Tiền vệ Lâm Quý (U21 An Giang): Đá bóng để... thoát nghèo
Tại giải U21 Quốc gia 2015 đang diễn ra tại TP.HCM, U21 An Giang nổi lên như một "chú ngựa ô". Chơi nổi bật ở tuyến giữa, tiền vệ phòng ngự Lâm Quý đã góp phần không nhỏ vào thành công của đội bóng.
Siêu phẩm đầu đời
Phút thứ 30, khi U21 An Giang đang bị chủ nhà TP.HCM dẫn trước 0-1 trong lượt trận thứ hai vòng bảng, đội bóng miền Tây được hưởng một quả đá phạt ở khoảng cách 25m. Tiền vệ phòng ngự Lâm Quý của An Giang tung cú sút quyết đoán găm bóng thẳng vào lưới đội chủ nhà TP.HCM để san bằng cách biệt cho đội khách.
Tiền vệ Lâm Quý (trái) góp công không nhỏ trong thành công của U21 An Giang. Ảnh: Thái Kiên
Từ bàn gỡ hòa của cầu thủ mang áo số 14, U21 An Giang thi đấu tự tin và tạo nên màn ngược dòng ngoạn mục thắng TP.HCM 3-1, qua đó chắc suất vào bán kết: "Cảm xúc khó tả lắm. Bản thân tôi cũng không tin đôi chân mình lại sút được quả phạt đẹp thế"- Lâm Quý xúc động chia sẻ.
Thi đấu trong vai trò đánh chặn, nhìn cách cầu thủ này chững chạc hóa giải các đợt tấn công của đối phương, ít ai biết rằng Lâm Quý đang mang nỗi lo về bệnh tình của bà ngoại ở quê nhà. Sau mỗi trận đấu, Lâm Quý lại gọi điện về hỏi thăm bệnh tình của bà và rất nhiều lần, anh phải nuốt nước mắt vào trong để tiếp tục sát cánh cùng đồng đội.
Trốn cha mẹ đi thi tuyển
Theo dòng tâm sự, Quý kể lại những ngày đầu chập chững theo đuổi niềm đam mê. Hôm ấy, mới 4 giờ sáng, khi cha mẹ còn đang say giấc, cậu bé 11 tuổi Lâm Quý lặng lẽ cầm đôi giày ba-ta cũ chạy đến sân vận động huyện Châu Đốc để tham gia cuộc thi tuyển chọn năng khiếu bóng đá tỉnh An Giang.
Xuất sắc "dính" lại vòng đầu (theo cách nói của Quý), cậu bé không dám về "trình bày" gia đình vì sợ bị cha mẹ không đồng ý. Đến khi được thông báo lên thành phố Long Xuyên thi đợt hai, Lâm Quý mới dám thưa chuyện với gia đình. Hiểu được sự quyết tâm và niềm đam mê trái bóng vô bờ bến của cậu con trai, ba mẹ Lâm Quý đã hết lòng ủng hộ. Được tiếp sức mạnh từ gia đình, Quý đã xuất sắc vượt qua vòng hai để có suất trong lò đào tạo trẻ của An Giang luyện tập 7 năm qua.
Nhà nằm ở huyện vùng ven biên giới cách xa nơi tập luyện, mấy tuần đầu, cậu bé Lâm Quý thường xuyên trốn trong chăn khóc vì nhớ nhà. Những lúc ấy, niềm đam mê bóng đá và những lời động viên của cha mẹ mỗi khi được về thăm nhà trở thành động lực giúp Lâm Quý có thêm niềm tin và động lực phấn đấu.
Cha là nông dân, hằng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mẹ lo việc nội trợ, cuộc sống gia đình tương đối khó khăn nên Lâm Quý càng quyết tâm chơi bóng đá thật giỏi để hy vọng sau này sẽ có thu nhập, giúp gia đình thoát nghèo. "Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành ngôi sao. Tôi chỉ mong trở thành cầu thủ tốt, vừa thỏa tình yêu với trái bóng, vừa có khả năng giúp cha mẹ sau này có cuộc sống ổn định hơn" - Lâm Quý tâm sự.
"Bà tôi bệnh, tôi lo lắng lắm chứ. Nhưng tôi không thể làm phí công của thầy, của các đồng đội nên cứ vào trận là thi đấu hết sức mình. Thầy dạy chúng tôi chơi bóng phải fair-play, tôn trọng đối thủ, trọng tài và cống hiến cho khán giả" - Qúy nói thêm.
Bằng lối đá "rực lửa", Lâm Quý cùng đồng đội đã chinh phục hoàn toàn trái tim khán giả. Qúy cho biết, anh và các bạn chưa bao giờ được khán giả yêu quý nhiều đến vậy. Sau mỗi trận đấu, những lời khen từ khán giả, động viên từ gia đình, bạn bè trở thành niềm tin, động lực để những cậu bé lớn lên từ mảnh đất miền Tây sông nước như Quý chắp cánh cho ước mơ tỏa sáng ở giải U21 và bay xa hơn trên bầu trời bóng đá Việt trong tương lai…
Hướng tới những trận đấu phía trước, Lâm Quý tâm sự rất thật: “Thành tích của đội là thành quả của cả quá trình phấn đấu. Nhưng khi đã tiến đến giai đoạn này, tôi cùng các đồng đội tự nhủ, cống hiến là điều quan trọng nhất. Những giải trẻ là cơ hội rất tốt để cầu thủ trẻ như tôi và các đồng đội có thêm nỗ lực cống hiến. Thành tích là điều ai cũng mọng đợi. nhưng điều tôi nỗ lực và cảm động nhất là sự cổ vũ của các cổ động viên.
Thi đấu trong vai trò đánh chặn, nhìn cách cầu thủ này chững chạc hóa giải các đợt tấn công của đối phương, ít ai biết rằng Lâm Quý đang mang nỗi lo về bệnh tình của bà ngoại ở quê nhà. Sau mỗi trận đấu, Lâm Quý lại gọi điện về hỏi thăm bệnh tình của bà và rất nhiều lần, anh phải nuốt nước mắt vào trong để tiếp tục sát cánh cùng đồng đội.