Tiki-taka phòng ngự và lời bào chữa cho Van Gaal ở MU
Pep Guardiola dù dẫn dắt ở đâu thì tiki-taka của ông cũng mang lại hiệu quả về tấn công lẫn phòng ngự. Phải chăng MU cũng nên học tập lối chơi ấy thay vì nhờ tới Jose Mourinho?
Pep Guardiola đã thua 42 trận trong sự nghiệp HLV của mình. Tất nhiên, thua chỉ 42 trận khi dẫn dắt những đội như Barcelona và Bayern Munich rất mạnh nghe có vẻ không quá ấn tượng, nhưng số bàn thua của các trận thua ấy là ra sao mới đáng chú ý trong bài viết này.
Dưới đây là thống kê về số trận thua từng mùa giải của Pep Guardiola:
Như vậy là chỉ có 15 trận thua trên tổng số 42 trận là đội của Pep Guardiola lọt lưới nhiều hơn 1 bàn. Còn lại đều là trận thua có 1 bàn thua hoặc thua trong loạt sút luân lưu.
Thậm chí khi xem kết quả từng trận thua, 5/9 thất bại của Pep ở Bundesliga đến sau khi Bayern Munich đã chắc chắn vô địch. Cùng trong mùa 2008/09, Barca có 2 trận thua La Liga khi đã chắc chắn vô địch, 1 trận thua Legia Warsaw ở lượt về vòng sơ loại Champions League sau khi đã thắng lượt đi 4-0, và 1 trận thua ở lượt cuối vòng bảng Cup C1 khi đã chắc vé đi tiếp.
Điều này chứng tỏ rằng tiki-taka, một chiến thuật đề cao bóng đá tấn công đẹp mắt, cũng đồng thời là một chiến thuật phòng ngự khá hiệu quả. Nó đơn giản bám vào thực tế rằng nếu đối phương không cầm được bóng thì không thể ghi được nhiều bàn.
Nói về chiến thuật tiki-taka, nó vốn không được xem như một chiến thuật phòng ngự phản công, nhưng về mặt phòng ngự nó lại là một phương pháp phản công chết người. Lời của Pep Guardiola vào năm 2009: “Anh giành lại bóng cách khung thành đối phương 30m, chứ không phải 80m”.
Do đặc thù kiểm soát bóng của chiến thuật này nên ban đầu sẽ có sự ngượng nghịu trong xử lý bóng của các hậu vệ (như Man City ở vài vòng đầu tiên mùa giải này). Nhưng một khi họ làm quen, khả năng thủng lưới trước các đội có xu hướng chơi áp sát sẽ thấp hơn và tiki-taka sẽ bước vào trạng thái hoàn chỉnh trên phương diện tấn công lẫn phòng ngự.
Và chuyện của MU thời Van Gaal
Lại nói đến kiểm soát bóng và ít thủng lưới, mùa giải 2015/16 MU là đội thủng lưới ít nhất Premier League bên cạnh Tottenham (35 bàn thua) và giữ sạch lưới nhiều trận nhất, với tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình 55.9% mỗi trận (chỉ sau Arsenal) , nhưng lại không về đích trong nhóm dự Champions League. MU 2015/16 không hẳn là tiki-taka như Pep Guardiola thực thi, nhưng vẫn phần nào chứng tỏ cầm bóng nhiều sẽ ít thủng lưới.
MU mùa 2015/16 thủng lưới ít nhất Ngoại hạng Anh, nhưng ghi quá ít bàn thắng khiến Van Gaal phải rời ghế HLV trưởng
Nhiều người cho rằng MU ít thủng lưới là do David De Gea chơi xuất thần. Thực tế theo con số thống kê, De Gea đối mặt với số cú sút từ đối phương ít hơn so với Hugo Lloris, Thibaut Courtois, Kasper Schmeichel, Joe Hart và Petr Cech. De Gea đúng là cứu thua nhiều, nhưng không nhiều tới mức để nói rằng đủ để cứu phần lớn số điểm MU giành được mùa trước.
Thành tích kém của MU mùa trước là do hàng công, họ thủng lưới ít ngang Tottenham nhưng Spurs ghi nhiều hơn MU tới 20 bàn (69 với 49). Chiến thuật tấn công của Louis Van Gaal nhìn chung quá cứng nhắc và nhàm chán, trong khi MU thiếu một chuyên gia dứt điểm có khả năng chạy bứt qua hàng thủ đối phương để đón các pha bóng đưa vào trong. Anthony Martial thì chỉ bên cánh trái, cánh phải chẳng có ai, Wayne Rooney đến tháng 1/2016 mới “vào phom” và Marcus Rashford không xuất hiện cho tới tháng Hai.
Có thể những lời sau đây được xem là chủ nghĩa xét lại (nhất là trong bối cảnh MU của Jose Mourinho vừa thua 3 trận), nhưng tôi cho rằng với những cầu thủ MU đưa về mùa này như Ibrahimovic, Mkhitaryan hay Pogba, MU lại có thể thực thi lối chơi của Louis Van Gaal tốt hơn. Những cầu thủ như vậy có trình độ và đã chứng tỏ khả năng của mình ở các đội bóng chơi kiểm soát bóng nhiều.
Tôi tin tưởng vào việc hình thành một phong cách bóng đá đặc trưng để làm nền tảng cho thành công lâu dài mà không phụ thuộc vào một HLV nào. Louis Van Gaal là một kiểu người sẵn sàng bỏ thời gian ra làm như vậy, chẳng phải Bayern đã đá tiki-taka từ thời Van Gaal trước khi Pep tới dẫn dắt?
Mourinho có thể thành công cùng MU, nhưng quá trình xây dựng lại sau khi ông đi sẽ rất tốn kém
Việc Van Gaal đưa cầu thủ già đá ở đội trẻ để lấy thể lực cũng là ý kiến hay. Lý do? Họ sẽ không ngốn các trận đấu quan trọng của MU để lấy lại phong độ, còn cầu thủ ở đội trẻ và đội dự bị được làm quen với phong cách chơi của các đàn anh nên MU sẽ dễ đôn lứa trẻ lên đội 1 hơn. Nhưng nay với Mourinho, điều đó sẽ không dễ dàng.
MU đã chọn Jose Mourinho, một người ưu tiên thành công ngắn hạn trước với phong cách bóng đá kiểu đối phó, và quyết định đó cũng có lý sau thất bại của Van Gaal. Nhưng khi Mourinho ra đi, MU sẽ trở lại xây dựng từ đầu và quá trình ấy sẽ tốn kém hơn nhiều về tiền bạc lẫn thời gian so với cách mà Barca, Bayern và (sắp sửa là) Man City đang đi.