Tiến tới SEA Games: VFF đánh kẻng rình trộm?
Lần đầu tiên VFF ra quyết định thành lập “tổ phản ứng nhanh”, theo lời ông chủ tịch VFF, để “sát cánh” cùng đội U23 sang SEA Games. Theo đó, danh sách quan chức đi cùng đội U23 khi có việc sẽ đông ngang với một đội bóng.
Với lý do, cần có sự giám sát chặt chẽ, cần phải xử lý nhanh các vấn đề nhạy cảm của các đội bóng đá gồm bóng đá nam, nữ và futsal nam, nữ tại SEA Games nên ngoài các trưởng đoàn gồm: ông Ngô Lê Bằng, ông Phan Anh Tú, ông Trần Anh Tú và ông Trần Quốc Tuấn được phân công trước đó. VFF đã làm thêm một danh sách khác gồm ông chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, các ông phó chủ tịch Lê Hùng Dũng, Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Lân Trung và ông Nguyễn Sỹ Hiển, chủ tịch hội đồng Huấn luyện viên quốc gia cùng hai uỷ viên VFF là ông Nguyễn Hồng Thanh và ông Lê Ngọc Chức giúp đỡ về chuyên môn.
Như vậy, nếu có mặt đông đủ tại SEA Games, đội lãnh đạo của VFF sẽ có quân số 11 người, ngang bằng với 11 cầu thủ có mặt trên sân để thi đấu. Ấy là chưa kể, theo VFF, giám sát đội U23 Việt Nam còn có hai thành viên của ngành công an từ A83 và C45, đội lãnh đạo còn thừa cả “cầu thủ dự bị” chứ không đùa.
Lý do bóng đá luôn tiềm ẩn sự bất trắc mà VFF đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Nếu nhìn lại, ở SEA Games tại Indonesia năm 2011, trận đấu với Lào cùng hình ảnh Văn Thắng ghi bàn, Văn Quyết ôm mặt khiến báo chí quốc tế cũng phải đưa lên trang đầu với nghi vấn “Việt Nam dàn xếp tỷ số” vẫn là một dấu hỏi to tướng về việc, có hay không? Trước đó tại Bacolod – Philippines, nhờ vào các cầu thủ trong đội trung thực báo cáo, VFF mới phát hiện ra âm mưu dàn xếp tỷ số – vẫn là một vết nhơ.
VFF sẽ tiếp tục “lặng lẽ” giám sát U23 Việt Nam tại SEA Games để đề phòng bất trắc. Ảnh: Quang Thái
Và trước “chỉ dấu” mới nhất trên sân Gò Đậu tại BTV Cup 2013, một vụ dàn xếp khác được “thống nhất” từ trưởng đoàn, huấn luyện viên đến cầu thủ đã bị phát hiện nhưng VFF không dám xử lý. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có quyền và có cớ để phải cảnh giác cao hơn tại SEA Games diễn ra trên đất Myanmar lần này.
Nhưng, nếu lập tổ phản ứng nhanh các vấn đề nóng, cớ gì VFF lại “đánh kẻng khua chiêng” đến thế. Nếu là để “rình trộm” những tưởng chuyện càng kín, càng bí mật về nhân sự lẫn các tính toán thì lại càng dễ làm việc hơn chứ?! Nhìn lại, có vẻ như VFF không muốn “bắt trộm” thì phải, bởi ngay như chuyện sờ sờ ở BTV Cup họ cũng có làm gì được đâu. Xem ra VFF chỉ muốn cảnh báo “coi chừng chúng tôi đó” mà thôi.
Không ít người cho rằng, tổ phản ứng nhanh được lập ra như một cách để giải quyết chính sách cho những người mà khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ về an hưởng tuổi già, như cách mà trước đó, ở các lần đại hội tại nước ngoài ngành thể thao vẫn làm, chủ yếu là cái tên phải kêu để dư luận đỡ phản ứng. Nếu thật vậy thì… cũng có lý!
Giờ thì người ta trông chờ xem các cầu thủ U23 Việt Nam sẽ bước vào giải đấu như thế nào với lực lượng giám sát đông đến thế này. Tất nhiên, người ta cũng hy vọng các cầu thủ U23 Việt Nam sẽ thi đấu tử tế và lực lượng giám sát cũng làm việc chứ không chỉ có tên cho vui, đi chơi cho vui. Đã đánh kẻng đến thế rồi cơ mà.