Tiki-taka có lại bay lên từ đáy vực?
Sau Barcelona là đội tuyển Tây Ban Nha. Thêm một lần nữa, Tiki-taka lại bị thách thức, thậm chí bị dồn đến chân tường. Lần này, phép màu nào sẽ xảy ra?
Xuống đáy
Bị cầm hòa hai trận liên tiếp trên sân nhà trong khuôn khổ các giải chính thức là điều đã không xảy ra với đội tuyển TBN kể từ World Cup 1982. Đó là thời điểm mà bóng đá TBN chỉ vừa mới trải qua quá trình tái thiết được khoảng gần nửa thập kỷ, sau khi chế độ độc tài Franco sụp đổ. Đội tuyển TBN chỉ vừa trở lại với giải EURO (bị loại từ vòng bảng ở EURO 1980), sau 3 kỳ liên tiếp lỡ hẹn vào các năm 1968, 1972 và 1976. Trước World Cup 1982 diễn ra trên sân nhà, TBN đã vắng mặt trong hai kỳ World Cup liên tiếp là 1970 và 1974, và sau đó bị loại từ vòng bảng ở World Cup 1978.
Thời điểm ấy, bóng đá TBN đã xuống đáy, trước khi bắt đầu quá trình leo dốc. Ban đầu, họ chỉ được biết đến với biệt danh “Vua vòng loại” trong suốt thập niên 1990 và nửa thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Trong 5 năm qua, nhờ triết lý Tiki-taka, đội bóng có tố chất kỹ thuật siêu việt ấy mới có thể vươn lên đỉnh thế giới.
Nhưng đây là thời điểm mà lối chơi ấy bị đặt dấu hỏi. TBN dưới thời HLV Vicente Del Bosque đã toàn thắng 17 trận sân nhà trước khi hòa hai trận liên tiếp trước Phần Lan và Pháp (cùng 1-1). Mà Phần Lan là ai? Họ đã thua TBN trong cả 3 lần đối đầu trước đó, thủng lưới 11 lần và chỉ ghi được một bàn. Trận vừa qua, dù tung ra đến 29 pha dứt điểm, TBN cũng chỉ ghi được một bàn thắng không phải là điển hình cho phong cách của họ (Ramos đánh đầu từ quả phạt góc).
Trận hòa đội tuyển Pháp, TBN thậm chí không thể vượt trội ở phương diện mà họ tự tin nhất: Cầm bóng. Tỉ lệ kiểm soát bóng của hai đội là ngang nhau, 50%.
Tiki-taka gặp thách thức
Từ bài học của Barcelona
Cách đây 3 tuần, vấn đề tương tự đã được đặt ra với Barcelona, sau 3 trận thua trước Real Madrid và AC Milan chỉ trong vòng 10 ngày. Lối chơi trong cả ba trận là bế tắc, quẩn quanh, chỉ là những đường chuyền an toàn mà không có đột biến. Tiki-taka chỉ làm tốt nhiệm vụ cầm bóng, nhưng vây ráp kém và thiếu sự linh hoạt trong di chuyển tấn công.
Những nghi ngờ dấy lên. Chu kỳ vinh quang của Barca đã kéo dài lâu hơn bất kỳ đế chế nào trước đây, và kỷ nguyên của Pep Guardiola có lẽ là đỉnh cao của chu kỳ ấy rồi. Bởi vì Real Madrid và AC Milan đã thực sự đánh bại Barca bằng nghệ thuật phòng ngự có chiều sâu, không phải là thứ phòng ngự tiêu cực. Bởi vì Barca thậm chí đã thua ngay tại Camp Nou, nơi mà lối chơi sở trường của họ vận hành với hiệu suất tốt nhất.
Nhưng 3 trận thắng liên tiếp sau đó, đặc biệt là thắng lợi 4-0 trước Milan, cho thấy rằng một khi Barca là chính họ, thì Tiki-taka không có đối thủ. Khác biệt là lối chơi này đã được triển khai một cách thực dụng và giàu quyết tâm hơn. Nếu ở 3 thất bại trước đó, Barca quá phụ thuộc vào những đường chuyền và dường như thi đấu để phô diễn triết lý, hơn là thực hành triết lý, thì đến trận gặp Milan, họ vận dụng Tiki-taka để ghi bàn bằng mọi giá. Lượt đi, cho đến phút 75, Barca mới tung ra cú sút xa đầu tiên, tấn công biên ít và các tiền vệ trung tâm không thường xuyên dâng cao. Lượt về, Barca liên tục dứt điểm từ xa, Daniel Alves chơi như một hậu vệ biên điển hình của bóng đá Anh, còn Xavi thường xuyên hoạt động ở rìa cấm địa hoặc xâm nhập thẳng vào cấm địa.
4 năm với đủ mọi chiến quả, với một lối chơi lặp đi lặp lại và chừng ấy con người quen thuộc có lẽ đã khiến cho động lực của Barca chỉ được đánh thức khi họ bị dồn đến chân tường. Tức là chỉ khi tiêu diệt đối thủ là nhiệm vụ cấp bách và sống còn, Tiki-taka mới vận hành đúng với tính chất biến hóa vô lường của nó.
Barca cũng đã trải qua cảnh tương tự
TBN là Barca thiếu Messi
Trận gặp Pháp ở lượt đi, TBN ra sân với 6 cầu thủ Barca, và trận hòa Phần Lan vừa rồi là 7. Tức là "thói quen" vùng dậy ở chân tường hoàn toàn có thể được sao chép từ Barca sang đội tuyển TBN.
Nhưng bị dồn vào chân tường chỉ là tình thế tạo ra động lực, chưa phải tác nhân khai phá động lực. Ở Barca, tác nhân đó là Lionel Messi. Hãy nhớ lại bàn đầu tiên vào lưới Milan ở lượt về: Một cú đá nhanh hơn tốc độ suy nghĩ của bất kỳ hậu vệ, thủ môn, và thậm chí là khán giả nào theo dõi. Bàn tiếp không ngoạn mục bằng, nhưng vẫn đậm dấu ấn cá nhân. Sau cú đúp ấy, Barca không đè bẹp Milan mới lạ!
TBN không có Messi, và đó là trở ngại cho việc tái tạo động lực cho lối chơi của họ. Vậy thì họ buộc phải trông chờ vào tài xoay xở của HLV Del Bosque.
Sơ đồ 4-6-0 là cải tiến của ông Del Bosque đã giúp TBN vô địch EURO 2012. Không cần một tiền đạo đích thực, nhưng việc có đến 6 tiền vệ giỏi chuyền bóng và di chuyển đã giúp họ tối ưu hóa hiệu quả của lối chơi này.
Nhưng sự mệt mỏi và giảm động lực từ các tiền vệ của Barca đang làm hại TBN, vì không có một cá nhân kiệt xuất cỡ Messi khai phá động lực, và vì ông Del Bosque chưa tìm ra thêm cách "làm mới" nào có hiệu quả cho đội bóng của mình.
Một đội tuyển Pháp đang đạt trạng thái chín muồi sau hai đời HLV có tư tưởng cách tân khá giống nhau là Laurent Blanc và Didier Deschamps là thử thách không dễ cho đội TBN trong bối cảnh hiện tại. Ông Del Bosque cũng khó có thể tìm ra một phương án chiến thuật có tính khai phá chỉ sau vài ngày.
Vì thế, có thể là TBN vẫn sẽ tìm ra cách để mài sắc lại Tiki-taka, nhưng ở trận gặp Pháp thì không. Một kết quả hòa là hợp lý. Trừ phi, Messi được phép... đá cho tuyển TBN.