chức giải vô địch bóng đá trong nhà thế giới đầu tiên ở Sao Paulo năm 1982.
Sau đó đã xảy ra xung đột giữa FIFA và FIFUSA về quyền quản trị bóng đá trong nhà dẫn tới việc liên đoàn Futsal Brazil tách ra khỏi FIFUSA vào tháng 5/1990 và thành lập Liên đoàn Futsal Liên Mỹ (PANAFUTSAL), với sự tham gia của 15 nước châu Mỹ.
Một liên đoàn thế giới độc lập khác so với liên đoàn được FIFA bảo trợ Asociacion Mundial de Futsal (AMF) được thành lập.
Futsal ngày nay
Ngày nay futsal được tổ chức khá giống với mô hình của bóng đá. Các khu vực (châu Á, châu Mỹ, châu Âu...) tổ chức giải vô địch của riêng mình. Và sau đó, tùy theo số lượng hạt giống được phân phát cho từng khu vực, các đội sẽ tụ hội để tranh tài ở FIFA Futsal World Cup.
Futsal Việt Nam đứng thứ 44 trên bảng xếp hạng
FIFA Futsal World Cup 2016 sẽ là lần thứ 8 giải đấu này được tổ chức, với 24 đội tuyển xuất sắc nhất đến từ 6 khu vực. Châu lục góp mặt với nhiều đại diện nhất là châu Âu với 7 đại diện, tiếp đến là Châu Á với 5 đại diện, CONCACAF và Nam Mỹ mỗi khu vực có 4 đại diện bao gồm đội chủ nhà Colombia, Châu Phi sẽ có 3 đại diện và cuối cùng là 1 đại diện đến từ Châu Đại Dương.
Hiện tại, các trận đấu vòng loại ở các châu lục vẫn đang diễn ra. Vì vậy, cho đến thời điểm này mới chỉ xác định được 8 đội tuyển chính thức có vé đến Colombia bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Uzbekistan, Iran (Châu Á), Brazil, Argentina, Paraguay (Nam Mỹ) và Đảo Solomon (Châu Đại Dương).
Bản đồ quyền lực
Sau 7 lần tổ chức, Futsal World Cup đã chứng kiến 2 nhà vô địch. Đội bóng giàu truyền thống nhất là Brazil với 5 danh hiệu, đặc biệt là 3 lần liên tiếp lên ngôi từ 1989 đến 1996. Tây Ban Nha đã 2 lần lên ngôi với 2 danh hiệu liên tiếp các năm 2000 và 2004.
Iran đứng thứ 6, Nhật Bản thứ 9, Thái Lan thứ 16
Hiện tại, Tây Ban Nha đang dẫn đầu trên bảng xếp hạng thế giới với 1948 điểm. Brazil xếp ngay sau thứ 2 với 1919 điểm. Hai đội tuyển này được cho là có đẳng cấp chênh lệch với phần còn lại.
Tiếp đến là Nga (1740), Ý (1656), Argentina (1620). Đội tuyển Nhật Bản - bại tướng mới đây của chúng ta - xếp thứ 9 với 1444 điểm. Trong khi đối thủ sắp tới của Việt Nam, đội tuyển Iran đứng thứ 6 với 1613 điểm. Họ cũng là đội tuyển đứng đầu châu Á.
Không phải ngẫu nhiên mà Iran trở thành siêu cường Futsal số 1 của châu Á. Họ có hẳn một giải VĐQG về Futsal gọi là Futsal Super League và Futsal Super League của Iran được coi là giải VĐQG Futsal mạnh nhất Châu Á hiện nay.
Sau chiến thắng trước "Samurai xanh", Việt Nam nhảy 6 bậc để đứng thứ 44. Trong khi Thái Lan cũng nhảy 2 bậc để đứng thứ 16.