“Tiếng còi ma” trọng tài và điệp khúc con hư tại mẹ
Các vòng đấu gần đây, các đội bóng và giới chuyên môn hay ca thán trọng tài nhưng họ vẫn luôn được bảo vệ. Cho đến giọt nước tràn ly trên sân Thanh Hóa, tất cả đã dồn lên đầu một trọng tài.
Riêng với ông Nguyễn Hồng Thanh – người phải vào sân để can ngăn các HLV SLNA, hiểu cuộc chơi này hơn ai hết, nhưng ông khẳng định mình bất lực. Ông không nhìn ngắn với quyết định của một trọng tài mà ông nhìn xa hơn đó là toàn cục và điều gì khiến các trọng tài có thể bất chấp mà làm bậy như thế.
Cái sai của một trọng tài nhưng lỗi là do một hệ thống bóng đá
Những buổi lên lớp và trao đổi nghiệp vụ của trọng tài bao giờ cũng nhấn mạnh việc không quan sát rõ, không đảm bảo thì không được quyết.
Trọng tài Nguyễn Đức Vũ (trái)
Ở đây trọng tài Hà Anh Chiến nói rằng thể lực không tốt nên không theo kịp và không thấy rõ, nhưng vẫn quyết. Ông Chiến đã không cần đến sự giúp sực của trợ lý, của trọng tài thứ tư, dù ông được trang bị bộ đàm và được phép dừng trận đấu để tham khảo các trợ lý rồi quyết.
Ông Chiến cũng được phép thay đổi quyết định nếu biết mình sai trong thời gian dừng trận đấu và quả 11 mét chưa được thực hiện. Thế nhưng ông Chiến đã bỏ qua tất cả những phương pháp, những buổi trau dồi nghiệp vụ và đi đến quyết định rất nhanh, rất dứt khoát.
Cần biết đây không phải là lần duy nhất sân Thanh Hóa có những bàn thắng gây tranh cãi có lợi cho chủ nhà đúng vào thời khắc quan trọng của trận đấu. Năm ngoái trận Thanh Hóa – HA.GL từng có bàn thắng phạm luật ở phút 90+2 và vòng đấu trước cũng với HA.GL đã từng có những tranh luận rất nặng nề liên quan đến trọng tài Đức Vũ không liên quan trực tiếp đến bàn thắng nhưng có nhiều tình huống có lợi cho chủ nhà.
Đáng tiếc là với cái sân Thanh Hóa, hay với đội Thanh Hóa, nhiều người vẫn nghĩ là “vùng cấm” là nơi mà các trọng tài để xảy ra sai sót.
Chia sẻ với tôi, chính một lãnh đạo VFF xin giấu tên nói thẳng rằng ông đã được nghe rất nhiều những ca thán về trọng tài và về mối quan hệ của một Phó chủ tịch với đối tác tài trợ của CLB Thanh Hóa. Ông này tin chắc rằng khi ông nghe thông tin đó, các trọng tài, các giám sát cũng biết rồi, từ đó có những suy nghĩ về “vùng cấm” của “sếp”.
Nói các trọng tài ra sân có tư tưởng rằng đấy là đội bóng thân với “sếp” nhiều người trong cuộc sẽ hiểu đúng, mà nói từ những mối quan hệ với “sếp” chuyển sang những mối quan hệ với “lính” theo kiểu “có qua, có lại” cũng không sai.
Làm bóng đá mà để các đội ngờ vực với những luồng thông tin kiểu bán tín bán nghi, rồi dắt dây đến các trọng tài thì làm sao có thể điều hành một cách trung thực được.
Xét cho cùng lỗi của trọng tài Hà Anh Chiến trước hết là cái sai của trọng tài. Nhưng sâu xa hơn là có những cái sai của những nhà điều hành mà hơn ai hết những ông trưởng đoàn, những thành viên trong ban chấp hành đều biết, nhưng vì sao không ai dám phản ứng một cách công khai.
Đó lại là vấn đề lớn hơn mà bóng đá Việt Nam đang vướng vào “căn bệnh” rất nặng liên quan đến 1-2 người “bao phủ” cả nền bóng đá.
Các anh đừng cho tiền trọng tài nữa Mùa giải 2013, trong buổi sơ kết, bầu Kiên với tư cách Phó Chủ tịch HĐQT VPF đã chỉ thẳng mặt một số lãnh đạo đội bóng, trong đó có bầu Đệ (khi đấy là “ông chủ” đội Thanh Hóa) và nói thẳng thừng: “Các anh đừng cho tiền trọng tài và đừng làm hư họ nữa. Tôi có đầy đủ bằng chứng các anh nhờ vả và cho tiền họ. Tôi cũng buộc Ban trọng tài đình chỉ vĩnh viễn hai trọng tài vòi vĩnh và nhận tiền của các đội bóng!”. Riêng với vụ án trọng tài nhận hối lộ và lãnh đạo CLB đưa hối lộ mùa 2005, khi đứng trước vành móng ngựa, lãnh đạo đội bóng nói rằng cho tiền trọng tài chỉ để mong họ bắt công tâm, còn trọng tài nhận hối lộ đã thản nhiên: “Họ cho nói là giúp đỡ vì khó khăn thì chúng tôi nhận, chứ có hứa bắt có lợi cho họ đâu. Thậm chí là có khi đội họ thua, họ cũng cho tiền…”. |
Video những vấn đề xung quanh quyết định của trọng tài (Bản quyền VTV):