Tiết lộ: Ronaldo từng suýt bỏ bóng đá vì bệnh tim
Messi và Ronaldo tuy có khác biệt về thể chất, nhưng họ cùng phải vượt qua bệnh tật để đến với thành công trong bóng đá.
Những bệnh về tim mạch luôn là một hiểm họa tiềm ẩn tới tính mạng của các cầu thủ bóng đá nói riêng và các VĐV nói chung. Không thể không nhắc đến những bi kịch như Antonio Puerta trong màu áo Sevilla hay Dani Jarque ở Espanyol. Những cầu thủ như Ruben de la Red hay Manuel Almunia cũng đã phải giải nghệ theo lời khuyên của bác sĩ.
Tiền vệ Angel Correa vừa trở lại với Atletico Madrid sau mùa giải 2014/15 không thi đấu do hở van tim và phải phẫu thuật. Nhưng Correa có thể lạc quan rằng nếu như bệnh lý của anh được chữa trị dứt điểm, anh có thể trở thành một cầu thủ giỏi đúng như kỳ vọng của dư luận Argentina khi anh chuyển sang La Liga.
Sự nghiệp của Lionel Messi có thể đã không bao giờ tồn tại nếu không được Barcelona cưu mang
Đồng hương Lionel Messi khi mới 11 tuổi đã mắc chứng thiếu hormone tăng trưởng. Tiền chữa trị bệnh lý đã khiến Messi bị CLB River Plate từ chối, nhưng đổi lại vận may đã đến với gia đình nhà Messi khi Barcelona đồng ý thanh toán tiền chữa bệnh cho Messi, với điều kiện cậu bé chuyển sang TBN để được đào tạo bóng đá. Nhờ đó mà chúng ta có một Lionel Messi như ngày nay, người đã xây dựng Barcelona thành một triều đại bóng đá.
Đối thủ sân cỏ lớn nhất của Messi, Cristiano Ronaldo, cũng ở trường hợp tương tự như Correa. Ở tuổi 15, Ronaldo bị mắc chứng tim đập nhanh mỗi khi cậu ngồi nghỉ, khiến nguy cơ phải từ bỏ bóng đá hiện hữu. Mẹ Ronaldo đã quyết định cho phép các bác sĩ thực hiện phẫu thuật tim và vấn đề đã được giải quyết ổn thỏa nhờ liệu pháp laser. Nhờ đó mà Ronaldo được tiếp tục tập luyện và trở thành cầu thủ vĩ đại như ngày nay.
Có không ít các VĐV khác cũng suýt phải từ bỏ thể thao khi còn nhỏ tuổi do các bệnh lý. Paul Gascoigne bị chứng ám ảnh và chứng rối loạn TIC ở năm 10 tuổi, khiến gia đình phải đưa Gascoigne tới trung tâm vật lý trị liệu để chữa chạy. Gascoigne sau này trở thành một tiền vệ nổi tiếng và đưa ĐT Anh tới hạng Tư World Cup 1990.
Cristiano Ronaldo chữa khỏi bệnh tim ở tuổi 15
Thủ môn Tim Howard đang thi đấu cho Everton đã bị chứng Tourette (co giật vận động và có tật khi phát âm) và chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế khi bước vào lớp 6. May mắn cho Howard khi anh được nhận huấn luyện bóng đá miễn phí vào năm 12 tuổi. Sau này khi đã thành danh, Howard đã bỏ công sức để đi làm từ thiện với các trẻ bị mắc chứng Tourette giống như anh.
Nữ VĐV điền kinh huyền thoại Wilma Rudolph bị mắc bệnh bại liệt vào năm 4 tuổi khiến một bên chân bị vẹo. Trong suốt 8 năm tiếp theo gia đình nhà Rudolph đã nỗ lực chữa chạy và cuối cùng cô bé Wilma cũng trở thành một đứa trẻ bình thường vào năm 12 tuổi, năm mà bà bắt đầu sự nghiệp thể thao và sau này đoạt 3 HCV tại Olympic 1960, trở nên lừng danh thế giới với danh xưng “Người phụ nữ nhanh nhất thế giới”.
Có thể nói dù là tài năng thiên bẩm hay khổ luyện nên công, không ít VĐV còn phải nhờ đến may mắn và nghị lực để vượt qua vấn đề sức khỏe thuở thiếu thời trước khi chinh phục thế giới thể thao.